Ngày Cầu đi tù, đứa trẻ mới bập bẹ tập nói. Cầu bảo, dù biết đứa trẻ lớn lên trong sự thiếu vắng tình mẫu tử sẽ không có tình cảm với mẹ, song Cầu vẫn hy vọng được ôm lại con dù chỉ một lần.
Buôn người vì... muốn làm chủ sạp hàng
Nếu chỉ nhìn dáng vẻ bề ngoài, chẳng ai nghĩ Trần Thị Cầu, SN 1988, trú tại thị trấn Lộc Bình, huyện Lộc Bình, Lạng Sơn lại là một kẻ buôn người với bản án gần bằng tuổi đời. Mái tóc dài tết bím gọn gàng phía sau, gương mặt rám nắng, Cầu mang đậm nét chất phác của cô gái quê mùa, ấy thế mà… Hỏi chuyện Cầu vì sao trình độ văn hóa chưa qua lớp 9 mà lại dễ khiến nhiều cô gái trẻ tin tưởng để cho chị ta lừa gạt, Cầu bảo: “Em cũng không biết nữa”.
Cầu là con gái duy nhất trong một gia đình có 3 anh em. Cô không có nét xinh nổi trội nhưng ưa nhìn. Nhà gần biên giới nên những lúc nông nhàn, bố mẹ và hai anh lại kéo nhau đi làm cửu vạn, ai thuê gì làm nấy nên thu nhập cũng tạm ổn định. Cầu là con gái lại út ít nhất nhà nên dù gì cũng được ưu tiên hơn. Cô chỉ lo đi học và ngày nấu 2 bữa cơm, đợi bố mẹ và hai anh về ăn. Mặc dù thế song vì cũng thích kiếm tiền nên những ngày hè nghỉ học, Cầu cũng ra biên giới làm thuê. Chính vì sớm giao tiếp với người Trung Quốc nên cô có được vốn tiếng Trung kha khá. Tiếp xúc với những người đàn ông Trung Quốc lúc nào cũng đeo chiếc ví căng phồng trước bụng, Cầu ao ước sau này kiếm được một người chồng như thế. Cô nuôi ảo tưởng lấy chồng Trung Quốc sẽ được hưởng giàu sang, không phải lao động cực nhọc.
14 tuổi, Cầu chính thức bước chân vào nghề buôn bán. Cô vượt biên qua biên giới đi bán hàng thuê cho những ông chủ ở bên Trung Quốc, đi về theo giấy thông hành theo kiểu sáng đi, chiều về. Trong một lần bán hàng thuê cho một cửa hàng bán chăn ga, gối đệm, Cầu đem lòng yêu người thanh niên cũng bán hàng thuê ở đây. Sau một thời gian yêu đương, Cầu trở thành vợ của người thanh niên này. Cô sinh được một bé trai và phải gửi con về cho bố mẹ chồng nuôi vì công việc ở nơi làm thuê chiếm quá nhiều thời gian khiến cô không thể chăm sóc con được.
“Em đã từng đặt ra mục đích là lấy một người chồng giàu có để đời mình bớt khổ, vậy nhưng cuối cùng em lại để cho trái tim điều khiển. Lấy người mình yêu cũng không sai, song điều tệ hại là khi cuộc sống khổ quá, em lại chọn con đường sai lầm”, Trần Thị Cầu tâm sự.
Cô cho biết, thời gian đầu vợ chồng rất yêu thương nhau và dù chi tiêu tùng tiệm song cả hai luôn vui vẻ. Rồi khi đứa con đầu lòng chào đời, giữa hai người vẫn chưa hề xảy ra xô xát. Thế nhưng khi Cầu bắt đầu đi làm trở lại, việc gửi con về cho bố mẹ chồng chăm sóc để Cầu đi làm thì cô cảm giác bản thân chỉ như người đẻ thuê. “Khi tôi cai sữa con xong, bố mẹ chồng dỗ ngon ngọt rằng cứ gửi con về cho ông bà chăm, ngày nghỉ hay lúc nào nhớ thì về thăm. Thế nhưng khi tôi về thăm thì ông bà bóng gió là tôi kiếm cớ về thăm con để trốn việc, rồi bảo tôi không biết thương chồng. Chồng tôi lại bênh bố mẹ, thế là bất hòa”, Cầu nhớ lại.
Theo lời nữ phạm nhân này thì xa con được 2 năm, Cầu bàn với chồng phải làm một việc gì đó để có nhiều tiền thuê cửa hàng tự chủ vì nếu cứ làm thuê thế này thì mãi sẽ không đủ tiền để nuôi daỵ con. Và rồi không hiểu duyên cớ thế nào, Cầu đã nhận lời tiếp tay cho một chủ chứa. Theo lời Cầu thì món tiền vài chục triệu mà bà chủ chứa hứa hẹn sẽ trả công khiến cô mờ mắt. Nhất là lời tỉ tê được hưởng lợi nhuận phần trăm từ số tiền hàng tháng do các cô gái này kiếm được đã thôi thúc Cầu mau chóng về nước tìm người.
Theo bản án, đầu hè năm 2010, Cầu cầm tập tờ rơi có in chữ Trung Quốc vượt biên về nước rồi tìm đến các quán nước ở TP Lạng Sơn, tìm cách tiếp cận những cô gái trẻ. Hai cô gái là Hà Thị K và Sùng Thị C cùng quê ở Bảo Thắng, Lào Cai, đang làm thuê cho một cửa hàng ăn tại đây, sau khi nghe Cầu nói đang cần tuyển người đi phát quà khuyến mại cho khách hàng, thời gian làm việc chỉ một tháng nhưng mức lương khá cao nên đồng ý đi theo. Cầu tỏ ra thận trọng khi bảo hai cô hãy suy nghĩ kỹ đi, nếu đồng ý đi làm thì gọi điện thoại cho Cầu.
Hai ngày sau, Cầu nhận được điện thoại của hai cô gái nọ, thông báo đồng ý đi phát hàng khuyến mại. Cầu xin phép chủ nghỉ làm ra cửa khẩu đón hai cô bạn này rồi dẫn vào chợ Pò Chài, nói dối là đưa đến gặp ông chủ. Tại một cửa hàng trên tầng 2, trong lúc hai cô gái bình thản ngồi đợi thì Cầu lẻn ra một cửa khác với cọc tiền bán người. 50 triệu đồng tiền bán 2 cô gái trẻ là cả một gia tài mà Cầu có mơ cũng không nghĩ tới. Cô dự định nếu thực hiện được vài chuyến như thế sẽ đủ tiền thuê một gian hàng trong chợ để kinh doanh, không còn cảnh ngày ngày đi làm thuê bị chủ quát mắng, bắt lỗi nữa. Cô đâu ngờ một trong số 5 nạn nhân bị Cầu lừa bán trốn thoát về nước đã làm đơn tố cáo. Năm 2012 Cầu bị bắt và phải trả giá bằng bản án 22 năm tù.
|
Phạm nhân Trần Thị Cầu chăm sóc đàn đà điểu. |
Và những day dứt, ân hận của người mẹ trẻ
“Tiền đã làm em mờ mắt mà bán rẻ lương tâm của mình”, Cầu lí nhí. Nữ phạm nhân này bắt đầu khóc khi nhắc lại những lần chứng kiến cảnh các cô gái bị chủ chứa cho người đánh đập vì không vâng lời.
Theo lời Cầu thì cô những ngày bán hàng thuê ở chợ Pò Chài, không ít lần Cầu chứng kiến cảnh các cô gái bị đánh đập, bị sai khiến, không làm chủ được cả thân xác mình. Đã có lúc cô thấy thương họ, muốn làm một việc gì đó để giải thoát họ ra khỏi nơi tăm tối. Nhưng rồi Cầu lại không dám vì sợ bị trả thù. Cầu bảo cuộc sống nơi biên giới khắc nghiệt và rất mong manh, chỉ cần sơ sảy một chút là đôi khi phải trả giá bằng cả mạng sống của mình.
Cầu bảo thời gian đầu vào trại cải tạo, cô luôn sống trong tâm trạng mặc cảm, day dứt và hối lỗi. Rồi những nỗi nhớ nhà, nhớ đứa con bé bỏng thi thoảng lại trỗi dậy khiến Cầu không mấy khi có được một giấc ngủ ngon. Cũng may là được mọi người thông cảm, cán bộ động viên nên Cầu dần lấy lại được thăng bằng. Cô như tìm thấy con đường mà mình phải đi qua.
“Tôi xác định rằng chỉ có cải tạo tốt mới là con đường duy nhất để sớm trở về với gia đình. Càng về sớm thì tôi càng có nhiều cơ hội để tìm gặp con mình”, Cầu tâm sự.
Cô bảo từ ngày vào trại cải tạo, cô mới được anh trai lên thăm có 2 lần. Qua anh trai, cô mới biết người bố đã qua đời trong một lần đi vác hàng, trượt chân ngã xuống khe núi. Đau buồn vì cái chết của người chồng, cộng thêm nỗi đau vì con gái tù tội, mẹ Cầu cũng đổ bệnh, thường xuyên ốm đau. “Hai anh tôi đã lấy vợ, cuộc sống cũng không dư dả gì nên nhiều lúc thấy các bạn cùng buồng có người thân thăm gặp thì cũng tủi thân lắm nhưng cứ phải tự động viên mình gắng vượt qua. Ở trong này tôi chẳng cần gì, chỉ thiếu thốn tình cảm”, Cầu bộc bạch.
Được giao nhiệm vụ chăm sóc đàn đà điểu, mỗi ngày mang thức ăn cho chúng, Cầu không khỏi chạnh lòng trước cảnh đà điểu mẹ dùng cái cổ trọc lốc âu yếm con non. Cầu bảo nhớ con lắm, thương và mong được tạ lỗi với con dù biết chắc ngày mãn hạn trở về khó có cơ hội gặp lại người chồng ngoại quốc và đứa con bé bỏng. Dẫu vậy, Cầu vẫn nuôi hy vọng được gặp con một lần để xem cuộc sống của con thế nào...