Mới đây, Công an huyện Gia Lâm, Hà Nội cho biết đã làm rõ nhóm người ném gạch đá vào ô tô đang lưu thông trên đường cao tốc Hà Nội – Thái Nguyên. Nhóm thiếu niên này khai nhận tối 1/12 đèo nhau trên 3 xe máy đi hóng gió, rồi lên cầu vượt ở đường cao tốc Hà Nội – Thái Nguyên, thi nhau... ném đá vào ô tô. Trường hợp những người vi phạm là thiếu niên thì pháp luật xử lý thế nào?
|
Nhóm đối tượng ném đá vào phương tiện vừa bị Công an huyện Gia Lâm bắt giữ. |
Hành vi nguy hiểm
Trao đổi với PV Báo Tri thức và Cuộc sống, luật sư, Phạm Ngọc Đạt (Đoàn Luật sư Hà Nội) cho biết, nếu các đối tượng ném đá trên là trẻ em thì pháp luật hiện hành có những quy định xử lý riêng. Cụ thể, tại Điều 12 Bộ luật Hình sự “người từ đủ 16 tuổi trở lên phải chịu trách nhiệm hình sự về mọi tội phạm, trừ những tội phạm mà Bộ luật này có quy định khác…”.
Việc xử lý người dưới 18 tuổi phạm tội phải căn cứ vào độ tuổi, khả năng nhận thức của họ về tính chất nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội, nguyên nhân và điều kiện gây ra tội phạm.
Việc truy cứu trách nhiệm hình sự người dưới 18 tuổi phạm tội chỉ trong trường hợp cần thiết và phải căn cứ vào những đặc điểm về nhân thân của họ, tính chất nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội và yêu cầu của việc phòng ngừa tội phạm.
Như vậy, nếu trẻ dưới 14 tuổi thì việc truy cứu trách nhiệm hình sự sẽ không đặt ra nhưng trách nhiệm bồi thường về dân sự thì cháu bé hoặc bố mẹ, người giám hộ vẫn có.
Cụ thể, Điều 586 Bộ luật Dân sự 2015 quy định về năng lực chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại của cá nhân nêu rõ: Người chưa đủ 15 tuổi gây thiệt hại mà còn cha mẹ thì cha mẹ phải bồi thường toàn bộ thiệt hại; nếu tài sản của cha mẹ không đủ để bồi thường mà con chưa thành niên gây thiệt hại có tài sản riêng thì lấy tài sản đó để bồi thường phần còn thiếu (trừ trường hợp quy định tại Điều 599 Bộ luật Dân sự). Người từ đủ 15 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi gây thiệt hại thì phải bồi thường bằng tài sản của mình; nếu không đủ tài sản để bồi thường thì cha mẹ phải bồi thường phần còn thiếu bằng tài sản của mình.
Theo các quy định trên, nếu trẻ dưới 18 tuổi có hành vi ném đá xe ô tô gây thiệt hại về tài sản, sức khỏe hay tính mạng người khác thì đa số trường hợp cha mẹ sẽ phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại khắc phục hậu quả cũng như phải nộp thay tiền xử phạt VPHC.
Tạo rào chắn, biển cảnh báo để hạn chế vi phạm
Rất nhiều đối tượng ném đá vào phương tiện khi bị bắt giữ đều khai ném cho vui hoặc làm theo các trò đùa trên mạng chứ không có mục đích gì khác. Theo ông Khuất Việt Hùng - Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia, hiện tượng ném đá lên các phương tiện giao thông là một thực trạng đã xảy ra ở nhiều nước chứ không riêng Việt Nam.
Trước đây, các đối tượng chỉ là ném đá nên các chuyến tàu hỏa, nhưng từ ngày có đường cao tốc đã xuất hiện hiện tượng ném đá lên các phương tiện lưu thông trên đường bộ. Trong thời gian vừa qua các lực lượng chức năng đã xử lý nhiều vụ cố tình ném đá lên ôtô đang chạy trên các tuyến cao tốc.
Để xử lý tình trạng này, Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia và Cục Cảnh sát giao thông, Cục Cảnh sát hình sự (Bộ Công an) đã có những cuộc họp bàn để đưa ra giải pháp nhằm đảm bảo an toàn giao thông nói chung và an ninh trật tự đối với dịch vụ vận tải cũng như là đối với các công trình kết cấu hạ tầng.
Ông Khuất Việt Hùng cho biết, Cục Cảnh sát giao thông, Cục Cảnh sát hình sự (Bộ Công an) đã yêu cầu công an các địa phương phối hợp chặt hơn và xử lý nghiêm các đối tượng cố tình ném đá lên các phương tiện tham gia giao thông trên các tuyến đường theo đúng pháp luật. Đặc biệt, không loại trừ các đối tượng ném đá là vi phạm mang dấu hiệu hình sự, phải khởi tố vụ án và khởi tố bị can nhằm răn đe, ngăn ngừa các hành vi tái diễn.
Đối với đơn vị quản lý đường cao tốc, các cơ quan chức năng đã yêu cầu triển khai rào chắn, biển báo. Phối hợp cùng chính quyền các địa phương nơi có đường cao tốc đi qua tăng cường giáo dục ý thức của người dân đồng thời kiên quyết xử lý các đối tượng cố tình phá hoại tài sản và ném đá lên các phương tiện đang lưu thông.