Một mình diệt địch
Con đường dẫn vào bản Bung, xã Danh Sĩ, huyện Thạch An, Cao Bằng nơi khi xưa ông Lý Văn Dư một mình khuynh đảo cả đại đội bộ binh của Trung Quốc trong Chiến tranh biên giới 1979 nay đã được rải nhựa thênh thang.
Ngồi bên bếp lửa trong căn nhà sàn truyền thống của người dân tộc Tày, người đàn ông tuổi đã thất thập nói về cuộc chiến 37 năm trước: “Hôm qua là hôm qua, là kẻ thù nhưng nó đã là lịch sử. Hôm nay là hôm nay, Việt Nam và Trung quốc đã bình thường quan hệ, chúng ta phải thẳng thắn với lịch sử”.
Nhấp chén rượu thay nước chè để mở đầu câu chuyện ông Dư kể: Ông nguyên là cán bộ phòng thống kê huyện Thạch An. Tháng 5/1971, khi cuộc chiến chống đế Quốc Mỹ đang đi vào giai đoạn khốc liệt. Theo tiếng gọi thiêng liêng của tổ quốc, ông tạm gác công việc lên đường nhập ngũ, đơn vị ông tham chiến tại chiến trường Quảng Nam, rồi chiến dịch Hồ Chí Minh.
|
Ông Lý Văn Dư kể về chiến tích một mình tiêu diệt 13 tên địch
|
Sau năm 1975, đất nước hoàn toàn giải phóng ông trở về với công việc của mình và được giao vị trí phó phòng Thống kê huyện.
Nhớ lại ký ức xưa, ông Dư cho biết, trước năm 1979, mối quan hệ giữa ta và Trung Quốc trở nên căng thẳng. Phía Trung Quốc ngoài xô xát vũ trang, họ thường xuyên cho gián điệp, điệp viên rải truyền đơn chống phá, bôi xấu nhà nước và lôi kéo người dân vùng biên. Về phía chính quyền ta cũng đã có những biện pháp đối phó, người dân được tuyên truyền về những chiêu trò của Trung Quốc nên chiến dịch chống phá của cầm quyền Bắc Kinh không mấy hiệu quả.
"Khi đó, phía ta cũng đã thông báo cho người dân về việc Trung Quốc sẽ quẫy nhiễu ở biên giới, nhưng chỉ ở mức trung đoàn chứ không xâm lược. Nhưng thực tế, Trung Quốc đã phát động chiến tranh cấp quân đoàn với số quân khổng lồ trong tháng 2/1979", ông Dư kể lại.
Theo ông Dư, phía ta đã có những chủ quan về việc nhận định Trung Quốc sẽ không phát động chiến tranh. Ta chỉ nghĩ rằng Trung Quốc sẽ đánh nhỏ ở biên giới chứ không đánh sâu, sử dụng cả xe tăng và với quy mô lớn như vậy.
"Ngày 17/2/19179, Trung Quốc dội pháo sang khu vực biên giới, đến khoảng 9 giờ sáng cùng ngày, xe tăng Trung Quốc, trên xe có chữ “Bát nhất” đã tràn vào thị trấn Đông Khê. Trước đó cả tháng, người dân đã nghe tiếng xe cơ giới gầm rú bên kia biên giới, nhưng không biết đó là tiếng xe gì. Chỉ khi xe tăng Trung Quốc kéo vào, phía ta mới biết và bị bất ngờ. Do thiếu sự chuẩn bị về lực lượng cũng như khí tài để đối phó với hỏa lực mạnh của địch, các đồn biên phòng của ta nhanh chóng bị địch chiếm giữ, người dân phải rút lui vào rừng núi để tránh thương vong. Khoảng 10h sáng, bộ binh Trung Quốc đã tràn vào cửa khẩu Đức Long. Chúng đi từng hàng dài mà không vấp phải sự chống trả nào.Vì lúc đó làm gì có vũ khí và quân lực để đánh nó. Cả bản có mỗi 1-2 khẩu súng.” – ông Dư nói.
Ngày 8/3, sau nhiều ngày ẩn nấp trong rừng, ông Dư được tin quân Trung Quốc lại kéo quân vào Đông Khê. Ông lập tức chạy đi mượn khẩu súng K44 của ông Lôi Văn Say (dân quân), tuy nhiên ông Say chỉ có súng mà lại không có đạn.
Ông Dư chạy ngược về nơi sơ tán lấy 29 viên đạn mà mình còn giữ từ ngày đi bộ đội. Ông lặng lẽ rời nơi sơ tán mà chẳng nói với vợ con một lời vì sợ mọi người ngăn cản. Men theo lối đi trong rừng, ông vác súng về làng, nghĩ bụng, nếu bọn giặc mà đốt phá làng, ông sẽ sống mái với chúng.
Tuy nhiên, khi giặc đến chúng chỉ hành quân qua đường cái, cách làng ông khoảng 300m, trong lúc hành quân, mấy tên lính đi tiền trạm bắn bâng quơ vào làng để xem có bị mai phục hay không khiến 1 con trâu chết. Bằng kinh nghiệm chiến đấu trong quân ngũ, ông Dư bình tĩnh ẩn nấp chờ thời cơ.
Thấy địch không vào làng đốt phá, ông đợi chúng đi hết thì lặng lẽ băng qua đường, nhanh chóng lẩn vào rừng, đi đường tắt qua ngọn đồi phía trước để chặn đầu quân địch.
|
Báo Cao Bằng số ra ngày 30/4/1979 viết bài về thành tích diệt địch của anh hùng Lý Văn Dư
|
Khi địch đi cách làng khoảng 2-3km, đến địa phận làng Pú Nho hướng ra thị trấn Đông Khê, “Đoạn này rất thẳng, 2 bên đường trống trải, không có nơi ẩn nấp, chúng đi thành hành 3 hàng 4, dài hơn 100m, tôi đếm được 225 tên” – ông Dư nói.
Lúc này, ông Dư ẩn nấp trên sườn đồi cao, nhận thấy đây là vị trí thuận lợi để tấn công, ông chọn một gốc cây lớn, xung quanh là những bụi sim um tùm. Khoảng cách từ chỗ ông đến kẻ thù chỉ khoảng 100 - 200 mét.
Phát súng đầu tiên, ông bắn vào hàng đi cuối cùng, vì ít đạn, ông nhằm bắn xuyên táo với mục đích gây tổn thất lớn nhất về nhân lực địch. Nhát đầu đạn xuyên qua 2 tên đi cuối.
2 tên trúng đạn kêu oai oái, tiếng súng vang vọng khiến quân địch khiếp đảm. Đội hình tan tác. Trước tình hình đó, tên chỉ huy hô to yêu cầu quân lính nằm xuống 2 bên vệ đường. Chúng quay súng về phía ông Dư ẩn náu, nã đạn điên cuồng.
Lợi dụng tiếng súng hỗn loạn, ông Dư nổ phát súng thứ 2 rồi thứ 3, phát thì bắn vào hàng ngũ ở giữa của địch, phát thì bắn vào nhóm đi đầu khiến chúng càng hoảng loạn.
Lại thêm việc không tìm ra được nơi nổ súng khiến chúng điên cuồng bắn về phía quả đồi ông ẩn náu. Do vị trí ông bắn ở trên cao, khi tiếng bắn dội xuống, rồi vọng lên khiến bọn giặc bị nhầm phương hướng, chúng bắn và dùng pháo cối nã về ngọn đồi phía sau ông.
Do địch xác định nhầm địa điểm ông ẩn náu, cộng với việc tiếng súng hỗn tạp từ phía quân thù bắn liên tiếp, ông Đư bình tĩnh nhắm bắn hết 28 viên đạn. Còn viên cuối cùng, ông định bụng để lại nếu bị quân địch phát hiện, ông sẽ dùng để tự sát.
Tuy nhiên, sau một hồi ngồi quan sát, thấy địch vẫn chưa phát hiện ra vị trí mình ẩn nấp. Ông Dư kê súng, nhắm thẳng vào đám lính túm tụm nằm ở vị trí xa nhất rồi bóp cò. Tiếng súng chát chúa vang lên, một tên ôm bụng quằn quại kêu la khiến cả đội hình địch chú ý quay lại nhìn đồng đội. Lợi dụng địch đang phân tâm cùng với địa hình rừng cây rậm rạp, ông bò thấp người qua những gốc sim lặng lẽ rút về nơi sơ tán.
Địch quá hoảng sợ cũng nhanh chóng rút lui bỏ cả súng, đạn, nồi niêu lại chiến trường.
Kết quả, với 29 viên đạn ông Dư tiêu diệt được 13 tên địch bắn bị thương 2 tên khác, thu về 1 khẩu trung liên RPD, 2000 viên đạn, 20 quả lựu đạn cùng nhiều quân trang khác. Sau đó, ông Dư được cử đi dự đại hội mừng công của tỉnh ngày 20/4/1979.
Anh hùng không một tấm bằng khen
Sự kiện ông Dư một mình tiêu diệt địch được báo Cao Bằng đăng tải trong số báo ra ngày 30/4/1979. Đến giờ, ông Dư vẫn còn giữ bản photo có dấu của báo Cao Bằng để làm kỷ niệm.
|
Ngôi nhà nơi ông Dư và gia đình sinh sống. |
Tuy nhiên, ông ngậm ngùi: “Tôi tuổi cũng cao, sức đã yếu, giờ chỉ mong nhận được một tấm bằng khen, ghi nhận công lao để sau này con cháu còn biết ông cha nó đã chiến đấu dũng cảm như thế nào. Tôi chẳng đòi hỏi gì, chỉ mong nhà nước ghi nhận công lao. Hiện giờ bằng chứng sống là tôi vẫn còn, giấy trắng mực đen mà báo Cao Bằng viết về tôi, về chiến công năm đó vẫn còn dấu đỏ, vậy tôi có đủ căn cứ để nhận tấm bằng khen không?”