Dự kiến năm 2014 sẽ cần đến 80.000 tỷ đồng nữa. Tuy nhiên nếu không thu hút nguồn vốn tốt, rất có thể các dự án giao thông sẽ rơi vào thế đổi đất lấy hạ tầng.
Báo cáo của Bộ GTVT cho biết, năm 2013, ngành giao thông đã giải ngân đạt khoảng 62.021,4 tỷ đồng. Trong đó, vốn ngân sách nhà nước (NSNN) là 18.732,7 tỷ đồng, đạt 366,8% kế hoạch, vốn trái phiếu Chính phủ (TPCP) là 7.252,3 tỷ đồng, đạt 100% kế hoạch, vốn ngoài NSNN là 21.761 tỷ đồng, đạt 108,8% kế hoạch, còn lại là vốn ứng trước kế hoạch và vốn năm 2012 chuyển sang. Cũng trong năm 2013, toàn ngành giao thông huy động được hơn 80.000 tỷ đồng cho 26 dự án giao thông, trong đó huy động cho các dự án nâng cấp, mở rộng QL1 và đường Hồ Chí Minh đoạn qua khu vực Tây Nguyên khoảng 50.000 tỷ đồng (chiếm 43% tổng mức đầu tư).
|
Dự án cầu Nhật Tân.
|
Nhờ số vốn "khủng” trên, Bộ GTVT đã khởi công được 78 công trình và hoàn thành 46 dự án, trong đó, đã khởi công các dự án trọng điểm như các dự án nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 1, đường Hồ Chí Minh đoạn qua khu vực Tây Nguyên, đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi, cảng Lạch Huyện, cầu Vàm Cống, cầu Cao Lãnh... Bên cạnh đó, ngành giao thông đã nâng cấp, cải tạo và xây dựng mới được hơn 800 km đường quốc lộ, gần 4.000m cầu đường bộ và hơn 1.000m cầu đường sắt. Xây dựng mới 20.000 m2 đường lăn, nâng cấp và cải tạo 122.000 m2 đường lăn, sân đỗ máy bay...
Song song với các khoản chi, ngành giao thông đã giảm được 35.000 tỷ đồng sau khi đã rà soát 19 dự án. Công tác quản lý tiến độ và chất lượng các công trình, cùng với sự xếp hạng năng lực các tổ chức tư vấn, nhà thầu xây lắp, chủ đầu tư, Ban QLDA đã khiến tiến độ và chất lượng công trình được cải thiện. Nhiều dự án, công trình đã hoàn thành vượt tiến độ với chất lượng cao, phát huy được hiệu quả khi đưa vào sử dụng.
Cùng với sức giải ngân, vấn đề tái cơ cấu, cổ phần hóa, tiết giảm chi phí đã được thực hiện triệt để hơn, khi đã thực hiện cổ phần hóa 45 doanh nghiệp, trong đó có 11 doanh nghiệp có quy mô lớn như Tổng công ty Hàng không Việt Nam và 10 Tổng công ty do Bộ quyết định thành lập. Hệ số nợ phải trả đã giảm bình 50% trong năm 2013.
Theo Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng, dù đã gặt hái được nhiều thành quả trong năm 2013, song năm 2014 sẽ phải đối mặt nhiều thách thức lớn trong đó nguồn vốn "cần” sẽ là rào cản lớn nhất. Cụ thể, ngành giao thông sẽ phải cần khoảng hơn 80.000 tỷ đồng để thực hiện kế hoạch đề ra. Chính vì vậy, Bộ GTVT sẽ đẩy mạnh tìm kiếm các nguồn vốn khác theo các hình thức BOT, BT, PPP… Qua đó, sẽ ưu tiên các doanh nghiệp trong nước đủ tiền lực tham gia đấu thầu
Bộ GTVT sẽ ưu tiên vốn cho những dự án trọng điểm như Dự án nâng cấp, mở rộng QL1, đường Hồ Chí Minh đoạn qua khu vực Tây Nguyên, các dự án đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai, Hà Nội - Thái Nguyên, Hà Nội - Hải Phòng, Đà Nẵng - Quảng Ngãi, TP. Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây, Bến Lức - Long Thành, cầu Vĩnh Thịnh, cầu Nhật Tân, đường nối sân bay Quốc tế Nội Bài đến cầu Nhật Tân, Nhà ga hành khách quốc tế T2 - Cảng HKQT Nội Bài, cải tạo, nâng cấp Cảng HKQT Cát Bi, cảng cửa ngõ Hải Phòng (Lạch Huyện), đường ô tô Tân Vũ - Lạch Huyện, luồng cho tàu trọng tải lớn vào sông Hậu...
Ngoài ra, sẽ xúc tiến đầu tư các dự án hạ tầng giao thông quan trọng như đường cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết, Ninh Bình - Bãi Vọt, Cảng Hàng không quốc tế Long Thành, Tân Sơn Nhất, Cam Ranh... Phấn đấu khởi công 35 công trình, dự án và hoàn thành 58 công trình, dự án lớn trong năm 2014. Phấn đấu hoàn thành vào năm 2016 các dự án nâng cấp, mở rộng QL1 và đường Hồ Chí Minh đoạn qua khu vực Tây Nguyên…
Rõ ràng, các công trình cán đích theo kế hoạch là cần thiết nhưng bài toán huy động nguồn vốn của ngành GTVT cần phải "dung hòa” thêm các yếu tố "bảo đảm”. Cụ thể, năm 2013, đã là 60.000 tỷ đồng, năm 2014 cần 80.000 tỷ đồng. Bao nhiêu tỷ đồng dự án trong số này, ngành giao thông phải hứa hẹn các nhà đầu tư những lợi ích khác, nằm ngoài các dự án giao thông? Điều này chưa một báo cáo nào đề cập thấu đáo. Chỉ dẫn chứng cụ thể hai đơn vị Tasco hay tập đoàn Nam Cường trước đây, các công trình giao thông được hoàn thành, song "khoản mất” lại là những dự án bất động sản màu mỡ, hàng nghìn người dân mất đất, thậm chí nhiều dự án đến nay bỏ không, vì câu chuyện chính là sự "xí phần” của tương lai.
Nguyên thứ trưởng Bộ TN&MT Đặng Hùng Võ đã từng cảnh báo sự thu hút nguồn vốn bằng mọi giá cho một công trình sẽ phải đánh đổi bằng những vật chất về đất đai mất đi không thể lấy lại, và hậu nhân sẽ phải gánh chịu hậu quả từ những quyết định "cần tiền” ấy.