Nam sinh lớp 12 quay lén 2 cô giáo: “Tận cùng của hành vi vô giáo dục“

Google News

Theo luật sư, về mặt đạo đức xã hội thì hành vi thu thập các thông tin nhạy cảm của cô giáo nơi mình theo học, sử dụng những thông tin nhạy cảm đó để đe dọa, tống tiền đó là tận cùng của hành vi "vô giáo dục".
 

Ngày 17/6, Công an tỉnh Nam Định cho biết đơn vị vừa phối hợp với Công an huyện Mỹ Lộc xác minh và ra quyết định tạm giữ người trong trường hợp khẩn cấp đối với 1 nam sinh lớp 12, Trường THPT Mỹ Lộc để điều tra về tội "Cưỡng đoạt tài sản" vì có hành vi quay lén 2 cô giáo trong nhà vệ sinh.
Làm việc với cơ quan Công an, nam sinh này khai đã tự đặt camera mini trong nhà vệ sinh chung của giáo viên nhà trường đang theo học, với mục đích quay lại hình ảnh khi đi vệ sinh của các thầy cô để tống tiền. Khi có được hình ảnh của cô N.A. và một cô giáo khác, H. lập tài khoản ảo "Huyền Trần", rồi gửi những hình ảnh quay được tới tài khoản Facebook của 2 cô giáo và yêu cầu mỗi người phải đưa 10 triệu đồng, nếu không sẽ "tung" hình ảnh trong nhà vệ sinh của 2 cô giáo lên mạng xã hội.
Trao đổi với PV Báo Tri Thức và Cuộc Sống, luật sư Đặng Văn Cường, Văn phòng luật sư Chính Pháp (Đoàn luật sư TP Hà Nội) cho biết, hành vi của nam sinh này là nguy hiểm cho xã hội, không chỉ vi phạm nghiêm trọng đạo đức xã hội mà còn là hành vi vi phạm pháp luật, có dấu hiệu của tội cưỡng đoạt tài sản. Bởi vậy cơ quan điều tra tạm giữ hình sự, củng cố hồ sơ để xử lý đối tượng này về tội cưỡng đoạt tài sản là có căn cứ.
Nam sinh lop 12 quay len 2 co giao: “Tan cung cua hanh vi vo giao duc“
Ảnh minh họa. 
"Về mặt đạo đức xã hội thì hành vi thu thập các thông tin nhạy cảm của cô giáo nơi mình theo học, không những thế còn sử dụng những thông tin nhạy cảm đó để đe dọa, tống tiền cô giáo thì đó là tận cùng của hành vi vô giáo dục.
Đây là biểu hiện thất bại trong hoạt động giáo dục đối với học sinh này. Đến cô giáo, người dạy làm người mà đối tượng còn có hành vi như vậy thì với xã hội, đối tượng này sẽ bất chấp tất cả, ai cũng có thể trở thành nạn nhân của hành vi vi phạm pháp luật mà đối tượng này sẽ gây ra" - luật sư Cường nói.
Luật sư Cường cho biết thêm, dưới góc độ pháp lý thì hành vi đe dọa uy hiếp tinh thần của người khác nhằm chiếm đoạt tài sản là hành vi nguy hiểm cho xã hội. Hành vi này sẽ bị xử lý hình sự theo Điều 170 bộ luật hình sự năm 2015. Hành vi này rất tinh vi, tính chất nguy hiểm cao, sẽ gây hoang mang lo lắng cho các giáo viên và học sinh.
Bởi vậy hành vi này có thể sẽ được xác định là "gây ảnh hưởng xấu đến an ninh trật tự, an toàn xã hội" nên đối tượng gây án trong vụ án này sẽ phải đối mặt với khung hình phạt là từ 03 năm đến 10 năm theo khoản 2, điều 170 Bộ luật hình sự năm 2015 nêu trên. Nếu tại thời điểm thực hiện hành vi phạm tội, đối tượng là người chưa đủ 18 tuổi thì đối tượng này sẽ được áp dụng chính sách về người dưới 18 tuổi phạm tội, theo đó mức hình phạt tù sẻ bằng ¾ mức hình phạt đối với người đã thành niên.
Nam sinh lop 12 quay len 2 co giao: “Tan cung cua hanh vi vo giao duc“-Hinh-2
Luật sư Đặng Văn Cường, Văn phòng luật sư Chính Pháp (Đoàn luật sư TP Hà Nội).
Luật sư Cường phân tích: "Dù mức xử phạt như thế nào, thì đây cũng là một vụ án hết sức đau lòng, một học sinh đang ngồi trên ghế nhà trường mà đã nhẫn tâm thực hiện hành vi phạm tội với thủ đoạn tinh vi, nạn nhân của đối tượng lại chính là cô giáo của mình. Sự việc này cho thấy hiện tượng xuống cấp nghiêm trọng về mặt đạo đức xã hội đối với một bộ phận thanh thiếu niên. Cơ quan chức năng cũng sẽ làm rõ nguyên nhân, động cơ nào dẫn đến việc đối tượng lại có những suy nghĩ, hành động thiếu nhân cách như vậy, bất chấp pháp luật để biến cô giáo trở thành nạn nhân trong vụ án hình sự.
Ngoài ra, cơ quan chức năng cũng sẽ làm rõ đối tượng này đã thực hiện hành vi từ bao giờ, những hình ảnh có tính chất nhạy cảm đó đã được phát tán hay chưa. Trong trường hợp các đối tượng đã phát tán những hình ảnh nhạy cảm, có tính chất đồi trụy nên không gian mạng thì các đối tượng vi phạm còn có thể bị xử lý hình sự về tội truyền bá văn hóa phẩm đồi trụy theo quy định của bộ luật hình sự năm 2015".
"Thời gian gần đây cơ quan chức năng liên tục phát hiện ra những trường hợp sử dụng camera giấu kín để thực hiện hành vi thu thập thông tin nhạy cảm cá nhân trái phép rồi sử dụng để cưỡng đoạt tài sản, đăng lên các hội nhóm. Việc mua bán các loại camera giấu kín theo quy định pháp luật là có sự quản lý của nhà nước. Chỉ có các cơ quan tổ chức đăng ký kinh doanh loại hàng hóa đặc biệt này thì mới được phép kinh doanh và chỉ có các cơ quan tổ chức có chức năng nhiệm vụ điều tra, thực hiện các hoạt động nghiệp vụ công thì mới được phép sử dụng.
Việc mua bán sử dụng tràn lan là vi phạm pháp luật. Bởi vậy cơ quan chức năng cũng sẽ làm rõ nguồn cung cấp loại hàng hóa này từ đâu, cần phải xử lý triệt để từ đối tượng đã buôn bán loại hàng hóa này đồng thời tăng cường tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật, nhằm nâng cao ý thức chấp hành pháp luật, giáo dục về các chế tài có thể áp dụng đối với các hành vi này để răn đe, phòng ngừa chung cho xã hội, giảm bớt những vụ việc tương tự có thể xảy ra" - luật sư Cường chia sẻ thêm.
>>> Xem thêm video: Xin ở nhờ rồi quay lén cảnh nhạy cảm để tống tiền

Nguồn: Đài Truyền Hình Đồng Tháp.

Gia Đạt

>> xem thêm

Bình luận(0)