Đẹp như tranh ...
Ở Mù Cang Chải (Yên Bái) từ cuối tháng 9 đến giữa tháng 10 là mùa đẹp nhất trong năm: mùa lúa chín. Ruộng bậc thang uốn lượn theo những triền núi thành những hình khối tuyệt đẹp, có chỗ lúa đã chín vàng, có chỗ lúa còn đang xanh mướt tạo thành một bức tranh tràn đầy màu sắc. Có khi khuất sau một triền núi chợt hiện ra một thung lũng ngập nắng vàng, khiến ta phải sững sờ. Nhưng chẳng hiểu sao lên đến đây, tôi lại thấy sợ cái tính từ "đẹp như tranh" ấy. Bởi vì tranh thì đẹp đấy, nhưng chỉ để ngắm mà chẳng ăn được.
|
Những đứa trẻ này chưa biết nói tiếng Kinh. |
Men theo những thửa ruộng bậc thang ngập đầy nắng vàng đó, chúng tôi lên trường PTDTBT (phổ thông dân tộc bán trú) tiểu học Xéo Dì Hồ. Từ đường nhựa lên đây 7km, đường núi rất khó đi, đất trơn, nhiều rãnh, đã thế lại rất hẹp, một bên là núi, một bên là vực... Các thày trong trường đi xe máy ra chở người và hàng vào còn bảo may mà trời nắng chứ mưa thì phải quấn xích vào bánh xe để khỏi trượt hoặc chỉ có cách đi bộ. Thày giáo chở tôi (vì mải sợ ngã nên tôi quên không hỏi tên) rất hóm hỉnh bảo, đi mãi thì cũng quen, nhưng ai cũng bị ngã vài lần cả rồi, chỉ có điều chở các đoàn từ thiện thì chưa ngã bao giờ! Nhìn các thày vất vả chở người, chở hàng mà ái ngại. Đúng là của một đồng, công một nén! Vậy nhưng ai cũng vui, dựng xe, là hối hả phát quà luôn cho học sinh. Tấm lòng và nghị lực của những thày cô vùng cao này thật đáng khâm phục và trân trọng.
Đến cổng trường đã thấy rất đông người. Mấy phụ nữ vừa trông đám trẻ con tay vẫn thoăn thoắt cuộn những sợi lanh. Họ đều không biết nói tiếng Kinh. Cả những đứa trẻ học mẫu giáo cũng chỉ nói được tiếng dân tộc mình. Vào lớp 1 mới học tiếng Kinh. Cô giáo Hà Thị Thuận kể, các thày cô đều phải học cả tiếng dân tộc để dạy đám trẻ. Mấy năm gần đây Nhà nước có chính sách hỗ trợ cho học sinh các trường bán trú mỗi tháng 15kg gạo và 460.000đ nên các em đến trường rất đông. Không như trước đây, các thày cô phải đến từng nhà để vận động, thuyết phục gia đình cho con em đến lớp.
|
Cuộn lanh để dệt vải. |
Chỉ tay vào những vách gỗ thưa hở hông hốc của lớp học, cô giáo Thuận bảo, mấy hôm nữa phải lấy bạt bịt kín lại, nếu không mùa đông sắp tới, sương muối sẽ tràn vào nhà, mọi thứ ướt hết. Mùa đông là mùa đáng sợ nhất ở vùng núi này. Quần áo phơi có khi cả tuần chẳng khô được. Trường ở nơi heo hút, đường sá đi lại khó khăn nên mọi nhu yếu phẩm các cô đều nhờ anh tiếp phẩm của trường mua hộ.
Hôm ấy là chủ nhật, nhưng học sinh vẫn ở lại trường rất đông, còn xếp hàng đợi đón đoàn. Những đứa trẻ học đến lớp 4 mà còi cọc, bé tẹo như trẻ 5-6 tuổi, chúng giông giống nhau vì đều mặc những bộ quần áo dân tộc tối màu, những gương mặt nhem nhuốc và đặc biệt là ánh mắt u buồn...
Chỉ có duy nhất một bộ quần áo
Tối hôm trước, khi tới thăm trường PTDTBT tiểu học và THCS Mồ Dề, tôi hỏi cô giáo Nguyễn Thị Liễu, vì sao trẻ con ở đây trông buồn đến vậy. Cô bảo, vì chúng khổ lắm. Nhiều đứa 4-5 tuổi đi học mẫu giáo đã phải tự đi tự về, mà toàn đi đường núi vì bố mẹ chẳng đưa đón được. Lớp 3 bắt đầu được ở nội trú thì phải tự lo mọi thứ, kể cả đi rừng lấy củi. Có đứa cả tuần ở trường chỉ có mỗi bộ quần áo. Mùa đông rét thế cũng chỉ mỗi bộ quần áo ấy. Lắm hôm rét quá, các cô phải cho nghỉ học để đốt lửa sưởi. Đặc biệt, với học sinh, các thày cô phải vừa dạy vừa dỗ, chứ không dám ép buộc gì vì ở đây lá ngón sẵn lắm, không bằng lòng là chúng có thể nhai lá ngón ngay, rất sợ.
|
Học sinh trường Xéo Dì Hồ. |
Trước khi lên đây, có người đã dặn tôi đừng mang sữa lên vì bọn trẻ trên này uống không quen có khi bị đau bụng. Các cô giáo ở đây cũng bảo, bọn trẻ người dân tộc chỉ ăn một số rau củ nhất định như bí, su su, măng, bắp cải, rau cải mèo, còn rau muống, mùng tơi... chúng không biết ăn.
Tôi cứ tiếc vì sao trường không tăng gia sản xuất, tự trồng lấy rau, nuôi lợn, nuôi gà vừa cải thiện bữa ăn, vừa dạy các em biết cách tổ chức cuộc sống... Cô Liễu thành thật chia sẻ, đúng ra thì đây cũng là một nhiệm vụ của trường, nhưng quỹ đất không có. Bao quanh là núi, là rừng, là màu xanh ngút ngát vậy thôi, chứ mọi thứ rau xanh trường đều phải mua dưới huyện. Dân quanh đây cũng chẳng có rau để bán cho trường, họ chỉ trồng một ít để ăn, lợn thì chỉ quen nuôi loại lợn mán nho nhỏ, nuôi cả năm mới được một lứa, năng suất lại không cao... thế nên rau và thực phẩm rất đắt. Một mớ rau ở quê cô chỉ 2.000đ thì trên này tận 5.000đ. Sắp tới trường cũng có kế hoạch thuê đất của dân để tăng gia.
Những sắc màu cần được lan truyền
Một điều đáng mừng là ở mãi nơi heo hút này, nhưng các thày cô giáo ở trường Xéo Dì Hồ rất yêu đời. Ngôi trường nhỏ, nhưng khang trang, khu phòng học, khu nhà ở của giáo viên với những căn phòng nhỏ xinh ấm áp như những tổ chim, khu nhà ở của học sinh được làm bằng gỗ gọn gàng, những bồn hoa bóng nước, hoa mười giờ nở rực khắp sân, những giàn đậu đỗ xanh mướt, ngay một thẻo đất đầu nhà sát núi cũng được khai hoang để trồng rau cải, trồng hành... Các thày cô cho biết mấy khu nhà gỗ này là do các đoàn từ thiện xây cho.
Vậy là tình yêu cuộc sống, tình yêu với mảnh đất này sẽ khiến cho con người ta làm được những điều kỳ diệu, tô thêm màu sắc cho cuộc sống nơi đây. Chỉ có điều làm sao cho tình yêu đó truyền sang cho những đứa trẻ. Từ những bữa ăn được có thêm màu xanh của rau, mùi thơm của thịt, của lạc, của vừng, của những đồ ăn mới lạ... chứ không bó mãi trong vài thứ rau củ ít ỏi kia. Tập quán là thứ rất khó thay đổi nhưng không phải là không thể thay đổi.
Trên đường đi, chúng tôi gặp rất nhiều đoàn thiện nguyện và cả rất đông những bạn trẻ đi phượt. Nhiều người lên đây vì tiếng gọi của cái đẹp, tức là lại thêm nhiều người biết về vùng đất này, yêu thêm vùng đất này. Đến rồi chắc chắn sẽ còn trở lại, không chỉ vì cái đẹp mà còn vì biết rằng người dân ở đây còn quá khổ, những đứa trẻ ở đây mùa đông này còn chưa có áo ấm.