Ông Lê Hoàn, Chủ tịch UBND xã Đại Sơn cho biết, địa phương đang huy động lực lượng dân quân và người dân khắc phục tạm thời hậu quả thiên tai, thu dọn nhà cửa, di chuyển đồ đạc của hộ gia đình bị sập do sạt lở taluy. Đồng thời, khẩn trương sửa đường xóm gốc Sấu, thôn Đoàn Kết, bị sập đường khiến cô lập do mưa lũ gây ra.
Theo đó, khoảng 3h sáng ngày 19/7, mưa lớn đã làm sạt taluy dương với khối lượng đất đá khoảng 2.000 m3, làm sập đổ hoàn toàn nhà bếp có diện tích sử dụng 60 m2, làm gẫy, vỡ tường nhà chính có chiều dài 12 m, vùi lấp 2 xe máy (1 xe tay ga, 1 xe số), 1 máy giặt và nhiều vật dụng thường ngày khác của gia đình anh Bàn Tòn Nhất và chị Đặng Thị Chinh, ở thôn Đoàn Kết, xã Đại Sơn. Tổng trị giá thiệt hại ước tính vào khoảng 300 triệu đồng.
|
Ngôi nhà của gia đình anh Nhất bị sập đổ.
|
Chị Đặng Thị Chinh cho biết, trong đêm, sau tiếng động lớn, căn bếp đổ sập hoàn toàn. Tiếp đến là đất, đá, nước mưa, cây cối tràn vào làm sập nhà vệ sinh, tường phòng ngủ cũng bị gãy, vỡ.
Khi đó cả 4 người đều ngủ trong phòng hô nhau chạy ra ngoài phòng khách thì tường phòng ngủ cũng sập xuống. Cả nhà đội mưa chạy xuống nhà bố mẹ gần đó ở nhờ.
Ngay khi nhận được thông tin, lực lượng tại chỗ của xã đến thôn hỗ trợ gia đình khắc phục tạm thời hậu quả thiên tai, thu dọn nhà cửa, di chuyển đồ đạc đến nơi an toàn.
|
Đường lên xóm gốc Sấu, thôn Đoàn Kết bị sập gẫy do mưa lớn.
|
Ngoài ra, mưa lớn làm gẫy hoàn toàn tuyến đường bê tông lên xóm Gốc Sấu, thôn Đoàn Kết, khiến giao thông bị chia cắt, cô lập hoàn toàn 17 hộ người Mông nơi đây. Hiện công tác khắc phục đang được các lực lượng chức năng khẩn trương tiến hành.
Trước diễn biến mưa lũ còn phức tạp, Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai – tìm kiếm cứu nạn huyện Văn Yên chỉ đạo các địa phương theo dõi chặt chẽ các bản tin dự báo, cảnh báo, thông tin kịp thời đến nhân dân; chủ động các phương án phòng tránh, ứng phó.
|
Cơ quan chức năng đang khẩn trương khắc phục hậu quả thiên tai gây ra.
|
Tổ chức trực ban nghiêm túc 24/24 giờ, có biện pháp huy động các nguồn lực hỗ trợ các gia đình sớm ổn định đời sống và sản xuất; tăng cường kiểm tra, rà soát các hộ gia đình ở các vùng có nguy cơ xảy ra sạt lở cao, chủ động ứng phó với các tình huống xảy ra. Tiếp tục tăng cường kiểm tra các điểm xung yếu, kịp thời có biện pháp xử lý.