Chúng tôi đến thăm gia đình mế Lê Thị Lự (77 tuổi) tại thôn Cù Lạc 1 (xã Sơn Trạch, huyện Bố Trạch, Quảng Bình) sau trận mưa lũ lịch sử khiến nước tràn trắng băng mọi thứ.
Đứng ngay ngoài cửa cũng nhìn thấy căn nhà chỉ vỏn vẹn vài mét vuông, trong nhà cũng chẳng còn vật gì đáng giá ngoài chiếc giường cũ kỹ đã bạc màu thời gian cùng với chiếc bàn xiêu vẹo bên trên là di ảnh ảnh chồng và con trai mế Lự.
Ngồi ngay cửa ra vào là mế Lê Thị Lự - mẹ liệt sĩ. “Lúc nào mế cũng ngồi ở vị trí này và nhìn về phía xa xăm như ngóng trông điều gì đó”, anh Trần Xuân Hồng – cán bộ chính sách xã Sơn Trạch cho hay.
Thấy có người đến chơi, mế mừng ra mặt vì mấy chục năm nay, sau trận bom Mỹ tàn phá, mế mất một chân và cứ ngồi một chỗ thế này. Tôi chào mế, mế đưa hai tay ra nắm chặt lấy bàn tay tôi.
Mế mời tôi uống nước và bắt đầu kể về những thăng trầm của cuộc đời mình. “Nhìn các con trẻ khỏe thế này, bỗng dưng mế nhớ đến thời thanh xuân của mình. Mế tham gia thanh niên xung phong từ năm 17 tuổi, tới năm 20 tuổi đã có đứa con đầu lòng.
Chồng mế đi chiến trường, mình mế vừa nuôi con, vừa sản xuất vừa chiến đấu. Năm 28 tuổi, khi đó mế là bộ đội xung kích, 12h trưa hôm ấy bọn giặc Mỹ thả bom đốt kho xăng. Mế chạy vào hang ẩn nấp nhưng trúng bom, chân phải bị thương nặng.
Sau đó, các anh bộ đội thay nhau cõng mế chạy tới bệnh viện xã Cự Nậm (huyện Bố Trạch, Quảng Bình). Lúc ấy, đau đớn, mế ngất lên ngất xuống.
Cuối cùng, do vết thương quá nặng, mế bị cưa mất chân phải và sống cuộc đời của người đàn bà chỉ có một chân cho tới tận bây giờ.
Chiến tranh, chính chiến tranh đã cướp mất một chân của mế, cướp chồng mế và cả đứa con trai mới 20 tuổi”, nói tới đây mế Lự không cầm nổi nước mắt.
|
Giấy chứng tử của con trai mế Lự. |
Được biết, con trai mế là anh Nguyễn Thanh Luyên (SN 1962) tham gia chiến đấu và hi sinh năm 1982 khi ấy anh vừa tròn 20 tuổi. “Nhiều đêm, mế vẫn nằm mơ thấy thằng Luyên, nó vẫn đẹp như xưa. Nếu còn sống chắc giờ nó cũng vợ con đề huề rồi.
Năm nó đi chiến trường, nó còn dẫn người yêu về thăm mế. Con bé xinh đáo để, lại chịu khó. Sau khi thằng Luyên mất, nghe đâu cô gái kia cũng đau buồn lắm, rồi cũng đi lấy chồng”, mế Lự cho hay.
|
Mế Lự trò chuyện cùng phóng viên Infonet. |
Giờ đây, mình mế sống trong căn nhà chỉ vài mét vuông. Đặc biệt, căn nhà của mế không hề có cánh cửa. Mế bảo, nhà mế cũng chẳng có gì đáng giá nên chẳng sợ trộm, với lại, không có cánh cửa để lúc nào rảnh rỗi mọi người còn đến chơi với mế.
Được biết, mế sinh được 7 người con nhưng các anh chị cũng chẳng khá giả gì, lo ăn chưa xong. Vả lại, mế già rồi, chỉ ăn được cơm nhão mà cơm nhão bọn trẻ không thích nên mế ra ở riêng, không muốn phiền tới đứa con nào.
|
Bữa cơm trưa của mế Lự. |
Hàng ngày, bà con hàng xóm mua cho vài đồng rau, thỉnh thoảng mua giúp vài đồng thịt, mế Lự già rồi nên ăn cũng chẳng đáng là bao. Trong suốt cuộc trò chuyện cùng chúng tôi, câu nói “thèm người” mế nhắc đi nhắc lại.
“Nhiều khi mế thèm người lắm, chỉ mong có ai đến chơi và nói chuyện, cứ ngồi một mình từ sáng tới tối cũng tủi lắm chứ. Mế sông tách biệt hẳn với cuộc sống ngoài kia, chẳng bao giờ mế biết được thế giới kia đang xảy ra chuyện gì. Thế giới của mế chỉ là bốn bức tường này thôi”, mế Lự đưa tay lau nước mắt.
Chia sẻ về hoàn cảnh mế Lê Thị Lự, ông Nguyễn Đức Nhân – trưởng thôn Cù Lạc 1 cho hay: “Hoàn cảnh của mế Lự rất đáng thương, con trai mế tham gia chiến đấu và mất năm 20 tuổi. Hiện giờ, mế sống một mình trong căn nhà đơn sơ, mưa là dột ướt hết. Nhiều khi nghĩ cũng tủi cho mế, tuổi già mà lúc nào cũng chỉ lủi thủi một mình”.
>>> Mời quý độc giả xem video hầm bí mật của biệt động Sài Gòn (nguồn VTV):