Đào là gặp vàng?
Kể về những lần tìm kiếm, đôi mắt lão nông Sáu Lý (ấp Vĩnh Ân, xã Vĩnh Đại, Tân Hưng, Long An) rực sáng, hấp háy khi nhắc lại những mẫu chuyện đầy bí ẩn: “Hầu như không một ai bỏ công sức tới đây mà không kiếm được chút gì từ mảnh đất này cả”.
Tuy nhiên, ngay từ lần “bắt được vàng” đầu tiên, ông đã nhận thấy có sự kỳ lạ trong của quý này. “Không hề có một hình dáng, kích cỡ cố định nào ở loại vàng này. Loại vàng nhỏ như trứng cá lẫn trong đất là nhiều nhất, từng viên tròn nhỏ bóng loáng tập trung lại với nhau, ai may mắn đào gom lại được cả nắm. Có loại là vàng mỏng dát đều, rất kì công”, ông Sáu Lý kể.
Sau đó, những gì ông Sáu Lý chứng kiến đúng là “một gia tài vàng khủng khiếp”. Như ngay chính ông, có lần cũng phát hiện được một đồ vật như chiếc nhẫn, ai đó đã uốn cong lại tạo nên một đồ vật kì dị khác thường. Ông Sáu Lý cũng được xem là người có kinh nghiệm nhất quanh khu vực cánh đồng vàng.
|
Đến mãi bây giờ, người dân vùng Vĩnh Ân vẫn còn truyền tai nhau về cánh đồng vàng kỳ bí năm xưa. (Ảnh: minh họa) |
Lúc đào vàng, chỉ cần nghe tiếng lắc chảo, cặn vàng “đạp” vào đáy là ông biết được đó là vàng hay đất đá. “Vàng nặng nên chìm, tiếng kêu sẽ khác. Có nhiều người mang đồ vật ở nhà đến bãi, trêu mọi người là đào thấy vàng. Tôi chỉ cần cầm lên là biết thật hay giả. Những viên vàng nhỏ như viên bi thì người ta cho vào bịch, nhỏ hơn thì gắp cho vài túi, gom được nhiều rồi mới bán”, ông Sáu nhớ lại.
Hiện tượng “cánh đồng vàng” sau đó được bà con trong làng đồn tai nhau từ người này sang người khác, rồi nhanh chóng sau đó lan rộng ra các vùng lân cận nhưng không một ai phát hiện ra điều gì ẩn sau hiện tượng kỳ lạ này.
Ông Sáu Lý đã phát hiện ra sau nhiều đêm vắt óc suy nghĩ. Quy luật đó là vàng thường tập trung hai bên mé kênh, nơi dòng nước thường xuyên luân chuyển. Số lượng người tìm vàng cũng tập trung đông nhất vào mùa nước lũ, tức là khoảng vài tháng cuối năm. Lớp đất đóng cục sau khô hạn bị nước mưa rửa sạch, vàng tự khắc trồi lên.
Sau những cơn mưa lớn, dân tìm vàng cứ dàn hàng mà đi, ai may mắn có thể phát hiện cả cục to. “Mùa vàng” kéo dài đén chừng cuối thập niên 90 thì chấm dứt, cũng đột ngột như khi vàng xuất hiện. Đến lúc đó không còn ai tìm thấy vàng nữa. Vì một lý do nào đó, vàng xuất hiện và biến mất đột ngột không ai đoán trước được.
Chẳng ai giàu lên nhờ “bắt được vàng”
Ông Việt Anh khi ấy đang làm dân phòng tại ấp, hay tin vùng quê nghèo người dân đang nháo nhào tìm kiếm vàng, bản thân ông cũng nhiều lần thử “vận may” nhưng chưa kịp thấy vàng thì nhận nhiệm vụ làm an ninh.
“Lúc đó, đội an ninh ở đây chia nhau ra trực, nghe tin ai đào được miếng vàng lớn thì cũng háo hức đến xem. Nhưng có lẽ, việc tìm được vàng là do cái duyên, bởi có người may mắn thì tìm được rất nhiều, nhưng phần lớn chỉ được vài ba chỉ đến một cây vàng là khủng lắm rồi”, ông Việt Anh cho biết.
|
Dù đào được vàng, nhưng nhiều gia đình ở vùng Vĩnh Ân vẫn còn cuộc sống khó khăn. |
Theo nhận định của thương lái vàng lúc bấy giờ, đa phần đều là vàng non, một số còn chứa lượng bạc cao nên giá trị của nó khi bán cho thương lái cũng không cao, chỉ đủ tiền ăn uống sinh hoạt trang trải cuộc sống hàng ngày. Đến giờ, người dân quanh cánh “đồng vàng” vẫn còn nghèo, cán bộ địa phương chưa ghi nhận thông tin ai nhờ vàng mà phát tài nhà cao cửa rộng.
Thay vào câu chuyện phát tài về vàng, có nhiều lời đồn đoán về những người nhặt vàng, hậu vận không mấy sáng sủa. Điển hình là chuyện ông Tư Bé đầu ấp, sau khi nhặt được số vàng lớn rồi mua đất, xây nhà, tuy nhiên chỉ vài năm sau tự nhiên mang bệnh rồi mất. Rồi vô số người mắc bệnh nan y, sức lực cạn kiệt chỉ sau vài năm “vật lộn” tìm vàng.
Ông Sáu Lý không tin vào những điều đó, mà giải thích rằng: “Những người đàn ông mắc bệnh bấy giờ, có thể do quá lao lực, ham mê tìm vàng mà sinh bệnh. Vào mùa mưa, nước ở cánh đồng này ngập quá nửa người, họ tranh thủ lúc đấy đất mềm mà lặn ngụp ngày đêm, vì lạnh quá mà sinh bệnh thôi”.
Về miền quê Vĩnh Ân, nơi có “cánh đồng vàng” khi xưa nay vẫn thật bình dị, đơn sơ vậy thôi. Ông Sáu Lý thổ lộ: “Người dân nơi đây còn nghèo lắm. Chưa thấy ai nhờ vàng mà có của ăn của để, giàu có hơn người. Ngày ấy không biết tại sao, cứ bán được bao nhiêu lại ăn tiêu hết, không để lại được gì”.