Đến 13h30 ngày 1/9, máy bay Airbus A320 của Hãng hàng không giá rẻ Jetstar Pacific mang số hiệu VN-A555 đã được thay chóp đuôi cánh trái và hoạt động trở lại.
Trước đó, chiếc máy bay này dự kiến chở gần 170 hành khách cất cánh từ TP.HCM đi Buôn Ma Thuột lúc 6g55 đã phải hoãn vì bị một xe thang đâm vào cánh gây ra một vết rách sâu khoảng 5cm vào phía trong.
Hành khách của chuyến bay đã được hãng hàng không Jetstar Pacific bố trí khởi hành từ TP.HCM đi Buôn Ma Thuột lúc 13g30. Sự cố này cũng làm chậm chuyến dây chuyền đến một số chuyến bay khác trong ngày. Theo đại diện hãng, các thiệt hại của sự cố này đã được
bảo hiểm.
Trao đổi với Tuổi Trẻ về sự cố xe thang va quệt máy bay Jetstar Pacific, cục trưởng Cục Hàng không VN Lại Xuân Thanh cho biết không chỉ phạt thật nặng nhân viên vi phạm mà cục sẽ rà soát chặt công tác đào tạo huấn luyện nhân viên của các doanh nghiệp. Hiện nhân viên lái xe thang đã bị đình chỉ công tác, làm báo cáo phục vụ công tác điều tra sự cố do Cảng vụ hàng không miền Nam tiến hành.
Vẫn theo ông Thanh, những vụ va chạm giữa máy bay và các phương tiện gần đây lỗi đều do kỹ năng xử lý quá kém của nhân viên, mặc dù các nhân viên này đều được cục cấp giấy chứng nhận năng định.
|
Ảnh minh họa.
|
Để xảy ra tình trạng này lỗi thuộc trách nhiệm doanh nghiệp quản lý không giám sát chặt quy trình đào tạo huấn luyện nhân viên trong khi các quy trình an toàn, tổ chức thực hiện quy trình... đã có sẵn.
Ông Thanh khẳng định các mức chế tài hiện nay đã đủ sức răn đe vì ngoài các quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hàng không, nhân viên vi phạm còn bị chế tài ở doanh nghiệp và chịu mức kỷ luật lao động đặc thù cao nhất là
đuổi việc.
Một nguồn tin của Tuổi Trẻ cho biết Cục Hàng không đã trình Bộ GTVT danh sách các thủ tục cần đơn giản hóa thủ tục hành chính, trong đó có việc loại khâu cấp giấy phép năng định từ cục quản lý sẽ chuyển chức năng này xuống cho doanh nghiệp chịu trách nhiệm.
Tuy nhiên sau vụ xe thang va vào máy bay của Hãng hàng không China Airlines hôm 27/8 và sự cố ngày 11/9 cục sẽ phải báo cáo lại với Bộ GTVT và tiếp tục quản việc cấp phép này mà không thể chuyển sang cho
doanh nghiệp.
Đây là lần thứ hai máy bay bị phương tiện khác đụng khi đang đậu tại sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất. Trước đó ngày 27-8, xe băng chuyền hành lý của Xí nghiệp Thương mại mặt đất (Tiags) đã đụng làm xước bụng máy bay Airbus A330 của Hãng hàng không China Southern Airlines. Tài xế bị tước quyền sử dụng giấy phép trong 24 tháng.