Khi đàn ông... “chạy chợ“

Google News

Bây giờ, việc đàn ông chạy chợ, buôn gánh bán bưng không còn là chuyện xa lạ nữa.

Hình ảnh những người đàn ông chạy chợ trên xe rong ruổi trên các nẻo đường để buôn bán nuôi sống bản thân và gia đình đã không còn xa lạ.
Khi dan ong... “chay cho“
Hằng ngày, những người đàn ông vượt cả trăm km để mang chợ đến với bà con vùng cao. 
Mỗi buổi sáng, trên khắp các bản làng của đồng bào vùng cao Quảng Ngãi lại vui nhộn hẳn lên bởi các chuyến xe máy chở các loại thực phẩm phục vụ cho nhu cầu sinh hoạt của bà con. Hòa vào dòng người buôn bán xuôi ngược, ngoài những chị em phụ nữ thì có không ít đấng nam nhi chọn công việc “chạy chợ” để mưu sinh.
Vừa qua tuổi 40, nhưng anh Nguyễn Thanh Hùng ở xã Bình Chương (Bình Sơn) đã có ngót chục năm gắn bó với công việc “chạy chợ”. Suốt những năm nay, bất kể ngày nắng hay mưa, cứ tầm 4 giờ sáng mỗi ngày, anh lại cùng chiếc “ngựa sắt” chất đầy hàng hóa thẳng hướng lên các xã vùng cao Tây Trà để bán các loại hàng hóa, thực phẩm và nhu yếu phẩm thịt heo, thịt bò, cá, rau, củ, quả …
Kể về cơ duyên đến với nghề, anh Nguyễn Thanh Hùng cho biết, nhà đông người, thế nhưng cuộc sống chỉ trông vào vài sào ruộng lúa, lại không có nghề phụ nên kinh tế gia đình anh thuộc diện khó khăn. Năm 2006, được người họ hàng hành nghề buôn bán đi trước mách nước, anh mạnh dạn bắt đầu tập tành "nhập cuộc” với nghề. Thế là, kể từ đó, với chiếc xe máy cũ được cơi nới thêm cái thùng 2 bên, hàng ngày anh cùng những "đồng nghiệp" mang chợ rong ruổi tận các bản làng vùng cao Tây Trà để phục vụ người dân đến nay.
Vừa trò chuyện với chúng tôi anh Hùng vừa tranh thủ bày hàng bán hàng cho bà con. Nhìn đôi tay thoăn thoắt, cắt mấy lạng thịt cho người này, nhanh tay làm ruột mấy con cá nục, cá ngừ cho người khác. Chốc chốc lại mở sổ ghi ghi, chép chép… anh khéo léo chẳng khác gì phụ nữ.
“Giai đoạn mới vào nghề mình gặp vô vàn khó khăn vì không thuộc đường sá, hơn nữa tâm lý nhiều người nghĩ đàn ông thiếu gì việc làm mà theo cái nghề dành cho phái yếu đôi khi làm trĩu nặng tâm tư. Dù đây là một công việc chân chính kiếm tiền, nhưng đôi khi gặp một ánh mắt của ai đó vô tình nhìn mình cũng hơi ái ngại. Thế nhưng, vì cuộc sống mưu sinh, vượt cái ngại ngùng ban đầu, “nghề dạy nghề” mình quen dần với công việc từ khi nào không hay”- anh Nguyễn Thanh Hùng chia sẻ.
Với anh Hùng, nghề “chạy chợ” không chỉ cần chịu khó mà như một thứ nghệ thuật, không phải ai cũng làm được. Có người đi làm được dăm ngày, bảy bữa phải kiếm nghề khác. Và cũng có người, dù thành thạo trong làm ăn nhưng khi bước vào nghề này phải cúi đầu chào thua. Phải “có duyên” mới trụ lại được.
Khi dan ong... “chay cho“-Hinh-2
Nhiều người đàn ông khá thuần thục công việc mua bán. 
Cũng như anh Hùng, anh Trần Văn Bình ở xã Tịnh Bình (Sơn Tịnh) góp mặt vào đội quân “chợ di động” vùng cao đã được hơn 7 năm nay. Nhìn vẻ bề ngoài khắc khổ và nước da rám nắng, thoạt nhìn ít ai nghĩ anh Bình chỉ mới ngoài 36 tuổi.
Chọn cho mình địa bàn hoạt động tận xã Trà Nham (Tây Trà), dù tuyến đường về xã Trà Nham xuống cấp nghiêm trọng, mùa mưa thì lầy lội, thế nhưng từ khi hành nghề đến giờ, hầu như ngày nào anh lặn lội mang “chợ” đến với bà con xã Trà Nham.
“Nghề này thức khuya dậy sớm, trèo đèo, lội suối vất vả lắm nhưng mình không dám nghỉ 1 ngày, bởi đó là cuộc sống và tương lai cho chính con em của mình ở nhà. Nếu nghỉ đồng nghĩa với việc không kiếm nổi vài chục nghìn lo cho 2 đứa con nhỏ đang tuổi ăn, tuổi học”- đưa vạt áo thấm giọt mồ hôi anh Trần Văn Bình cho biết.
Theo anh Bình, dù vất vả, nhưng bù lại anh có được niềm vui khi có thêm đồng ra đồng vào để mua sắm, trang trải và lo việc học hành cho con cái. “Mỗi ngày một chủ “chợ di động” có thể thu lãi hơn 200 nghìn đồng, số tiền này cũng khá hơn so với những người lao động chân tay khác” - anh Bình tiết lộ.
Khi dan ong... “chay cho“-Hinh-3
Với họ, làm bất cứ công việc gì cũng được, miễn là lương thiện và mang lại thu nhập chính đáng từ mồ hôi và công sức của mình. 
Cuộc đời mỗi người một hoàn cảnh, một niềm vui, nỗi khổ không ai giống ai. Mỗi người một công việc, một cách mưu sinh khác nhau, nhưng với những người đàn ông chọn nghề buôn gánh, bán bưng đều có chung một mục đích là chung tay san sẻ nỗi vất vả với vợ và làm sao để bữa cơm gia đình có thêm nhiều hương vị, để con cái được theo đuổi ước mơ học hành…
Thế nên, nhiều người đàn ông bỏ qua ngại ngùng ban đầu để làm quen với công việc buôn bán, không khí tấp nập, rộn ràng thậm chí chao chát nơi cửa chợ, để học cách “thuận mua vừa bán” tính toán, đong đếm từng bó rau, con cá...
Hiện tại, trên bước đường mưu sinh, không riêng gì những người đàn ông hành nghề “chợ di động” trên núi mà đâu đó, trên những nẻo đường, góc phố, chúng ta vẫn bắt gặp hình ảnh những người đàn ông mưu sinh với công việc “chạy chợ” là những gánh hàng như: trái cây, thực phẩm... Họ vẫn ngày đêm đi bán sức lao động, để mua về cho mình và gia đình những giấc mơ khác ấm áp và trọn vẹn hơn.
Theo Báo Quảng Ngãi

Bình luận(0)