Từ lâu, xe máy đã trở thành "đôi chân" nối dài, là vật bất ly thân của người dân Việt Nam. Thiếu nó, người dân sẽ chẳng biết sinh hoạt thế nào. Sự phụ thuộc quá nhiều vào xe máy đã tạo cho người Việt một thói quen không thể bỏ, từ đó hình thành nên nền "văn minh xe máy".
Thế nên mới có chuyện, nếu ai đó nêu ra ý tưởng cấm xe máy, lập tức mọi người sẽ nhìn anh ta lạ lùng như người sao Hỏa. Do đó, nhiều ý kiến cho rằng, thay vì đề xuất cấm triệt để xe máy, hãy nghĩ đến những giải pháp khác sao cho "vẹn cả đôi đường".
|
Cấm xe máy, người dân đi bằng gì?
|
"Thủ phạm" của tai nạn, nhếch nhác
Cách đây 2 năm, một lãnh đạo của Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia đưa ra đề xuất, cần có lộ trình giảm xe máy trong cả nước, riêng đối với Hà Nội và TP.Hồ Chí Minh cần tiến tới cấm xe máy trong nội đô. Gần như ngay lập tức ý kiến của vị này đã khiến dư luận phản ứng dữ dội. Sự phản ứng mạnh đến mức, người đứng đầu ngành giao thông đã phải đăng đàn thanh minh rằng không có quyết định hay kế hoạch cấm xe máy để xoa dịu. Nói qua cũng phải nói lại, phản ứng trên hoàn toàn không phải là nhất thời. Cần nói thêm rằng, thời điểm đó, hơn 5 triệu người Việt đang sử dụng xe máy làm phương tiện lưu thông. Mục đích của những người làm giao thông là tốt, nhưng chắc hẳn họ chưa thấy hết phản ứng từ phía dư luận. Nói như lời một chuyên gia, xe máy là "đôi chân" của người dân, nếu chúng ta "cưa" đôi chân này thì người dân đi bằng gì?
Cũng từ đó đến nay, đề xuất cấm xe máy gần như rơi vào trạng thái quên lãng. Thi thoảng, có những ý kiến le lói bày tỏ quan điểm về việc cấm xe máy đăng tải trên mặt báo nhưng phần đông nghiêng về phản đối hơn là ủng hộ, chia sẻ. Năm tháng trôi qua, ý tưởng vẫn nằm trên giấy, cả cơ quan chức năng lẫn giới chuyên gia đều ngại nhắc đến. Thế nhưng, những ngày qua, đề xuất này một lần nữa lại được xới lên. Dư luận nổ ra cuộc tranh cãi về việc xe máy có là "thủ phạm" chính dẫn đến sự xập xệ, nhếch nhác, khó phát triển tại các đô thị của Việt Nam hay không và liệu đã đến lúc cấm triệt để xe máy chưa.
Xét trên góc độ cơ động, linh hoạt, không thể phủ nhận, xe máy là phương tiện giao thông tuyệt vời, không có đối thủ cạnh tranh. Nhưng công bằng mà nói, nó cũng là "thủ phạm" số một về tai nạn giao thông. Đối với nhiều quốc gia, xe máy bị xếp vào hàng phương tiện giao thông nguy hiểm, không khuyến khích sử dụng, thậm chí bị cấm ở nhiều thành phố. Không phải ngẫu nhiên khi người ta gọi nó bằng cái tên "hung thần đường phố". Vận tốc có thể đạt ngang ô tô nhưng độ an toàn chỉ tương đương xe đạp, là những "ưu thế" nổi bật của phương tiện này. Tai nạn xảy ra hàng ngày, hàng giờ trên khắp các cung đường của nước ta đã minh chứng cho điều đó. Theo thống kê, mỗi năm nước ta có hàng chục nghìn người chết vì tai nạn giao thông, trong đó xe máy là một trong những "tội đồ" hàng đầu.
Chưa hết, xe máy cũng là nguyên nhân gây nhếch nhác, mất mỹ quan đô thị. Việc dừng, đỗ xe máy trên vỉa hè, lòng đường làm mất mĩ quan đường phố. Người điều khiển xe máy lạng lách, đánh võng tạo nên một bức tranh giao thông hỗn loạn. Nói như lời TS. Lương Hoài Nam, nguyên TGĐ Jetstar Pacific, xe máy là yếu tố duy trì kiểu sống phát sinh nhiều rác thải. Sự tiện lợi của xe máy dừng bất kỳ chỗ nào sinh ra hàng quán, chợ cóc vỉa hè thay cho các nhà hàng, siêu thị sạch sẽ, văn minh. Sự phát triển tràn lan hàng quán, chợ cóc vỉa hè sản sinh ra một lượng rác thải khổng lồ không được xử lý mà được đổ ngay ra vỉa hè, lòng đường, làm ô nhiễm không khí và nguồn nước. Hiếm có nước nào mà rác rưởi, bụi bặm nhiều như Việt Nam, kể cả ở các nước nghèo hơn. Có thể nói, còn rất nhiều "thói hư tật xấu" mà nền "văn minh xe máy" đang mang đến cho người dân. Nên chăng, cần có lộ trình cấm xe máy tại thủ đô Hà Nội và TP.Hồ Chí Minh?
Cần có giải pháp "sống chung"
Trao đổi với PV, TS. Nguyễn Xuân Thủy, nguyên Giám đốc NXB Giao thông nhận định, xe máy không hoàn toàn là nguyên nhân chính gây ùn tắc giao thông tại Hà Nội và TP.HCM. Theo phân tích của TS. Thủy, một chiếc xe hơi chiếm dụng mặt đường bằng 4 - 6 xe máy. Số người ngồi thực tế trên xe ô tô không phải khi nào cũng đạt với diện tích chiếm mặt đường tương ứng, do đó ô tô cá nhân mới là nguyên nhân chính gây ra ùn tắc. "Cấm xe máy tại nội đô là điều không thể. Nhưng về lâu dài, tôi cũng đồng tình với chủ trương hạn chế xe máy, ưu tiên chuyển sang sử dụng phương tiện công cộng", TS. Thủy nói thêm.
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Mạnh Hùng, nguyên Chủ tịch Hiệp hội vận tải ô tô Việt Nam cho rằng, nếu đặt mục tiêu giảm tai nạn giao thông tại các thành phố bằng việc hạn chế hay cấm xe máy cũng không phải là lý do thuyết phục. Ông này đưa ra con số chứng minh, xe máy lưu thông trong thành phố với tốc độ trung bình từ 20 - 30km/giờ nên ít xảy ra tai nạn, nếu tai nạn cũng không thực sự nghiêm trọng. "Xe máy đang là phương tiện chiếm số đông, cũng là phương tiện kiếm sống của một bộ phận lớn người dân. Nếu cấm xe máy sẽ khó tránh khỏi bức xúc trong dư luận", ông này nhấn mạnh.
Các chuyên gia đều có chung nhận định, giao thông đô thị là bài toán tổng thể của các thành phố. Việc tiến đến cấm xe máy chưa đánh trúng "căn bệnh" giao thông hiện nay. Do đó, không thể cấm mà phải tạo thêm thuận lợi cho phương tiện này để "sống chung" như làm thêm cầu nhẹ, đường giành riêng cho xe gắn máy.
Vẫn phải sống chung với xe máy trong 10 năm nữa
Một chuyên gia nguyên là Bộ trưởng bộ GTVT cho rằng, trong 10 năm nữa chúng ta vẫn sống chung với xe máy. Giao thông tại Việt Nam là hỗn hợp, xe máy chiếm số lượng lớn nhất. Do đó, phải có những giải pháp đồng bộ về hạ tầng và phương tiện. Trong đó, các đường cao tốc mới phải thiết kế xây dựng đường gom cho xe máy; còn các hệ thống giao thông hiện tại chưa có điều kiện nâng cấp, xây mới thì khi tổ chức giao thông phải làm được đường làn đường dành riêng cho xe máy.