Mã Pì Lèng Panorama gây bão dư luận vì phá cảnh quan
Công trình Panorama ở Mã Pì Lèng, Hà Giang cũng là tâm điểm thu hút sự chú ý của dư luận trong năm 2019 khi xây dựng “bốn không”: Không có Giấy chứng nhận đầu tư, không được cấp có thẩm quyền phê duyệt, không có giấy phép xây dựng, và không có văn bản thẩm định của Bộ VHTT&DL.
Trách nhiệm khi để công trình trên “mọc lên” phá cảnh quan danh thắng, di sản được cho thuộc về chủ đầu tư xây dựng công trình, trách nhiệm của UBND huyện Mèo Vạc khi không ngăn chặn kịp thời việc xây dựng, UBND tỉnh Hà Giang cũng có trách nhiệm trong tổ chức quy hoạch của khu vực di sản và lân cận, xác định rõ khu nào không được xây dựng, khu nào xây được để phục vụ du khách và trách nhiệm của Bộ VHTTDL.
Ngày 8/10/2019, UBND tỉnh Hà Giang có báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ về công trình nhà nghỉ, nhà hàng Panorama xây dựng trái phép tại đèo Mã Pì Lèng, huyện Mèo Vạc.
|
Mã Pì Lèng Panorama. |
Báo cáo nêu rõ, công trình này nằm ngoài khu vực bảo vệ I và II của danh lam thắng cảnh Mã Pì Lèng. Tuy nhiên, theo Điều 36, Luật Di sản văn hóa và Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Di sản văn hóa năm 2009, công trình này có khả năng ảnh hưởng đến cảnh quan thiên nhiên và môi trường - sinh thái của danh thắng Mã Pì Lèng. Do đó cần có ý kiến thẩm định bằng văn bản của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.
Về hồ sơ công trình nhà nghỉ, nhà hàng Panorama chưa có cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cho phép đầu tư và cấp phép xây dựng. UBND tỉnh Hà Giang xác định trách nhiệm ban đầu thuộc UBND huyện Mèo Vạc trong công tác quản lý quy hoạch và đầu tư xây dựng. Để xác minh cụ thể vụ việc trên, hiện UBND tỉnh Hà Giang đã chỉ đạo các cơ quan chức năng của tỉnh tổ chức kiểm tra công trình xây dựng tại khu vực Mã Pì Lèng, yêu cầu báo cáo UBND tỉnh trước ngày 9/10/2019.
Quan điểm và phương hướng giải quyết vấn đề này của UBND tỉnh Hà Giang là không bao che sai phạm và kiên quyết xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân có liên quan. Đồng thời khắc phục những sai phạm trong xây dựng công trình nhà nghỉ, nhà hàng Panorama tại khu vực Mã Pì Lèng theo đúng các quy định của pháp luật.
Liên quan vụ việc này, Bộ VHTTDL khẳng định, cho đến trước khi vụ việc trở nên “nóng” trong dư luận, Bộ vẫn chưa nhận được bất kỳ văn bản nào của tỉnh Hà Giang đề nghị có ý kiến thẩm định đối với công trình xây dựng tại khu vực đèo Mã Pì Lèng.
Trong Công văn số 4141/BVHTTDL-DSVH gửi UBND tỉnh Hà Giang, Bộ VHTTDL khẳng định công trình Panorama không phù hợp với cảnh quan thiên nhiên, truyền thống, bản sắc văn hóa của đồng bào các dân tộc trong khu vực, gây cản trở đến tầm nhìn của khách tham quan; ảnh hưởng đến môi trường khi công trình đi vào hoạt động mà chưa có đánh giá tác động môi trường được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Đây là sai phạm cần được xử lý nghiêm để tránh gây ảnh hưởng tiêu cực đến cộng đồng dân cư ở địa phương và trên cả nước.
Bộ VHTTDL thống nhất quan điểm và phương hướng giải quyết của UBND tỉnh Hà Giang liên quan đến công trình Panorama. Bộ đề nghị UBND tỉnh Hà Giang chỉ đạo các cơ quan chức năng xử lý các sai phạm theo đúng quy định của pháp luật; tham vấn ý kiến chuyên gia để có giải pháp khắc phục phù hợp theo hướng cải tạo, chỉnh trang thành điểm dừng chân ngắm cảnh với quy mô, kiến trúc phù hợp, không làm ảnh hưởng đến tầm nhìn toàn cảnh, đảm bảo an toàn, hài hòa với cảnh quan thiên nhiên, không gây tác động tiêu cực đến môi trường, phù hợp với bản sắc văn hóa truyền thống đồng bào các dân tộc ở Hà Giang. Đồng thời, phải thực hiện đầy đủ các quy trình, thủ tục lập, thẩm định, phê duyệt dự án theo đúng quy định của pháp luật trước khi triển khai thực hiện. Tuy nhiên, đến nay công trình trên vẫn chưa được xử lý dứt điểm.
Di sản phố cổ Đồng Văn, Cột cờ Lũng Cú bị xâm phạm
Hai dự án Khu du lịch sinh thái tâm linh Lũng Cú và dự án thang máy ngắm cảnh, thăm quan di tích Đồn Cao, thị trấn Đồng Văn cũng khiến dư luận lùm xùm vì phá vỡ cảnh quan di sản.
Dự án khu du lịch văn hóa tâm linh Lũng Cú 800 tỷ đồng đang được chủ đầu Công ty Cổ phần Phúc Lộc Hà Giang rầm rộ triển khai xây dựng trên diện tích quy hoạch 75ha tại xã Lũng Cú (huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang) với 4 hạng mục công trình như khu tâm linh, khu du lịch văn hóa và nghỉ dưỡng, khu cột cờ, khu đặt đại tượng Phật. Đáng chú ý, trong đó là 2 hạng mục chính gồm khu tâm linh chùa Lũng Cú rộng 70,5ha và khu đại tượng Phật diện tích 4,5ha.
Dự án “Thang máy ngắm cảnh, thăm quan di tích Đồn Cao” với siêu thang máy cao 102 tầng, diện tích lòng thang 15m2 đang được triển khai xây dựng gần chính giữa vách đá Đồn Cao bị UBND huyện Đồng Văn tạm đình chỉ thi công với lý do, công trình chưa hoàn tất hồ sơ, thủ tục, hồ sơ đầu tư dự án theo quy định.
Ngày 25/10, Bộ VHTTDL đã có văn bản số 4316/BVHTTDL-DSVH do Thứ trưởng Tạ Quang Đông ký gửi UBND tỉnh Hà Giang về việc kiểm tra hai dự án trên. Trong đó, Bộ VHTTDL khẳng định, hai Dự án Khu du lịch sinh thái văn hóa tâm linh Lũng Cú và Thang máy ngắm cảnh tham quan di tích Đồn Cao ở Đồng Văn đã được triển khai nhưng chưa tuân thủ 2 Quy hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, chưa thực hiện đúng các ý kiến của Bộ VHTTDL.
|
Khu du lịch tâm linh Lũng Cú. |
Bộ VHTTDL cho biết, dự án Khu du lịch sinh thái văn hóa tâm linh Lũng Cú đề xuất được sử dụng một phần diện tích đất thuộc khu vực khoanh vùng bảo vệ của di tích quốc gia Cột cờ Lũng Cú và Dự án thang máy ngắm cảnh, tham quan di tích Đồn Cao, thuộc khoanh vùng bảo vệ II của di tích Phố cổ Đồng Văn, huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang.
Vị trí của 2 dự án này nằm trong lòng Công viên Cao nguyên đá Đồng Văn đã được UNESCO ghi danh trong danh mục Công viên địa chất toàn cầu năm 2010, với các Quy hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Qua kiểm tra tình hình thực tế, 2 Dự án này đã được triển khai nhưng chưa tuân thủ 02 Quy hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, chưa thực hiện đúng các ý kiến của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tại các văn bản nêu trên.
Sau đó, UBND tỉnh Hà Giang có hai báo cáo số 456/BC-UBND về tình hình triển khai thực hiện Dự án Khu du lịch sinh thái văn hóa tâm linh Lũng Cú huyện Đồng Văn và Báo cáo số 457/BC-UBND về tình hình triển khai thực hiện Dự án thang máy ngắm cảnh, tham quan di tích Đồn Cao, thị trấn Đồng Văn gửi Bộ VHTTDL.
Tuy nhiên, Bộ VHTTDL tiếp tục khẳng định, dự án Khu du lịch sinh thái văn hóa tâm linh Lũng Cú mặc dù nằm ngoài khu vực khoanh vùng bảo vệ của Di tích quốc gia Cột cờ Lũng Cú nhưng nằm trong khu vực cảnh quan chung của di tích. Đồng thời khẳng định, Dự án Khu du lịch sinh thái văn hóa tâm linh Lũng Cú không thuộc các loại hình đã được xác định tại Quy hoạch phát triển du lịch và Quy hoạch xây dựng đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Về Dự án thang máy ngắm cảnh, tham quan di tích Đồn Cao, thị trấn Đồng Văn, Bộ VHTTDL thống nhất với quan điểm của UBND tỉnh Hà Giang về phương án xử lý đối với Dự án này, kiên quyết chỉ đạo các cơ quan chức năng kiểm tra toàn diện Dự án để có phương án xử lý dứt điểm sai phạm, đảm bảo tuân thủ nghiêm pháp luật về di sản văn hóa, các văn bản pháp luật khác có liên quan và định hướng quy hoạch tại khu vực này.
Nhiều di sản, di tích bị xâm hại
Tháng 6/2019, báo chí đã phản ánh tình trạng xâm hại nghiêm trọng tại vùng lõi di sản thiên nhiên thế giới vịnh Hạ Long. Hàng chục công trình không phép đang bê tông hóa vùng lõi di sản, kỳ quan thiên nhiên của thế giới này.
UBND tỉnh Quảng Ninh khảo sát, kiểm tra và ra văn bản 9416 gửi các cơ quan chức năng của tỉnh này nêu ra hàng loạt các công trình trái phép đã và đang xây dựng ngay giữa vùng lõi di sản thiên nhiên thế giới như: Công trình kè đầm phía sau đảo Đầu Gỗ, công trình kè đầm và một số hạng mục phụ trợ tại hang Hanh; công trình kè đầm tại hòn Vụng Ba Cửa, công trình kè đầm tại Vụng Ong; công trình kè đầm hòn Vụng Hà…Sau đó, Bộ VHTTDL vào cuộc kiểm tra, UNESCO đang xử lý theo quy trình để có khuyến nghị phù hợp.
|
Thực trạng bê tông hóa vịnh Hạ Long. Ảnh: Tiền Phong. |
Tại di sản Tràng An (Ninh Bình), cuối năm 2019, báo chí phản ánh hàng loạt các công trình xây dựng vượt phép, đã xâm hại nghiêm trọng vùng lõi di sản danh thắng Tràng An (Ninh Bình).
Cụ thể, các công trình mở rộng thuộc dự án Khu du lịch Thung Nham do Công ty CP Dịch vụ Thương mại và Du lịch Doanh Sinh làm chủ đầu tư, được ngang nhiên xây dựng với tiếng máy móc gầm rú, cào san, ủi nát cả một vùng di sản Tràng An (Ninh Bình) mà cơ quan chức năng không hề hay biết.
Chỉ đến khi dư luận phản ánh, chính quyền địa phương là UBND huyện Hoa Lư (Ninh Bình) mới vào cuộc kiểm tra và phát hiện hàng loạt những cụm dự án xông hơi, nhà nghỉ xây dựng vượt diện tích, vượt số tầng, sai vị trí cấp phép. Đáng nói, các dự án này đều đã được thi công trong một thời gian dài, cho tới nay đã xây xong móng, đổ tầng... thì lực lượng chức năng mới vào cuộc kiểm tra.
|
Công trình xây dựng xâm hại vùng lõi di sản Tràng An. |
Sau đó, UBND tỉnh Ninh Bình đã có chỉ đạo quyết liệt các cấp, ngành hữu quan xử lý triệt để những vi phạm về trật tự xây dựng, yêu cầu dỡ bỏ những hạng mục vi phạm tại khu du lịch Thung Nham thuộc vùng di sản Tràng An.
Trước tình trạng di tích, di sản, danh thắng liên tục bị xâm hại trong năm 2019, cho thấy nhiều vấn đề bất cập trong công tác quản lý như thiếu quy hoạch, thiếu văn bản quy định chi tiết quản lý vùng núi, vùng biển, vùng di sản, vùng có tiềm năng du lịch thì không thể quản lý các vùng thiên nhiên rộng lớn. Hàng loạt vụ việc xây dựng không phép, xâm phạm di sản miền núi nhưng các bộ, ngành đùn đẩy, không đưa ra giải pháp triệt để; cần sớm xây dựng quy hoạch tổng thể không gian vật thể. Năm 2020, các cơ quan chức năng cần có giải pháp để chấn chỉnh, ngăn ngừa tình trạng này.
>>> Mời độc giả xem video Panorama Mã Pì Lèng: Đập bỏ hay cải tạo?: