Nghe vợ xin HĐXX, Nguyễn Xuân Sơn bật khóc nức nở giữa Tòa

Google News

Nghe vợ trình bày hoàn cảnh và xin HĐXX phúc thẩm xem xét tội danh, tuyên chồng không phạm tội tham ô tài sản, bị cáo Nguyễn Xuân Sơn - nguyên Tổng Giám đốc OceanBank đã bật khóc nức nở.

Sáng 24/4, phiên tòa phúc thẩm xét xử đại án Oceanbank bước sang ngày thứ 5. Chủ tọa Ngô Hồng Phúc cùng đại diện VKSND Cấp cao tại Hà Nội và luật sư bắt đầu xét hỏi nhân chứng và những cá nhân, đơn vị liên quan đến vụ án xảy ra tại Ngân hàng Đại Dương.
Vợ bị cáo Nguyễn Xuân Sơn không tin chồng tham ô
Bà Võ Thị Thanh Xuân (vợ bị cáo Nguyễn Xuân Sơn - cựu Tổng giám đốc Oceanbank) được tòa triệu tập, ngồi hàng ghế sau bục khai báo. Thi thoảng đưa mắt nhìn chồng cách đó chỉ vài bước chân, bà Xuân rớm nước mắt.
Trình bày tại tòa, người phụ nữ 51 tuổi kể sau khi tòa sơ thẩm tuyên tổng hình phạt Nguyễn Xuân Sơn án tử hình, bà cùng gia đình vội vã đi tìm sự thật, kêu oan mong chồng thoát tội.
Nói về bản án sơ thẩm, bà Xuân cho hay tòa tuyên kê biên cả phần nhà cửa của mẹ đẻ bà. Bà cùng gia đình mong HĐXX xem xét lại nội dung này.
Vợ bị cáo Sơn lý giải, căn nhà ở khu đô thị Ciputra (Hà Nội) có một phần tiền đóng góp của mẹ đẻ bà. Ngoài ra, đây hiện là nơi thờ cúng liệt sỹ. Do đó, bà Xuân mong HĐXX phúc thẩm tuyên không kê biên ngôi nhà này.
Giải thích với bà Võ Thị Thanh Xuân, chủ tọa phiên tòa nói cơ quan thi hành án kê biên tài sản của bị cáo để tránh việc tẩu tán. Quá trình bản án phúc thẩm được thi hành, cơ quan chức năng sẽ hướng dẫn, phân định cho gia đình nắm bắt.
 Bà Võ Thị Thanh Xuân khóc xin tòa xem xét tội danh cho bị cáo Nguyễn Xuân Sơn. 
“Nếu căn nhà đó là tài sản chung của vợ chồng bà, tòa xác định bị cáo Sơn phải thi hành án thì cơ quan thi hành án sẽ đảm bảo quyền lợi cho bà”, vị thẩm phán thông báo.
Đề cập nội dung kháng cáo của bà Xuân về việc, gia đình sẽ lấy tài sản hiện có để bồi thường, khắc phục hậu quả cho Nguyễn Xuân Sơn mong bị cáo này thoát án tử, chủ tọa phiên tòa phân tích, tòa sơ thẩm kết luận bị cáo 56 tuổi tham ô 49 tỷ đồng.
“Ở đây có điều tế nhị. HĐXX hiểu nếu bồi thường hết thì khối lượng tiền rất khổng lồ”, ông Ngô Hồng Phúc nói.
Bà Xuân tiếp lời, rằng gia đình rất băn khoăn và có nhiều nỗi lo. Bà mong HĐXX xem xét công minh, toàn diện và nhân văn việc bị cáo Sơn có phải chủ thể tội tham ô hay không?
“Nếu tòa tuyên tội tham ô, tôi xin dùng tài sản riêng để khắc phục cho chồng để anh bớt khổ trong tù”, người phụ nữ khóc nấc, nói với chủ tọa.
Nghe bà Xuân trình bày, bị cáo Nguyễn Xuân Sơn bật khóc. Ông vội lấy khăn lau nước mắt.
 Bị cáo Sơn gạt nước mắt khi nghe người vợ trình bày. 
Khách hàng đã nhận tiền "chăm sóc" của Oceanbank có phải trả lại?
Sáng cùng ngày, tòa cũng xét hỏi các cá nhân và đơn vị khác có quyền và nghĩa vụ liên quan đến vụ án. Họ chủ yếu là những cổ đông của Ngân hàng Đại Dương.
Bà Lưu Khánh Hồng, đại diện Công ty TNHH VNT (cổ đông của Oceanbank) trình bày kháng cáo, mong HĐXX tuyên bị cáo Nguyễn Xuân Sơn hoàn trả 20% số tiền đã chiếm đoạt cho đơn vị này.
Theo bà Hồng, tòa sơ thẩm tuyên bị cáo Sơn phải bồi thường 49 tỷ đồng cho Tập đoàn dầu khí (VPN) sau vụ án xảy ra tại nhà băng. VNT cũng là một cổ đông như PVN, chiếm 20% cổ phần tại Oceanbank. Sau khi Ngân hàng Nhà nước mua lại bắt buộc nhà băng này giá 0 đồng, bà Hồng nói VNT đáng lẽ phải được hưởng quyền lợi như PVN.
Tiếp đó, đại diện Công ty cổ phần tập đoàn Đại Dương kháng cáo, yêu cầu tòa tuyên những khách hàng đã nhận tiền chi lãi ngoài của Oceanbank phải hoàn trả lại cho cổ đông.
Giải thích với các vị đại diện này, chủ tọa phân tích các khoản tiền Oceanbank đã chi lãi ngoài để chăm sóc khách hàng gồm tiền thưởng, quà cám ơn.
“Trên thực tế, các khoản này không dễ gì đòi lại”, chủ tọa nhận định và lý giải, khách hàng của Oceanbank gồm hàng trăm người, phân bổ trên toàn quốc. Do đó, bản án phúc thẩm tuyên sẽ có hiệu lực thi hành ngay lập tức. Tuy nhiên, vấn đề cổ đông đòi lại tiền đã chi lãi ngoài rất phức tạp và khó khả thi.
Theo bản án sơ thẩm, quá trình điều hành Oceanbank, Hà Văn Thắm, Nguyễn Xuân Sơn và đồng phạm đã để xảy ra nhiều vi phạm trong việc cho vay, huy động tiền gửi, chi lãi suất vượt trần, chi lãi suất ngoài hợp đồng.
Các sai phạm gây thiệt hại nghiêm trọng cho nhà băng này và các cổ đông, ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc thực hiện chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước. Cơ quan chức năng xác định tổng số tiền Oceanbank bị thiệt hại là gần 2.000 tỷ đồng.
Từ 28/8-29/9/2017, TAND Hà Nội xét xử sơ thẩm đại án Oceanbank. Hà Văn Thắm và 50 bị cáo bị truy tố về các tội Tham ô, Lạm dụng chức vụ, Vi phạm quy định về cho vay và Cố ý làm trái quy định Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.
HĐXX cấp sơ thẩm tuyên bị cáo Hà Văn Thắm chung thân, Nguyễn Xuân Sơn tử hình, Nguyễn Minh Thu và Nguyễn Văn Hoàn cùng án 22 năm tù...
Theo Hoàng Lam/Zing

>> xem thêm

Bình luận(0)