Mưa lớn ở Tây Nguyên, Nam Bộ: Nhấn chìm 3.700 nhà, 10 người chết

Google News

(Kiến Thức) - Sáng 10/8, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai cho biết, đã có 10 người chết, hơn 3.700 ngôi nhà bị ngập nước do ảnh hưởng mưa, lũ tại các tỉnh Tây Nguyên, Nam Bộ.

10 người chết do lũ tại miền Nam
Báo cáo của các BCH PCTT &TKCN các tỉnh Gia Lai, Lâm Đồng, Đắk Nông, Đắk Lắk, Kom Tum, Đồng Nai, Bình Phước, Bình Thuận về thiệt hại do mưa, lũ cho thấy, đã có 10 người chết (Gia Lai: 1 người; Đắk Lăk: 1 người; Đắk Nông: 5 người; Kom Tum: 2 người; Lâm Đồng: 1 người) và 1 người mất tích tại Đồng Nai. Hiện có 4 người bị thương tại Lâm Đồng.
Báo cáo cũng cho thấy, có đến 3.717 nhà bị ngập nước (Đắk Lắk: 913 nhà; Đắk Nông: 60 nhà; Bình Phước: 4 nhà; Đồng Nai: 32 nhà; Bình Thuận: 252 nhà; Gia Lai: 26 nhà; Lâm Đồng: 2.430 nhà); 789 nhà phải di dời (Đồng Nai: 250 nhà; Lâm Đồng: 548 nhà).
Mưa lũ cũng gây thiệt hại nặng nề cho nông nghiệp khi có đến 18.382 ha lúa, hoa màu bị ngập; 703ha cây trồng lâu năm, 2.558ha cây trồng hàng năm, 1.083ha cây ăn quả bị thiệt hại; 299 con gia súc, 120.741 con gia cầm bị chết, cuốn trôi. 125ha nuôi cá truyền thống, 4.300m3 lồng bè bị thiệt hại. Ước tổng thiệt hại 992,5 tỷ đồng.
Mua lon o Tay Nguyen, Nam Bo: Nhan chim 3.700 nha, 10 nguoi chet
 Mưa lớn gây thiệt hại nặng nề cho các tỉnh Tây Nguyên và Nam Bộ.
Thiệt hại do mưa lớn tại Phú Quốc (Kiên Giang), hiện có 8.424 nhà bị ngập; 1.985 người phải sơ tán; 63km đường bị ngập. Ước tổng thiệt hại 107 tỷ.
Thiệt hại tại tỉnh Cà Mau, mưa lớn kèm theo dông, lốc và triều cường đã gây thiệt hại khiến 1 người chết (bà Đoàn Thị Thu Thảo, sinh năm 1965 tại ấp Dinh Cu, xã Tam Giang, huyện Ngọc Hiển, do lốc xoáy làm sập nhà); 10 nhà và 1 trường học bị sập; 154 nhà và 2 trường học bị tốc mái; 320 nhà bị ngập do triều cường.
Tại tỉnh Lào Cai: Theo báo cáo nhanh số 229/BC-VPTT ngày 9/8/019 của Văn phòng thường trực Ban chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh Lào Cai, mưa lớn ngày 9/8 tại huyện Văn Bàn, Bảo Yên đã gây thiệt hại như sau: gãy 10m kênh thủy lợi; sạt lở ta luy dương tại K145+530 gây ách tắc cục bộ. Ước thiệt hại khoảng 45 triệu.
Tại tỉnh Hà Giang: Theo Báo cao nhanh ngày 09/8/2019 của Văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh Hà Giang, chiều ngày 09/8/2018 trên địa bàn thôn Quán Xí, xã Lũng Pù, huyện Mèo vạc đã xảy ra mưa to cục bộ kèm sấm sét làm 1 người chết (Giàng Minh Và, sinh năm 2016) và 2 người bị thương.
Kiên Giang tập trung đảm bảo an toàn cho người dân, khách du lịch
Để khắc phục thiệt hại do mưa lũ, Ban chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh Đắk Nông đã cử đoàn công tác do Chủ tịch UBND tỉnh phối hợp với Ban chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh Bình Phước thực hiện các giải pháp cấp bách nhằm đảm bảo an toàn cho công trình đập Đắk Kar và tài sản, tính mạng của nhân dân khu vực hạ du.
Ban chỉ huy PCTT & TKCN tỉnh Bình Phước đã có công văn chỉ đạo di dời nhân dân ra khỏi vùng trũng những nơi nguy hiểm, hạ lưu thủy lợi Đắk Kar, tổ chức đoàn công tác kiểm tra, chỉ đạo công tác chuẩn bị sẵn sàng phương tiện, lực lượng để triển khai ứng cứu khi có tình huống khẩn cấp xảy ra.
Sáng 10/8/2019, UBND tỉnh Kiên Giang tổ chức đoàn công tác đi kiểm tra chỉ đạo công tác khắc phục hậu quả do mưa lớn gây ngập.
Do diễn biến mưa lũ còn phức tạp, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai đề nghị các tỉnh khu vực Tây Nguyên, Nam Bộ tiếp tục theo dõi chặt chẽ diễn biến của mưa, lũ để chủ động triển khai các biện pháp ứng phó, đặc biệt là tình hình xả lũ đảm bảo an toàn hạ du.
Tỉnh Đắk Nông khẩn trương phối hợp chặt chẽ Bộ Công Thương chỉ đạo chủ đập và các cơ quan chức năng khẩn trương triển khai các biện pháp công trình cần thiết để đảm bảo an toàn cho công trình và dân cư phía hạ du, trong mọi trường hợp không để xảy ra vỡ đập; báo cáo về Ban chỉ đạo Trung ương PCTT theo yêu cầu.
Tỉnh Kiên Giang tập trung triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn cho người dân, khách du lịch trên đảo, tổ chức lực lượng xung kích kiểm tra, canh gác, hướng dẫn, phân luồng đảm bảo an toàn cho người và phương tiện tham gia giao thông qua các những nơi nguy hiểm, ngập sâu, chia cắt; thực hiện tốt phương châm “4 tại chỗ”, huy động lương thực, thực phẩm và các nhu yếu phẩm cần thiết để tổ chức cứu trợ tại những nơi bị ngập lụt, chia cắt, không để người dân bị đói rét, dịch bệnh.
Tỉnh Bình Phước, Lâm Đồng chủ động tiếp tục triển khai các biện pháp ứng phó, khắc phục hậu quả do mưa lũ gây ra. Tổ chức các biện pháp đảm bảo an toàn cho các hồ chứa thủy lợi đang bị sự cố trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk, Đắk Nông.

Xả lũ để đảm bảo an toàn đập hồ chứa thủy điện Đắk Sin 1
Liên quan đến sự cố hồ chứa thủy điện Đắk Kar, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai cho biết, nguyên nhân do mưa lớn, hồ đang thi công, cửa van tràn xả lũ bị kẹt, đường ống áp lực bị vỡ.
Ngay khi xảy ra sự cố, địa phương đã tổ chức di dân (Đắc Nông: 2 hộ vùng hạ du đập và 400 người/ 200 nhà rẫy; Bình Phước: 5.000 dân). Sau khi nước rút, các hộ dân đã về nhà.
Hiện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai đã cử đoàn công tác đến hiện trường chỉ đạo công tác khắc phục sự cố và kiến nghị, tiếp tục theo dõi tình hình mưa, sẵn sàng duy trì lực lượng nếu tiếp tục có mưa lớn và mực nước hồ vượt +479,0m sẽ mở rộng vai phải 3-5m, thả rọ đá chống xói xả lũ về hạ du.
Về Sự cố hồ chứa thủy điện Đắk Sin 1, nguyên nhân do mưa lớn kéo dài, lượng nước về hồ lớn làm lở núi gây vỡ đường ống áp lực cần xả lũ để đảm bảo an toàn đập. Hiện biện pháp khắc phục là mở cửa xả nước làm chậm gia tăng mực nước hồ. Đập vẫn an toàn, mực nước hồ hiện tại/mực nước dâng bình thường: 490,37m/495m.
Ngoài ra, các hồ chứa thủy lợi tại các hồ khu vực Tây nguyên ở mức trung bình 60-75% dung tích thiết kế, cụ thể: Kon Tum 55%, Đăk Nông 85%, Gia Lai 60%, Đắk Lắk: 70%, Lâm Đồng 75%.
Tuy nhiên vẫn xảy ra sự cố hồ chứa nước như hồ chứa Đội 6, xã Ia Lốp, huyện Ea Soup (dung tích 0,575 triệu m3), từ 3h30-7h30 ngày 7/8/2019 nước tràn qua đỉnh đập (lúc cao nhất 30cm) làm xói lớp đất mặt mái hạ lưu đập. Mực nước hồ đã hạ; xuất hiện 2 lỗ thấm ở vai trái đập, hiện địa phương đang xử lý 2 lỗ thấm này.
Hồ 201 xã Cư Bur, TP. Buôn Ma Thuột (dung tích 0,3 triệu m3, đập cao 8m) cũng bị nước tràn qua đỉnh đập 20cm lúc 14h ngày 7/8, hiện nước đã rút (thấp hơn đỉnh đập 50cm); địa phương đã khơi thông cửa vào tràn, gia cố đỉnh đập.
Hồ Ea Nao 2, TP. Buôn Ma Thuột (dung tích 0,2 triệu m3, đập cao 5m); ngày 08/8 nước thấm qua mang cống (cống hộp có kích thước 80x80cm) làm sạt 3m mái đập hạ lưu tại vị trí cống. Địa phương đã đắp bao tải đá dăm và cấu kiện bê tông vào vị trí sạt, đồng thời hạ thất mặt đập tại vị trí cống, phủ bạt để nước tràn qua tránh vỡ đập. Hiện tại mực nước hồ đã rút, đập an toàn.
Đập Ông Hứa (Đắk Nông) cống thoát không kịp đã tràn qua mặt đập. Ngày 8/8, công ty dã mở rộng cống, trải bạt, lắp đặt 2 đường ống thay thế. Hiện tại đập an toàn.
Hải Ninh

>> xem thêm

Bình luận(0)