Người dân đốt xe máy khi vi phạm: "1 phút bốc đồng, vài năm bóc lịch"

Google News

"Nếu không đồng tình với quyết định của lực lượng chức năng thì có thể khiếu nại, nhưng một số người không làm như vậy, họ tranh cãi, chống đối lực lượng chức năng và thậm chí là đốt xe để phản đối" - trung tá Trình cho biết.

Mới đây, một thanh niên ở Quảng Ngãi đã tự đốt xe máy sau khi vi phạm quy định về phòng chống dịch COVID-19. Thay vì hợp tác với cơ quan chức năng thì người này chọn cách phản ứng tiêu cực để chống đối.
Đốt xe máy khi vi phạm, hành xử trái pháp luật 
Sáng 17/8, đoàn kiểm tra liên ngành phòng, chống dịch COVID-19 TP Thủ Dầu Một (Bình Dương) đang tuần tra, kiểm soát thì phát hiện N.D. (23 tuổi, quê Quảng Ngãi) điều khiển xe máy có dấu hiệu vi phạm Chỉ thị 16 về giãn cách xã hội nên dừng xe kiểm tra.
Lúc này, D. nói đang mang 2 gói mì tôm cho người thân. Khi lực lượng chức năng yêu cầu xuất trình giấy tờ chứng minh được phép ra đường, D. không xuất trình được nên lực lượng chức năng tiến hành lập biên bản.
Không đồng tình với lực lượng chức năng, D. cự cãi, rồi châm lửa đốt xe máy cháy rụi, trơ khung. Sau đó, lực lượng chức năng đã tạm giữ D., đồng thời lập hồ sơ xử lý về hành vi hủy hoại tài sản và vi phạm quy định phòng, chống dịch COVID-19.
Nguoi dan dot xe may khi vi pham:
Hiện trường nam thanh niên đốt xe máy vì bị lập biên bản khi vi phạm Chỉ thị 16. 
Trước đó tại tỉnh Hải Dương, chiều 8/1, tổ công tác thuộc Đội Cảnh sát giao thông - trật tự Công an TP Hải Dương phát hiện Hoàng Văn Trung (40 tuổi, trú tại xã Cẩm Chế, huyện Thanh Hà, tỉnh Hải Dương) lái xe máy vượt đèn đỏ, không đội mũ bảo hiểm, xe không có gương chiếu hậu nên ra tín hiệu dừng xe.
Khi bị dừng kiểm tra, Trung không hợp tác mà còn "nổi khùng" rút bật lửa ra đốt xe máy ngay trước mặt lực lượng chức năng.
Video: Bị lập biên bản vi phạm giãn cách, nam thanh niên đốt luôn xe máy

"Không đồng tình quyết định xử phạt có thể khiếu nại"
Trao đổi với PV Báo Tri thức và Cuộc sống về cách hành xử bốc đồng, không tuân thủ pháp luật của một bộ phận người dân, trung tá Nguyễn Quốc Trình, Đội phó đội CSGT số 2, Phòng CSGT tỉnh Quảng Ninh cho biết: "Trường hợp người vi phạm giao thông bị lực lượng chức năng dừng xe kiểm tra, xử lý có biểu hiện chống đối, đe dọa lực lượng chức năng, thậm chí là đốt phương tiện vi phạm không thường xuyên xảy ra, nhưng cũng không phải là hiếm có".
Theo trung tá Trình, người tham gia giao thông khi bị xử lý vi phạm nếu không đồng tình với quyết định của lực lượng chức năng thì có thể khiếu nại, nhưng một số người không làm như vậy, họ tranh cãi, chống đối lực lượng chức năng và thậm chí là đốt xe để phản đối.
"Việc đốt phương tiện giao thông để phản đối là một hành động bộc phát nhất thời, nhưng lại để lại hậu quả nghiêm trọng cho cá nhân người vi phạm và ảnh hưởng đến xã hội. Khi bị kiểm tra, xử lý các lỗi vi phạm giao thông, ban đầu người vi phạm chỉ bị xử phạt về lỗi khi tham gia giao thông, nhưng nếu có biểu hiện không hợp tác với lực lượng chức năng, đốt xe thì đó là hành vi chống đối người thi hành công vụ" - trung tá Trình nói rõ.
Đội phó đội CSGT số 2 Quảng Ninh cho biết: "Nhiều người nghĩ rằng xe của họ, họ bỏ tiền ra mua thì việc đốt, phá là quyền của họ. Nhưng phương tiện đó do Nhà nước quản lý, việc đốt xe, phá xe ở nơi công cộng ngoài việc phải chịu trách nhiệm về hành vi chống đối người thi hành công vụ, người đốt, phá xe còn có thể chịu thêm hình phạt về tội hủy hoại tài sản. Trường hợp nếu người đốt xe không có giấy tờ chứng minh đó là xe thuộc quyền sở hữu của mình thì còn có thể bị truy tố hình sự theo quy định của pháp luật hiện hành".
Cũng theo trung tá Trình, việc xử lý các hành vi gây rối trật tự công cộng, chống đối người thi hành công vụ đối với những trường hợp như trên là điều cầu thiết. Nhưng song song với đó, chúng ta cần phải vừa xử lý răn đe, vừa tuyên truyền cho người dân hiểu về hành vi đốt, phá xe là hành vi sai trái. 
Đồng tình với quan điểm trên, luật sư Đặng Văn Cường - Trưởng văn phòng luật sư Chính Pháp cho rằng, trường hợp có căn cứ cho thấy chiếc xe bị đốt không thuộc quyền sở hữu tài sản của người vi phạm, hành vi đốt xe gây thiệt hại đến tài sản của người khác thì nam thanh niên này sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội hủy hoại tài sản theo quy định của bộ luật hình sự năm 2015. Mức hình phạt cụ thể sẽ phụ thuộc vào giá trị của chiếc xe, tính chất mức độ của hành vi vi phạm và nhân thân của đối tượng.
Nguoi dan dot xe may khi vi pham:
Luật sư Đặng Văn Cường - Trưởng Văn phòng luật sư Chính Pháp.
Trường hợp chiếc xe mô tô là của người vi phạm thì sẽ không truy cứu trách nhiệm hình sự về tội hủy hoại tài sản. Tuy nhiên, hành vi đốt xe xảy ra tại nơi công cộng và với thái độ là phản ứng lại với lực lượng chức năng đang thực hiện nhiệm vụ cản trở hoạt động công vụ, nhiệm vụ của người thi hành công vụ nên đây là hành vi gây rối trật tự công cộng và chống người thi hành công vụ. Cơ quan chức năng sẽ làm rõ hành vi này để có thể truy cứu trách nhiệm hình sự về gây rối trật tự công cộng và chống người thi hành công vụ theo quy định của pháp luật.
Phải xem là án điểm
Thượng tá Nguyễn Xuân Hùng, nguyên điều tra viên cao cấp, Công an Hà Nội cho rằng, hành vi đốt xe sau khi vi phạm thiếu ý thức, coi thường pháp luật. Do vậy, không chỉ dừng lại ở mức vi phạm hành chính mà còn có tính chất bị coi là tội phạm, đến mức phải truy cứu trách nhiệm hình sự.
"Tôi nghĩ, các cơ quan pháp luật phải xử lý nghiêm để răn đe, phòng ngừa. Nếu cần thiết, phải xem đây là án điểm, đưa ra xét xử lưu động để tuyên truyền, phòng ngừa, răn đe tội phạm nhằm nâng cáo hiểu biết và ý thức pháp luật cho người dân" - thượng tá Hùng nói và cho biết, không thể đổ lỗi do bức xúc với người thi hành công vụ được vì họ là người đang vi phạm rồi (ở đây là vi phạm giao thông). Nếu người thi hành công vụ có thái độ không đúng mực thì có thể phản ánh với cấp trên của họ, với cơ quan chủ quản. Những người có thẩm quyền sau khi xem xét, nếu thấy có căn cứ sẽ có mức xử lý nghiêm khắc nếu người thi hành công vụ sai.
"Tội chống người thi hành công vụ nêu rõ: Người nào dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc dùng thủ đoạn khác cản trở người thi hành công vụ thực hiện công vụ của họ hoặc ép buộc họ thực hiện hành vi trái pháp luật, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.
Nếu người nào phạm tội thuộc một trong các trường hợp: phạm tội có tổ chức; phạm tội từ 2 lần trở lên, xúi giục, lôi kéo, kích động người khác phạm tội; gây thiệt hại về tài sản từ 50 triệu đồng trở lên; tái phạm nguy hiểm, thì có thể bị phạt tù từ 2 năm đến 7 năm" - luật sư Đặng Văn Cường nói.
>>> Mời quý độc giả xem video: Hải Dương: Xe cảnh sát giao thông gây tai nạn chết người

Nguồn: Youtube


Hiểu Lam - Văn Đạt

>> xem thêm

Bình luận(0)