Chiều tối 15/6, tàu cá HT-22019 TS của ông Phạm Văn Lệ cập cảng cửa Sót thuộc xã Thạch Kim, huyện Lộc Hà, Hà Tĩnh. Trên tàu có 6 ngư dân, ai cũng vui mừng kể lại câu chuyện cứu phi công Su-30MK2.
Ngư dân Trần Xuân Long, 49 tuổi, bắt đầu câu chuyện về những ngày lênh đênh câu cá trên vùng biển Nghệ An. Rạng sáng 15/6 tàu cá của ông Lệ neo đậu. Đến khoảng 3h, các thuyền viên trên tàu thức dậy để chuẩn bị cho một ngày câu cá.
“Vừa ngủ dậy, nghe tiếng kêu giữa biển, ai cũng sợ, hỏi nhau có nghe tiếng người không. Một lúc sau nghe tiếng thuyền ơi cứu với, cứu với”, ông Long kể.
|
Ngư dân Trần Xuân Long nói khi ngủ dậy nghe tiếng kêu cứu giữa biển khơi. Ảnh: Hoàng Nguyên. |
Ngư dân Nguyễn Ngọc Dậu tiếp câu chuyện: “Sau khi pha đèn phát hiện có người nổi trên mặt nước biển, mọi người trên tàu liền chặt dây neo, chạy thuyền đến thấy có một người to lớn, đang bám vào một cái phao màu vàng. Sau khi thả thuyền thúng xuống cứu lên, người đàn ông lạ mặt nói là phi công chúng tôi mới biết”.
Mọi người đang rôm rả kể về những giây phút cứu phi công máy bay Su-30MK2 mất liên lạc, ngư dân Nguyễn Văn Hoạt chen lời: “Thấy tàu chúng tôi, anh phi công sung sướng lắm. Anh ta còn khỏe mạnh khi bơi lại tàu. Chính anh ta thấy tàu mới kêu cứu đó”.
Phi công Nguyễn Hữu Cường khi lên tàu đã được các ngư dân chăm sóc khi cho ngậm sâm, bôi thuốc lên vết thương ở tay và cổ. Anh Cường cũng kể lại cho mọi người biết về chuyện về máy bay gặp sự cố. Sau một ngày đêm lênh đênh trên biển, anh dè sẻn ăn từng miếng lương khô, khát quá chỉ uống một hai ngụm nước ngọt vì sợ hết để chờ lực lượng cứu hộ đến.
|
Chiếc tàu cá HT-22019 TS của ngư dân Lệ đã cứu sống phi công Nguyễn Hữu Cường. Ảnh: Hoàng Nguyên. |
“Lúc lên tàu, phi công Cường hỏi tôi có điện thoại, có sóng không. Tôi nói có và bấm máy cho phi công Cường gọi cho vợ. Lúc nói chuyện với vợ, anh Cường kiệt sức nên đã tựa vào người tôi. Sau khi điện cho vợ, anh Cường điện cho chỉ huy để báo tin”, ngư dân Long kể tiếp.
Phi công Cường đã thông báo cho mọi người trên tàu biết, trên biển đang còn một phi công nữa, cần phải tìm kiếm. Nhưng vì biển quá rộng mọi người đã quyết định phải đưa phi công Cường vào bờ dưỡng sức và chữa trị vết xây xát trên người.
“Lúc bôi vết thương cho anh Cường, tôi nói đánh bắt cá trên biển thì cả đời do đó phải đưa phi công vào bờ sớm để chữa trị”, ngư dân Hoạt nói.
Lúc lên tàu chuyển vào bờ, phi công Cường có hứa với các ngư dân là một ngày gần nhất sẽ cùng vợ con vào tìm gặp mọi người để cám ơn, ôn lại chuyện sinh tử trên biển cả.
Sáng 14/6, máy bay Su-30MK2 số hiệu 8585 cất cánh từ sân bay Sao Vàng (huyện Thọ Xuân, Thanh Hóa) thực hiện nhiệm vụ huấn luyện. Ít phút sau, lúc 7h29, tín hiệu từ chiếc tiêm kích biến mất trên vùng biển Nghệ An, gần khu vực đảo Mắt.
Hai phi công trên chiếc Su-30MK2 mất tích đều dày dạn kinh nghiệm, gồm thượng tá Trần Quang Khải (43 tuổi, Phó trung đoàn trưởng, Tham mưu trưởng Trung đoàn 923) và thiếu tá Nguyễn Hữu Cường (39 tuổi) Phó phi đội trưởng phi đội 1, Trung đoàn 923.
Su-30MK2 là phiên bản hiện đại của dòng máy bay chiến đấu đa năng Su-30 do Nga sản xuất. Việt Nam đã thực hiện 3 hợp đồng mua 32 chiến đấu cơ loại này.
Mời quý độc giả xem video về Máy bay Su-34(nguồn Youtube):