Ngành GTVT giải ngân ở mức cao hơn bình quân chung cả nước

Google News

Trong 11 tháng năm 2022, khối lượng giải ngân của Bộ GTVT đạt khoảng 34.900 tỷ đồng, duy trì ở mức cao hơn bình quân chung cả nước.

Báo cáo tại cuộc họp kiểm điểm tiến độ giải ngân và tiến độ các dự án do Bộ GTVT quản lý vào cuối tháng 11/2022, ông Lưu Quang Thìn, Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ Kế hoạch - Đầu tư cho biết, dự kiến đến hết tháng 11/2022, Bộ GTVT giải ngân được 34.900 tỷ đồng, đạt 63,4% so với kế hoạch được bổ sung (69,4% so kế hoạch giao đầu năm).
“Theo số liệu của Bộ Tài chính, kết quả giải ngân hết tháng 11/2022 của Bộ GTVT (62,4%) duy trì ở mức cao hơn bình quân chung cả nước (Bộ Tài chính dự kiến cả nước giải ngân từ đầu năm đến hết tháng 11 khoảng 57% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ đã giao)”, ông Thìn thông tin.
Nganh GTVT giai ngan o muc cao hon binh quan chung ca nuoc
 Ngành Giao thông được biểu dương có khối lượng giải ngân ở mức cao hơn bình quân chung cả nước.
Theo ông Thìn, từ nay tới ngày 31/1/2023, Bộ GTVT cần tiếp tục giải ngân khoảng 20.151 tỷ đồng. Số lượng vốn tập trung tại các dự án của các Chủ đầu tư/Ban QLDA lớn thuộc Bộ (khoảng 12.218 tỷ đồng, chiếm 60,6%) và dự án cao tốc Hà Nội - Hải Phòng của Vidifi (4.723 tỷ đồng chiếm 23,4%).
Trong đó, 11 dự án thành phần đường bộ cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 1 được giao kế hoạch vốn 16.034 tỷ đồng, đến hết tháng 11/2022 giải ngân 12.439 tỷ đồng (77,6%), kế hoạch còn lại phải giải ngân 3.595 tỷ đồng.
12 dự án thành phần đường bộ cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2 được giao kế hoạch 9.521 tỷ đồng, đến hết tháng 11/2022 giải ngân 4.553 tỷ đồng (47,8%), kế hoạch còn lại phải giải ngân 4.968 tỷ đồng.
Đối với nhóm các dự án ODA, kế hoạch đã giao 5.440 tỷ đồng, đến hết tháng 11/2022 giải ngân 3.709 tỷ đồng (68,2%), kế hoạch còn lại chưa giải ngân 1.731 tỷ đồng, tập trung ở 8 dự án: Vành đai 3 TP HCM đoạn Tân Vạn - Nhơn Trạch là 350 tỷ đồng; dự án cao tốc Bến Lức - Long Thành là 296 tỷ đồng;
Dự án kết nối giao thông khu vực miền núi phía Bắc là 211 tỷ đồng; Dự án kết nối giao thông khu vực Tây Nguyên 92 tỷ đồng; Dự án VRAMP 109 tỷ đồng; Dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông là 98 tỷ đồng; Dự án WB6 kênh nối Đáy - Ninh Cơ 92 tỷ đồng và dự án tuyến nối QL91 - tránh Long Xuyên 92 tỷ đồng.
Các dự án trọng điểm, cấp bách được giao kế hoạch vốn 3.243 tỷ đồng, đến hết tháng 11/2022 giải ngân 2.399 tỷ đồng (74%), kế hoạch còn lại chưa giải ngân 874 tỷ đồng, tập trung ở 6 dự án: cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ là 242 tỷ đồng; tuyến nối cao tốc Hà Nội - Hải Phòng với Cầu Giẽ - Ninh Bình là 241 tỷ đồng; Dự án nâng cấp QL30 Cao Lãnh - Hồng Ngự là 80 tỷ đồng; Dự án QL24 thành phần 2 là 75 tỷ đồng; Dự án nâng cấp đường cất hạ cánh sân bay Tân Sơn Nhất 55 tỷ đồng; Dự án đường cất hạ cánh sân bay Nội Bài 51 tỷ đồng.
Các dự án giao thông trong nước còn lại được giao kế hoạch vốn 20.812 tỷ đồng, đến hết tháng 11/2022 giải ngân 11.798 tỷ đồng (56,7%), kế hoạch còn lại chưa giải ngân 9.013 tỷ đồng tập trung ở 20 dự án: Cao tốc Hà Nội - Hải Phòng 4.723 tỷ đồng; Tuyến tránh phía Đông TP Buôn Ma Thuột 334 tỷ đồng; Nâng cấp luồng Cái Mép - Thị Vải 268 tỷ đồng; Cầu Rạch Miễu 2 là 239 tỷ đồng; Dự án đường sắt Hà Nội - Lạng Sơn 227 tỷ đồng; Dự án nâng cấp tuyến đường sắt Nha Trang - Sài Gòn 215 tỷ đồng; Dự án nâng cấp, cải tạo QL279 là 193 tỷ đồng; Dự án nâng cấp QL21B 178 tỷ đồng; Dự án tuyến tránh QL1A đoạn qua Cà Mau 163 tỷ đồng;
Cùng đó là các dự án: Nâng cấp QL15 qua Thanh Hóa 153 tỷ đồng; Nâng cấp QL14E 140 tỷ đồng; dự án nâng cấp QL1 qua Sóc Trăng 139 tỷ đồng; Dự án cải tạo, nâng cấp luồng Nam Nghi Sơn 135 tỷ đồng; Dự án luồng sông Hậu cho tàu trọng tải lớn vào sông Hậu giai đoạn 2 là 128 tỷ đồng; Dự án nâng cấp QL37 là 123 tỷ đồng; Dự án tàu cứu nạn xa bờ 120 tỷ đồng; 2 tàu tiếp tế xa bờ là 107 tỷ đồng,…
Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng yêu cầu các chủ đầu tư, ban quản lý dự án giải ngân phải quyết liệt hơn, phải có khối lượng, không chỉ là tạm ứng. Phải điều chuyển vốn những dự án có kết quả giải ngân chậm sang dự án giải ngân nhanh, xử lý các tồn đọng trong công tác quyết toán các dự án để nâng cao hiệu quả giải ngân vốn, bộ trưởng yêu cầu.
Đối với nhóm các dự án đang triển khai, Bộ trưởng nhấn mạnh các đơn vị đặc biệt tập trung thi công 4 dự án thành phần cao tốc Bắc – Nam giai đoạn 2017 – 2020 có kế hoạch về đích năm 2022. Trong đó, dự án đoạn Cam Lộ – La Sơn phải thông xe, đưa vào khai thác ngay trong năm nay. 3 dự án thành phần còn lại phải thông xe kỹ thuật (thảm nhựa và lắp đặt dải phân cách). Dù là thông xe kỹ thuật cũng phải nghiêm túc thực hiện cẩn trọng, không lơ là công đoạn nào…
Trước đó, Thủ tướng Chính phủ đã biểu dương các bộ, cơ quan trung ương và địa phương có tỷ lệ giải ngân 10 tháng đầu năm 2022 đạt cao như: Bộ GTVT, Thanh tra Chính phủ, Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Bình Định, Tiền Giang, Đồng Tháp, Tây Ninh, Lâm Đồng, Ninh Bình, Quảng Ngãi, Bình Thuận...
Đồng thời, phê bình các bộ, cơ quan trung ương và địa phương có tỷ lệ giải ngân 10 tháng đầu năm 2022 đạt thấp như: Ủy ban Dân tộc, Viện khoa học công nghệ Việt Nam, Bộ Ngoại giao, Hội Nhà văn, Bộ Y tế, Hội Nông dân Việt Nam, Bộ Giáo dục và đào tạo, Bộ Công Thương, Bộ Lao động - thương binh và xã hội, Liên hiệp các Hội văn học nghệ thuật Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Đại học quốc gia TP.HCM, Ban Quản lý Khu công nghệ cao Hòa Lạc, Bộ Tư pháp, Hà Giang, Phú Yên..
>>> Mời độc giả xem thêm video Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể phê bình tư vấn sửa đường băng sân bay Nội Bài: 

(Nguồn: Tin tức Vietnamnet)

Thiên Tuấn

>> xem thêm

Bình luận(0)