Và để tận mắt chứng kiến, trải nghiệm những nghi thức của Hội Thánh Đức Chúa Trời, phóng viên đã tiếp tục nhập vai một “tín đồ” để có thể xâm nhập Sion (trụ sở làm lễ).
Hoạt động lén lút
Mặc dù các “tín đồ” của tổ chức này tìm mọi cách chèo kéo, dụ dỗ người khác tham gia nhưng thực sự để có thể chính thức trở thành một thành viên, một “tín đồ” thực thụ, phóng viên đã phải trải qua nhiều khâu kiểm tra nghiêm ngặt trước khi bước vào Sion.
Như trong kỳ trước đã đăng, dưới sự dẫn dắt của đối tượng Hải, phóng viên đã tới một Sion trên đường Lạc Long Quân (Tây Hồ, Hà Nội).
Trụ sở làm lễ này là một căn nhà lớn có bốn tầng với cửa kính luôn đóng chặt. Khi thấy bóng dáng người mới đến, hai cô gái trẻ từ bên trong ngó đầu ra dò hỏi: “Các anh tìm ai?”.
Sau khi nói ra “mật khẩu” đó là “Chúc phước nhiều”, cánh cửa lúc này mới được mở rộng để chào đón những người mới. Sau khi phóng viên bước qua, cánh cửa ngay lập tức được đóng lại, kín mít như cũ.
Theo như quan sát, tầng một ngôi nhà để chật kín xe máy, giày dép và trên mỗi tầng đều có một lớp đang hoạt động. Ngoài mỗi phòng, đều có một người đứng như để gác cửa.
|
Các tín đồ lắng nghe thuyết giảng. |
Chúng tôi được dắt lên tầng hai của ngôi nhà để gặp “thầy” làm lễ. Mới nhìn thấy chúng tôi, người đàn ông hỏi, giọng hết sức nghiêm trọng: “Các anh là ai? Đến đây làm gì? Các anh có giấy tờ gì không?
Những người quay phim ngoài kia là hai người đưa đến đúng không?”. Tiếp đó, người đàn ông liên tục truy vấn sự có mặt của phóng viên khi xuất hiện ở đây.
Sau nhiều lời giải thích, chúng tôi đành rời khỏi Sion này và biết rằng, ở đằng sau vẫn đang có một “tín đồ” đang bám đuôi mình cho dù đã đi cách xa hàng km.
Thứ "nước thánh" tín đồ phải uống thực sự là gì?
Để có thể tiếp tục được bước chân vào Sion một lần nữa, chúng tôi tìm mọi lý do để thuyết phục đối tượng Hải - người dẫn dắt. Phải sau đó một tuần, dường như đã tin tưởng vào những gì phóng viên đưa ra, Hải mới đồng ý tiếp tục “xếp lớp” để tôi được mở ấn.
Có mặt tại “lớp” này nhờ lời giới thiệu của Hải, trong căn phòng ba tầng chật hẹp, một thanh niên còn trẻ, bận bộ complet, đeo caravat lịch sự, nói như máy về những trang trong cuốn sách gọi là Kinh thánh. Chúng tôi được lý giải rằng có tất cả 7 ấn cần phải mở trong hai tiếng đồng hồ.
Sau hai tiếng ngồi chịu trận, phóng viên được những người này cho biết đã mở được 6 ấn với đủ các loại nguyên tắc vô cùng quái đản như: Giữ lễ vượt qua; Giữ ngày sa bát – tức là không làm việc ngày thứ 7 chỉ nghỉ ngơi; Tuần ba lần đến hội nghe giảng kinh thánh; Thờ Mẹ thiên chúa, không được thờ người khác, kể cả cha mẹ ông bà tổ tiên, không vào chùa chiền miếu đình, không ăn đồ thờ cúng. Họ nói rằng làm như thế là thờ Satan, thờ quỷ.
Phải vứt bỏ hết bát hương gia tiên, bỏ cúng bái gia đình vì Chúa trời là cao nhất, còn tất cả đạo giáo khác đều nằm bên dưới; Thờ phụng đấng An Sang Hồng vì là chúa mới, là người lý giải hết mọi câu chữ trong Kinh thánh, tái sinh ở Hàn Quốc đúng như tiên đoán trong Kinh thánh và cũng là người sáng lập ra hội; Bắt rửa tội; Luôn luôn vâng lời hội; Đóng phí 1/10 thu nhập hàng tuần; Tuyển thành viên mới.
|
Chấp sự chuẩn bị làm lễ Pháp bắp têm cho phóng viên. |
Chưa dừng lại ở đó, sau khi vượt qua bài mở ấn, người mới tham gia sẽ được làm lễ “Pháp bắp têm”, tín đồ sẽ được rửa tội bằng cách lột bỏ hết quần áo, mặc vào bộ đồng phục để “thầy” đọc Kinh, dội nước từ đầu đến chân. Tín đồ phải quỳ dưới chân “thầy”, xung quanh là các tiên nữ (nữ tín đồ) đội khăn trắng cùng hô “Amen!”.
Câu nói mà tôi nghe câu được câu chăng khi bị dội nước từ trên đầu xuống đó là: “Lạy Đức Chúa Trời cha chí thánh, bởi nhân danh Đức Cha và Đức Thánh linh con đã làm “Pháp bắp têm” cho con trai này rồi.
Vậy từ bây giờ cầu xin cha, lấy con trai này làm con cái của Đức Chúa Trời và ban cho thánh linh chí thánh, để cho con trai này được ân huệ dư dật. Một lời cầu nguyện an sang hồng chí thánh mà cầu khấn. Amen!”.
Trong buổi làm lễ cùng phóng viên còn một vài cô gái khác, nhìn dáng vẻ của họ có vẻ lờ đờ, chậm chạp thực hiện mọi yêu cầu của “thầy”.
Cuối cùng của buổi lễ, một thủ tục quan trọng mà “thầy” bắt những “tín đồ” mới phải thực hiện đó là “ăn thịt Chúa, uống máu Đức Chúa Trời” được tượng trưng. Đó là một mẩu bánh nhỏ và một cốc nước màu đỏ như máu, có vẻ như một dạng siro.
Nghe đồn về loại nước khiến con người ta lú lẫn, bảo gì làm đấy, cuồng phụng kẻ khác khiến tôi rùng mình và có chút sợ hãi. Đối tượng “thầy” dường như cũng thấy được sự sợ hãi, chần chờ đó của phóng viên và liếc mắt nhìn, tỏ vẻ không hài lòng. Tôi ngửa cổ uống cạn mà rùng mình khi trải qua hết những nghi lễ quái đản nơi đây.
Sau khi chiếm được lòng tin của tổ chức này, đối tượng Hải, người nhận trách nhiệm dẫn dắt tôi đã kể về những “thành tích” mà tổ chức này làm được: “Ở Hà Nội có khoảng hơn 30 Sion nằm rải rác cả nội và ngoại thành. Còn nếu ở Việt Nam thì cả 63 tỉnh, thành đều có những người con của Chúa Trời đi truyền đạo”.
Khi ngỏ ý muốn được đi thăm các Sion thì Hải cho biết: “Chưa đi được! Học đến đâu thì lúc ấy anh em sẽ giới thiệu chỗ ấy”. Tuy nhiên, bằng mọi cách tìm hiểu thông tin, phóng viên đã phát hiện được một số địa chỉ trụ sở.
Căn nhà bốn tầng mà chúng tôi đã xâm nhập lần đầu ở Lạc Long Quân có lẽ là một trụ sở lớn, cũng là nơi các “tín đồ” sau khi học xong sẽ được đưa về đó mở ấn và làm lễ “Pháp bắp têm”.
Một số trụ sở khác đều nằm trên những tuyến phố lớn, ngoài Lạc Long Quân thì còn có thể kể đến các nơi khác như Láng Hạ, Thành Công, Nguyên Hồng, Nguyễn Trãi, Thái Hà…
Như đã nói ở trên, với các trụ sở hoạt động ngấm ngầm, nếu một người không thực sự được truyền đạo sẽ không bao giờ nhận được câu trả lời thật khi đến tìm hiểu tại các trụ sở này. Hầu hết các ngôi nhà được chọn làm trụ sở sẽ luôn đóng chặt cửa, có người canh chừng vòng trong, vòng ngoài. Nếu có người mới, phải có người dẫn dắt hướng dẫn mới có thể xâm nhập.
Đặc biệt, có nhiều trụ sở là các quán café, tạp hóa hay căn hộ chung cư. Và đặc biệt hơn nữa, đó là sự biến mất trong nháy mắt của những trụ sở này. Với trụ sở nằm tại một căn chung cư trên đường Láng Hạ, chúng tôi tham gia học cách đó một ngày nhưng chỉ ngay hôm sau, trụ sở đó đã biến mất không còn dấu vết.
|
Cận cảnh một buổi truyền giáo. |
Cuộc thương lượng bất thành
Chiều ngày 18/4, phóng viên bất ngờ nhận được điện thoại từ đối tượng Hải, người đàn ông này muốn hẹn gặp tại một trụ sở nằm trên phố Láng Hạ. Tuy nhiên, ngay sau đó, Hải lại hướng dẫn tôi đi theo nhiều địa chỉ khác nhau, thay đổi liên tục. Cuối cùng, đối tượng này nhắn tin rằng: “Anh em tới muộn quá mọi người về hết rồi, thôi để hôm khác vậy”.
Đến ngày 20/4, vẫn là đối tượng Hải liên lạc mời phóng viên đến một trụ sở tại Láng Hạ để tiếp tục buổi học dang dở hôm trước. Tuy nhiên, trong lần gặp này, đối tượng Hải dường như đã phát hiện được điều gì đó nên thái độ không còn niềm nở như trước.
Tại một quán café trên đường Láng Hạ, nơi mà tôi đã tới trước đó để hỏi thông tin và nhận lại đó là sự ngơ ngác của chủ quán. Nhưng ngày hôm nay, khi đi với Hải, ngay lập tức tôi được đưa lên phòng kín cùng ba người đàn ông khác. Tôi nhận ra hai trong số ba đối tượng đã “truyền đạo” cho tôi từ buổi trước.
|
Các đối tượng tìm cách thương lượng với phóng viên. |
Một đối tượng vào thẳng câu chuyện rằng, đã phát hiện ra tôi không phải một “tín đồ” thực thụ và biết được thân phận của tôi. Người này cho biết, thông tin trên mạng về Hội Thánh của anh ta đều là một chiều, chưa có kiểm chứng khiến mọi người hết sức tức giận.
Ở bên cạnh, Hải liên tục thúc ép, yêu cầu tôi phải đưa thông tin liên lạc của các đồng nghiệp cùng thực hiện phóng sự. Tiếp đó, một người đàn ông nói giọng miền Nam lên tiếng: “Phía Hội Thánh muốn mời đơn vị truyền thông đến, tiếp cận làm một phóng sự trực tiếp, sẵn sàng để phỏng vấn những người cao cấp nhất trong Hội Thánh, chứ không đánh lén”.
Khi hỏi nhóm người này rằng: “Tại sao nếu các anh cho rằng thông tin sai lại không kiến nghị lên Tòa soạn đó, Bộ Thông tin và Truyền thông hay cơ quan chức năng có thẩm quyền?”.
Câu trả lời gọn trong hai ý. Thứ nhất là Hội thánh làm theo Kinh Thánh là không “cãi lẫy” – tức là không giải thích, thanh minh hay cãi lại việc người ta nói sai về mình. Thứ hai là khi đến các cơ quan đó để làm việc thì phải có tư cách đến, một vị thế gì đó để bàn bạc(?).
Phóng viên tiếp tục hỏi: “Hội Thánh mình có được công nhận hay dạng như giấy phép hoạt động không?”. Một người trong nhóm trả lời: “Ví dụ như một em bé sinh ra thì cũng phải có quá trình người ta cấp cho giấy khai sinh, sau đó đến tuổi mới có chứng minh thư.
Bây giờ nó đang ở bước từ khai sinh đến khi được cấp chứng minh thư. Nó phải có quá trình, đang trong quá trình thì cũng không thể thúc ép được”.
Tức là Hội Thánh này sinh hoạt chưa được công nhận (?). Và cuối cùng, lấy lý do sẽ suy nghĩ và trao đổi về lời đề nghị nói trên, phóng viên đã “rút lui” khỏi SION một cách an toàn, cùng lúc với một cô gái trẻ khác bước chân vào căn phòng truyền đạo này.