Nghi phạm vụ án mạng ở Bạc Liêu có bị xử lý hình sự?

Google News

Trong vụ án mạng ở Bạc Liêu, nếu nghi phạm bị tâm thần và được miễn trách nhiệm hình sự thì người giám hộ nếu không chứng minh được mình không có lỗi trong việc giám hộ thì phải chịu trách nhiệm bồi thường.

Thông tin tiếp theo vụ án mạng ở Bạc Liêu được Người Lao Động cho hay:
Ngày 26/7, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công An tỉnh Bạc Liêu đưa Thạch Sà Khêl (35 tuổi) đi giám định tâm thần để làm căn cứ thực hiện các bước tố tụng tiếp theo trong vụ truy sát xảy ra tại ấp Đai Tà Ni, xã Hưng Hội, huyện Vĩnh Lợi, tỉnh Bạc Liêu.
 Thạch Sà Khêl. Ảnh do công an cung cấp
Trong khi chờ kết quả giám định, Báo Người Lao Động tiếp nhận ý kiến phân tích của luật sư Trần Nguyễn Duy Thăng, Văn phòng Luật sư Trần Thanh Phong (Đoàn Luật sư TP Cần Thơ) xoay quanh việc Khêl có chịu trách nhiệm hình sự hay không đối với vụ truy sát kinh hoàng này.
Theo luật sư Thăng, đối với vụ án này, sau khi đã có đủ căn cứ xác định đối tượng gây án thì cơ quan điều tra phải ra quyết định khởi tố vụ án hình sự và khởi tố bị can về tội "Giết người" theo qui định tại Điều 123 Bộ Luật Hình sự.
 Chị Thạch Thị Ra Na cho biết anh mình bị tâm thần nhiều năm qua. Ảnh: VÂN DU
Tuy nhiên, do Khêl có dấu hiệu tâm thần từ hơn 10 năm trước (những người dân sống gần nhà Khêl cho biết) và vài ngày trước khi phạm tội thì không chịu uống thuốc (theo lời trình bày của em ruột Khêl là chị Thạch Thị Ra Na) nên việc gây ra vụ thảm sát này cần phải có giám định tâm thần từ cơ quan chức năng để xác định trách nhiệm rằng Khêl có hạn chế khả năng nhận thức và điều khiển hành vi trước, trong khi phạm tội hay không? Kết luận giám định của cơ quan chuyên môn sẽ quyết định năng lực chịu trách nhiệm hình sự của Khêl trong vụ án này. Sẽ xảy ra 2 trường hợp như sau:
Thứ nhất, nếu bị can bị bệnh tâm thần và hạn chế nhận thức và năng lực điều khiển hành vi trước, trong và sau khi phạm tội thì vẫn sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự về tội "Giết người". Tuy nhiên hành vi phạm tội của bị can sẽ được giảm nhẹ một phần hình phạt do bị bệnh tâm thần hạn chế nhận thức điều khiển hành vi.
Thứ hai, nếu bị can bị bệnh tâm thần mất khả năng nhận thức và năng lực điều khiển hành vi thì cơ quan điều tra sẽ ra quyết định đình chỉ điều tra đối với bị can và chuyển hồ sơ cho Viện Kiểm sát cùng cấp ra quyết định áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh. Sau đó, cơ quan điều tra sẽ ra quyết định đình chỉ vụ án và đưa bị can đi chữa trị cho đến khi ổn định sẽ bàn giao cho gia đình và địa phương.
Hiện nay chưa có quy định về trường hợp có các dấu hiệu nguy hiểm thì bắt buộc phải nhập viện điều trị khi người bệnh chưa phạm tội. Do đó, trách nhiệm đưa người bị bệnh tâm thần khi khám điều trị phải do sự tự nguyện của gia đình, do điều kiện kinh tế và một phần do sự e ngại sự gièm pha của xã hội…
Theo quy định của Bộ Luật Dân sự, tòa án sẽ tuyên bố mất năng lực hành vi dân sự khi người bị mắc bệnh tâm thần hay một bệnh khác làm mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi. Cha, mẹ, vợ, chồng hoặc con của người đó sẽ trở thành người giám hộ đương nhiên. Nếu không có người giám hộ đương nhiên thì UBND xã, phường, thị trấn nơi người bệnh cư trú có trách nhiệm cử hoặc đề nghị người giám hộ.
Trong vụ án này, nếu Khêl bị bệnh tâm thần và được miễn trách nhiệm hình sự thì người giám hộ nếu không chứng minh được mình không có lỗi trong việc giám hộ thì phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại do người mắc bệnh gây ra theo Điều 599 Bộ Luật Dân sự.
Như đã thông tin vụ giết người ở Bạc Liêu, vào khoảng 15 giờ ngày 24/7, Khêl bất ngờ cầm dao và một khúc gỗ đuổi theo tấn công người dân tại ấp Đay Tà Ni, xã Hưng Hội khiến hàng chục người bị thương.
Nhận được tin báo, Công an huyện Vĩnh Lợi cử ngay lực lượng đến hiện trường để khống chế, bắt giữ Khêl. Những người bị thương được người dân cấp tốc chuyển đến trạm y tế và bệnh viện điều trị.
Đến tối cùng ngày, một nạn nhân đã tử vong do vết thương quá nặng là bà Hồ Thị Trầm (91 tuổi). Những người bị thương được đưa đến cấp cứu trị tại Bệnh viện Đa khoa Bạc Liêu, trong đó những người bị thương rất nặng phải chuyển lên Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ và Bệnh viện Chợ Rẫy (TP HCM) điều trị.
Rạng sáng 25/7, bé Dương Tú Quyên (7 tháng tuổi) tử vong, còn và bé Hồ Bích Ngọc (11 tuổi) cũng được bệnh viện xác định là đã tử vong nhưng sau đó có dấu hiệu sinh tồn trở lại nhưng tiên lượng vẫn xấu. Bé Quyên hiện đã được người thân đưa đi hỏa táng. Mẹ và anh trai của bé Quyên hiện vẫn còn đang nằm điều trị tại bệnh viện.
Một số người dân gần hiện trường án mạng Bạc Liêu cho biết, Khêl đã có vợ con tại địa phương. Nhiều năm qua, Khêl có biểu hiện tâm thần và bỏ đi nơi khác làm phụ hồ. Khi vừa quay về thăm nhà thì Khêl gây ra tội ác.
Chị Thạch Thị Ra Na (34 tuổi, em gái của đối tượng Khêl) cũng cho biết Khêl đã có dấu hiệu bị tâm thần khoảng 10 năm qua. Sau khi đi làm thuê từ Trà Vinh về được vài ngày, Khêl không chịu uống thuốc nên đã gây ra tội ác. Đối tượng này từng có giấy tờ xác định là tâm thần nhưng đã tự đốt sạch trong một lần "lên cơn".
Theo Tân Quân/Người Lao Động

>> xem thêm

Bình luận(0)