Tại quận Gò Vấp, TP. HCM vừa diễn ra đám cưới của 60 cặp đôi khuyết tật đến từ khắp các tỉnh, thành phía Nam. Tất cả mọi người đều có hoàn cảnh khó khăn, làm nhiều việc khác nhau để nuôi sống bản thân như bán vé số, dọn nhà thuê, chạy bàn ăn, nội trợ…Vì đồng cam cộng khổ mà về sống chung với nhau, chưa bao giờ họ ước mơ một ngày sẽ được mặc váy cưới, complet chú rể.
Trong không gian lộng lẫy đầy hoa, nến với thảm đỏ chạy dài hơn 200m, các cặp đôi tươi cười, nắm tay nhau bên lời chúc phúc của bạn bè và những người biết tin đám cưới đến chung vui.
|
60 cặp đôi khuyết tật với nhiều hoàn cảnh khác nhau nhưng tất cả đều có một điểm chung là chưa bao giờ được mặc váy cô dâu, complet chú rể đã được thực hiện đám cưới |
Theo đơn vị tổ chức, đám cưới của 60 cặp đôi khuyết tật được xét và tài trợ từ A đến Z. Mỗi một cặp đôi sẽ được tặng một bánh cưới, một cặp nhẫn, một bàn tiệc để mời bạn bè, người thân. Ngoài ra, còn được tài trợ chụp ảnh, váy cưới cô dâu, complet chú rể, trang điểm miễn phí hoàn toàn.
Sau màn chụp ảnh kỉ niệm, trò chuyện với bạn bè, người thân, các cặp đôi đã nắm tay nhau tiến vào hội trường làm lễ, cắt bánh cưới trong tiếng cười giòn tan, hạnh phúc nhất cuộc đời.
Trong 60 cặp đôi tham dự đám cưới, có đến 10 cặp là mù hoàn toàn còn lại bị khuyết tật tay chân phải ngồi xe lăn. Một trường hợp cô dâu bị khuyết tật mất sức khỏe đến 95% được chú rể và tình nguyện viên bế vào đám cưới khiến nhiều người rơi lệ. Nhiều cặp đôi đến 60-65 tuổi, đã có con lớn nhưng chưa bao giờ có điều kiện tổ chức một đám cưới đã được đơn vị tài trợ biến giấc mơ thành hiện thực.
|
Có nhiều cặp đôi đã có con cái. Trong ảnh một cặp đôi khuyết tật đã hơn 55 tuổi thực hiện đám cưới tập thể với sự vui mừng của con cháu |
Trường hợp chị Lan Anh bị khuyết tật cả hai chân từ nhỏ vì chất độc da cam của cha đi chiến trường. Chị Lan Anh không được đi học, tuổi thơ chưa bao giờ được đi chơi, có bạn bè chia sẻ. Năm lên 15 tuổi, chị được gửi về một trung tâm bảo trợ người tàn tật để học nghề làm tăm tre, quạt giấy bán.
Tại trung tâm, chị Lan Anh quen biết với anh Xuân - một người bị khiếm thị từ khi chào đời. Cả hai làm bạn với nhau, cùng chia ngọt sẻ bùi, niềm vui trong khi làm việc đã khiến cùng đồng cảm, yêu thương nhau.
Sau khi học xong nghề, chị Lan Anh từ quê nhà Bình Dương lên Sài Gòn bán tăm tre, quạt giấy. Anh Xuân vì mến chị Lan Anh, muốn che chở cho chị nên đi theo.
“Tôi đi theo cô ấy đến nay đã hơn 10 năm rồi. Nói là đi theo nhưng thật sự tôi muốn làm bờ vai cho cô ấy nương tựa bởi đã yêu cô ấy khi còn làm chung ở trung tâm. Cô ấy là mắt còn tôi là chân, cùng nhau chăm lo cuộc sống dù còn lắm khó khăn!”, anh Xuân bày tỏ.
Chị Lan Anh và anh Xuân sau đó không được cha mẹ đồng ý cho cưới vì sợ không thể nuôi nhau. Cả hai vì thế chưa một lần được đám cưới, mặc áo cô dâu, complet lên người. Khi anh chị đăng ký đã được đơn vị tài trợ cho một đám cưới trong mơ chưa bao giờ dám nghĩ tới.
“Khi chúng tôi có cháu, cuộc sống còn khó khăn nhưng cha mẹ đã đồng ý rồi. Niềm vui ngày đám cưới có cha mẹ đến dự còn gì hạnh phúc hơn…”, chị Lan Anh bùi ngùi.
Một trường hợp khác, anh Thành quê Phú Yên bị mù do tai nạn bom mìn từ nhỏ cướp đi đôi mắt. Chị Song bị tai nạn giao thông nên phải ngồi xe lăn từ năm 10 tuổi. Trong một lần anh Thành đi bán vé số trên đường thì đụng phải chị Song đang đi phía trước cũng làm nghề bán vé số.
Chính hành động ân cần, giúp đỡ anh Thành đứng dậy cùng lời nói nhỏ nhẹ của chị Song đã khiến anh Thành ngày nhớ đêm mong. Và rồi, sau lần “đụng bất ngờ” đó, cả hai anh chị trò chuyện đồng cảm và đến với nhau xây dựng tổ ấm.
May mắn hơn cặp đôi Lan Anh - Xuân, hai anh chị Thành – Song được gia đình và bạn bè ủng hộ đến với nhau. Cả hai cũng đã có một bé trai kết tinh của tình yêu đôi lứa.
Anh Thành chia sẻ, do gia đình hai bên còn khó khăn nên chưa bao giờ được cho chị Song mặc áo cô dâu. Ngày biết tin về đám cưới dành cho các cặp đôi khuyết tật, hai anh chị đăng ký và được tài trợ trong niềm vui mừng khôn xiết.
Đang nói chuyện với chúng tôi thì anh Thành quay sang nhìn chị Song chọc cười: “Anh đã cho em được mặc áo cô dâu rồi đó nhé, em đừng có đòi anh nữa nhé!”. Câu nói trên của anh Thành khiến chị Song và chúng tôi bật cười trong niềm vui vẻ.