Chia sẻ với báo chí chiều 6/7, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT cho biết Bộ đã công bố toàn bộ điểm thi THPT quốc gia của 63 tỉnh thành.
Điểm 10 rất giá trị
Nói về
"mưa" điểm 10, Thứ trưởng Bùi Văn Ga chia sẻ đó là những học sinh rất giỏi, khi các em chỉ làm mỗi câu hỏi trong hơn một phút.
Thêm nữa, đề thi đã được chuẩn hóa, được rút ra từ ngân hàng câu hỏi ngẫu nhiên nên phản ánh đúng năng lực học sinh. Điều này cho thấy việc thi bằng hình thức trắc nghiệm đã được phát huy tác dụng tốt.
Bàn luận về vấn đề này, ông Sái Công Hồng - Phó Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng, Bộ GD&ĐT - cho hay: "Với tư cách chủ tịch hội đồng đề thi, tôi chúc mừng các học sinh đạt điểm 10, vì điều đó chứng tỏ các em có tư duy tuyệt vời".
Theo TS Sái Công Hồng, nhìn ở số liệu phân tích thống kê tại 59 tỉnh, thành phố, số lượng điểm 10 nhiều nhưng số lượng điểm 0 cũng rất lớn, từ đó thấy được điểm 10 rất giá trị.
Ví dụ, theo số liệu phân tích sơ bộ, môn Toán có 278 điểm 10 nhưng có 761 điểm 0. Cũng ở môn này, toàn quốc có tới 1.577 em điểm từ 1 trở xuống tức là điểm liệt, trượt tốt nghiệp. Điểm trung bình của môn Toán là 5,18 điểm. Điểm toán dưới 5 chiếm xấp xỉ 49,2%.
|
TS Sái Công Hồng - Cục phó Cục Quản lý Chất lượng, Bộ GD&ĐT. Ảnh: Tiến Tuấn. |
Trước thông tin cho rằng đề thi THPT quốc gia 2017 năm nay dễ, TS Sái Công Hồng nhận định dư luận đánh giá như vậy do chưa được cung cấp đủ thông tin. Các Sở GD&ĐT chỉ báo cáo số điểm cao mà chưa phân tích phổ điểm từng môn để thấy rõ tỷ lệ chênh lệch về điểm số.
Tuy nhiên, Phó cục trưởng Cục Quản lý chất lượng chia sẻ với đề thi trắc nghiệm làm theo công nghệ của Mỹ, Việt Nam chỉ mới có 2 năm nên mọi thứ chưa được hoàn hảo.
Bộ GD&ĐT cũng cần phải rút kinh nghiệm và lắng nghe ý kiến phản hồi từ thầy cô, học sinh và toàn xã hội về đề thi để có những điều chỉnh cho những năm sau có đề thi tốt hơn.
Không khó khăn cho các trường khi tuyển sinh
Theo Thứ trưởng Bùi Văn Ga, phổ
điểm thi THPT quốc gia 2017 không có gì bất thường, trung bình nằm trong khoảng 4-6 điểm, điều này tạo thuận lợi cho các trường chọn thí sinh.
"Nếu phổ điểm quá dốc, quá lệch về phía bên phải hoặc bên trái, các trường sẽ rất khó khăn trong việc tuyển chọn thí sinh. Bởi các trường chỉ cần tăng hay giảm nửa điểm thì số lượng thí sinh sẽ thay đổi nhiều, phải sử dụng tiêu chí phụ.
Các năm trước, đề thi ra theo hình thức tự luận, các câu hỏi khó chỉ rơi vào một chương nào đó, học sinh học tủ mới có thể làm được. Còn đề thi năm nay, các câu khó rơi vào tất cả phần học, chỉ những học sinh học đều, sâu mới có được điểm cao", Thứ trưởng Ga phân tích.
Theo Thứ trưởng Bùi Văn Ga, ngày 12/7, hội đồng điểm sàn sẽ họp để xác định ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào. Trước đó, Bộ GD&ĐT sẽ công bố phổ điểm từng môn thi và tổ hợp xét tuyển truyền thống với mục đích giúp học sinh điều chỉnh nguyện vọng.
"Với những học sinh có kết quả thi không lệch nhiều so với dự kiến, các em không cần thay đổi nguyện vọng, bởi trước đó các em đã lựa chọn các trường cao hơn, bằng, hoặc xấp xỉ với điểm dự kiến", Thứ trưởng Ga chia sẻ.