Nâng giá mua máy xét nghiệm COVID-19: Hỏi trách nhiệm lãnh đạo các tỉnh?

Google News

(Kiến Thức) - Nếu quá trình thanh tra phát hiện một số địa phương có tình trạng nâng khống máy xét nghiệm, thiết bị vật tư y tế, rõ ràng lãnh đạo Sở Y tế, Sở Tài chính các địa phương phải chịu trách nhiệm. Tuy nhiên dư luận đặt câu hỏi, lãnh đạo các tỉnh có phải chịu trách nhiệm liên đới hay không?

Ngay sau khi Cục CSĐT tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu (C03, Bộ Công an) khởi tố vụ án hình sự "vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng" xảy ra tại CDC Hà Nội (Sở Y tế Hà Nội), hàng loạt các địa phương đã được điểm danh mua máy giá cao bất thường như Quảng Ninh ký hợp đồng 8,4 tỷ sau đàm phán giảm còn 5,2 tỷ, Quảng Nam 7,2 tỷ, CDC Bắc Ninh, Ninh Bình mua với giá 5,9 tỷ, Thái Bình mua với giá 6,4 tỷ đồng sau giảm còn 5,85 tỷ đồng …
Một số địa phương khác đã hoặc đang làm thủ tục mua máy được dư luận “điểm danh” nghi ngờ mua giá cao đã thông báo rộng rãi là “máy đi mượn” của doanh nghiệp cho dù các địa phương này chỉ thông báo sau khi xảy ra vụ CDC Hà Nội.
Nang gia mua may xet nghiem COVID-19: Hoi trach nhiem lanh dao cac tinh?
 Giá máy xét nghiệm COVID-19 tại nhiều địa phương cao bất thường.
Mới đây, Thủ tướng đã chỉ đạo Bộ Y tế, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khẩn trương thanh tra việc thực hiện các gói thầu mua sắm trang thiết bị y tế, vật tư tiêu hao, thuốc chữa bệnh… phục vụ công tác phòng chống dịch COVID-19, đặc biệt là các gói thầu mua sắm hệ thống máy xét nghiệm sinh hóa…nếu có dấu hiệu vi phạm pháp luật thì chuyển hồ sơ, tài liệu cho cơ quan điều tra để điều tra làm rõ, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.
Dư luận đặt ra câu hỏi, ngoài CDC Hà Nội, nếu quá trình thanh tra các địa phương cho thấy có việc nâng khống giá máy xét nghiệm thì lãnh đạo các địa phương này có phải chịu trách nhiệm?
Theo trình tự thủ tục, khi có nhu cầu cấp thiết mua máy xét nghiệm phục vụ công tác phòng dịch, Sở Y tế sẽ lập tờ trình xin chủ trương mua sắm, lập dự toán đề nghị phân bổ kinh phí, lập kế hoạch lựa chọn nhà thầu theo quy định trình Sở Tài chính thẩm định theo quy định tại Điều 9 và Điều 10 của Thông tư số 58/2016/TT-BTC của Bộ Tài chính trình UBND tỉnh quyết định phê duyệt.
Sở Tài chính là cơ quan thẩm định dự toán, kế hoạch lựa chọn nhà thầu để trình UBND tỉnh phê duyệt. Từ cơ sở đề xuất của Sở y tế, báo cáo thẩm định của Sở Tài chính, UBND tỉnh sẽ phê duyệt phân bổ kinh phí, dự toán, kế hoạch lựa chọn nhà thầu.
Sau khi kế hoạch lựa chọn nhà thầu được phê duyệt, Sở Y tế thực hiện đăng tải thông tin kế hoạch lựa họn nhà thầu lên Hệ thống đấu thầu quốc gia theo quy định, đồng thời triển khai công tác lựa chọn nhà thầu. Khi có kết quả lựa chọn nhà thầu được phê duyệt, Sở Y tế đăng tải thông tin lên hệ thống đấu thầu quốc gia theo quy định, thực hiện việc ký kết hợp đồng và triển khai cung ứng hàng hóa.
Trong khi đó, theo phân công nhiệm vụ, ngoài Chủ tịch UBND tỉnh lãnh đạo toàn diện và điều hành công tác của UBND tỉnh, trực tiếp chỉ đạo, điều hành các công việc trọng tâm, quan trọng, địa phương nào cũng có một Phó Chủ tịch UBND tỉnh phụ trách, chỉ đạo lĩnh vực y tế.
Do vậy, việc dư luận hỏi về trách nhiệm lãnh đạo các địa phương khi để xảy ra tình trạng mua máy xét nghiệm giá cao bất thường là có cơ sở.
Trao đổi với PV Kiến Thức, Đại biểu Phạm Văn Hòa, Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh Đồng Tháp, Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cho rằng, nếu thanh tra xác định có sự việc các địa phương mua máy xét nghiệm cao hơn nhiều lần giá nhập khẩu thì đó là trách nhiệm của Giám đốc Sở Y tế và Giám đốc Sở Tài chính ở các địa phương.
“Sở y tế đề xuất, thậm chí là chủ đầu tư. Trong khi đó Sở Tài chính là đơn vị đề xuất, thẩm định về giá. Tuy nhiên, người cuối cùng ở UBND tỉnh ai ký duyệt thì người đó sẽ chịu trách nhiệm về vấn đề này. Tôi cho rằng, có sự liên kết chặt chẽ với nhau trong vấn đề quan trọng này” – đại biểu Phạm Văn Hòa nói.
Đồng thời cho rằng, việc mua vật tư, thiết bị y tế phòng chống dịch COVID-19 mà có tiêu cực không chỉ ở Hà Nội mà nhiều địa phương khác trên cả nước phải làm cho rõ.
“Không thể nào chấp nhận lợi dụng trong tình hình dịch bệnh, khó khăn cho Nhà nước, cho nhân dân mà một tổ chức, một nhóm người lợi dụng để trục lợi cá nhân là không chấp nhận được. Khi phát hiện sai phạm phải truy cứu trách nhiệm hình sự tới nơi tới chốn, không trừ bất cứ một ai và không bỏ sót bất cứ người nào, tổ chức nào làm ra những sai phạm đó. Không có vùng cấm, ai sai phạm phải xử lý đến nơi đến chốn theo quy định của pháp luật” – đại biểu Phạm Văn Hòa nhấn mạnh.
>>> Mời độc giả xem video Máy xét nghiệm Covid-19 bị loạn giá: Vì sao?

Nguồn: VTC Now.

Tâm Đức

>> xem thêm

Bình luận(0)