Bị chồng hờ đe dọa, người mẹ đem con tới nương tựa “ngôi nhà bình yên” rồi lặng lẽ chuyển đi nơi khác, cắt đứt mọi liên lạc. Câu chuyện ám ảnh nữ nhân viên đường dây tư vấn -hỗ trợ trẻ em đến bây giờ vẫn nguyên nỗi day dứt: “Không biết cuộc sống hai mẹ con bé gái hiện giờ thế nào?”.
Bé gái bị xâm hại suốt 7 năm
Chuyện trôi qua đã hai năm nhưng vẫn ám ảnh tâm trí chị Nguyễn Thị Ý (SN 1983)- Trưởng ca đường dây tư vấn -hỗ trợ trẻ em như vừa mới xảy ra. Chị Ý nói thấy áy náy, cảm giác bản thân chưa giúp đỡ được gì nhiều cho người mẹ khốn khổ mà chị còn không biết tên. Bản thân chị có con gái bằng tuổi bé gái nạn nhân nên hiểu được nỗi khổ hai mẹ con người gọi điện tới tổng đài nhờ tư vấn.
|
Các nhân viên đường dây 18001567 đang tiếp nhận thông tin phản ánh. |
Chiều muộn một ngày cuối tháng 7/2015, nữ nhân viên tổng đài hỗ trợ trẻ em vừa đặt tai nghe xuống bàn, tiếng chuông điện thoại reo lên rồi tắt theo kiểu “nháy” máy. Mấy giây sau chuông lại reo, chị Ý nhấc máy nhưng không nghe tiếng trả lời. Đầu dây bên kia, tiếng khóc tấm tức. Phải mất hồi lâu động viên, chị Ý mới có thể trấn tĩnh tâm lý người gọi điện tới.
Người phụ nữ ở đầu dây bên kia giới thiệu quê ở Lạng Sơn xuống Hà Nội sống bằng gánh hàng rau ở chợ đêm Long Biên. Chị từng có chồng và hai đứa con. Nhưng không may con lớn bị tai nạn qua đời, gia đình lục đục nên chị ly hôn rồi bế con gái út 7 tuổi xuống Hà Nội mưu sinh. Chân ướt chân ráo ở đô thị lớn, chị được mấy anh bảo vệ chợ thương tình cho ngồi bán hàng rau quả.
Hằng ngày chị rời nhà từ 12h đêm, đến quá trưa hôm sau mới về. Một thời gian sau, chị nảy sinh tình cảm với một anh làm bảo vệ chợ hơn tuổi. Vì cảm động sự giúp đỡ lúc khó khăn và muốn tìm nơi nương tựa, chị đồng ý để “chồng hờ” dọn về ở cùng. Nhà trọ chật hẹp, ba người phải ngủ chung một giường.
Cuộc sống cứ thế trôi đi, người mẹ không ngờ con gái mình đang chịu đựng tấn bi kịch từ chính “cha dượng”. Mọi chuyện chỉ vỡ lở 7 năm sau đó, khi cô bé đã 14 tuổi. Người mẹ tâm sự một ngày nọ thấy chị chuẩn bị đi chợ như mọi khi, bé gái cứ khóc, năn nỉ mẹ ở nhà rồi bảo mẹ tìm việc làm khác chứ đừng đi chợ đêm nữa.
Thấy lạ, người mẹ dò hỏi nhưng cô bé không nói nữa. Phải mấy lần sau, bé gái mới chịu nói lý do. Theo lời người mẹ kể lại, con gái chị bị “bố dượng” xâm hại suốt mấy năm ở chung. Nhưng có thể khi lớn lên, cháu mới nhận thức được hành vi đồi bại này, không thể chịu đựng nữa mới lên tiếng.
Khi nghe con gái kể, người mẹ bán tín bán nghi. Mấy ngày sau đó chị chủ động nghỉ chợ ở nhà thăm dò. Người mẹ choáng ngợp bởi dù có mình ở nhà nhưng “chồng hờ” vẫn tìm cơ hội sờ soạng con gái đang nấu cơm dưới bếp.
Để chắc chắn, người mẹ đưa con tới trung tâm y tế khám, bác sĩ kết luận vùng kín bé gái bị tổn thương, có dấu hiệu sang chấn tâm lý. Đến lúc này bà mẹ hoảng loạn, bối rối không biết xử lý thế nào? Làm cách nào đưa kẻ đồi bại ra pháp luật? Con gái chị rồi sẽ thế nào? Những câu hỏi thay nhau giằng xe tâm can người phụ nữ khốn khổ.
Cái kết “lưng chừng”
Người mẹ cho rằng “chồng hờ” là đối tượng xã hội có máu mặt ở địa phương, nên làm to chuyện mẹ con chị có thể gặp nguy hiểm. Có lần chị chọn giải pháp lặng lẽ bỏ trốn sang một quận khác sống tạm nhưng vẫn bị tìm ra, bắt về và đe dọa “nếu tiếp tục bỏ trốn sẽ giết”. Thậm chí chị đem con về quê vẫn bị đối tượng tìm đến dọa nạt.
Sợ hãi, hai mẹ con lại dọn về căn phòng trọ ám ảnh. Đối tượng vẫn tiếp tục hành vi đồi bại, thậm chí công khai hơn trước. Căm phẫn, mẹ cháu bé định viết đơn tố cáo nhưng cùng thời điểm này một người bạn của chị có con bị xâm hại, đã gửi đơn tố cáo mấy tháng trời không có kết quả. Bởi vậy chị càng lo sợ tình huống làm đơn mà thủ phạm không bị trừng phạt nghiêm, sẽ quay lại hại mẹ con chị. Ý tưởng tố cáo vừa lóe lên đã vụt tắt.
Được bạn giới thiệu, chị gọi điện tới đường dây tư vấn và hỗ trợ trẻ em 18001567 nhờ giúp đỡ. Sau khi lắng nghe toàn bộ câu chuyện, nữ nhân viên tổng đài hướng dẫn người mẹ bằng mọi cách phải tách bé gái ra khỏi môi trường bị xâm hại. Nhân viên tổng đài đã liên hệ với Trung tâm Phụ nữ và phát triển đề nghị giúp đỡ cho hai mẹ con người cầu cứu đến ở tại Ngôi nhà bình yên. Mẹ con chị đã làm theo và được tiếp nhận, chăm sóc y tế kịp thời.
Thông tin từ “Ngôi nhà bình yên” cho biết “chồng hờ” của chị bán rau có đến trung tâm gây sự nhưng nhờ lực lượng chức năng can thiệp nên sau đó không tới nữa. Sức khỏe và tinh thần mẹ con nạn nhân dần ổn định. Sau ba tháng tá túc, người mẹ xin phép đưa con gái đi đâu đó không ai rõ, chủ động cắt đứt mọi liên lạc.
Về phần chị Ý, luôn trăn trở không biết người phụ nữ và con gái hiện sinh sống thế nào. Nhiều lần chị gọi điện hỏi thăm nhưng không thể liên lạc được: “Vụ việc này không được người mẹ đưa ra pháp luật vì chị ấy nói rằng xác suất đòi lại công bằng cho con gái ít, có thể gặp nguy hiểm. Bản thân tôi mong muốn đối tượng xâm hại phải bị chịu trách nhiệm trước pháp luật”, nữ nhân viên tổng đài trăn trở.
Điều nữa khiến chị Ý trăn trở trong vụ việc trên là bé gái bị xâm hại từ lúc còn rất nhỏ suốt 7 năm trời. Qua lời kể của mẹ nạn nhân, chị Ý nhận định cô bé chắc chắn bị tổn thương nặng về cả thể xác lẫn tinh thần và cần được hỗ trợ.
Lí do sự việc lại bị phát hiện muộn như vậy, chị Ý giải thích có hai nguyên nhân. Trước tiên bản thân người mẹ không chú ý đến những thay đổi tâm sinh lý của con gái. Thứ hai, khi còn nhỏ có thể bé gái chưa nhận thức được mình đang bị xâm hại tình dục. Lớn lên, đủ nhận thức, cô bé kể lại nhiều lần định nói lên sự thật nhưng bị bố dượng đe dọa.
Nghi phạm biết được chuyện khi một đứa con qua đời, người “vợ hờ” vô cùng đau khổ nên dọa bé gái nếu kể ra mọi chuyện sẽ làm mẹ buồn như trước kia. Thế là cô bé im lặng. Đến khi nạn nhân không thể chịu đựng, nghi phạm giở thói côn đồ, đánh đập, dọa giết. “Nạn nhân sợ hãi và không biết tìm kiếm sự giúp đỡ ở đâu khiến vụ việc chìm trong bóng tối suốt thời gian dài, có thể là mãi mãi”, chị Ý phân tích.
Đường dây tư vấn và hỗ trợ trẻ em 18001567 do Cục Bảo vệ, chăm sóc trẻ em (Bộ Lao động) quản lý, hoàn toàn miễn phí cước gọi đến. Năm 2016, đường dây tiếp nhận 331.582 cuộc gọi, tư vấn 25.791 cuộc. Trong số cuộc gọi tư vấn có 775 cuộc liên quan tới vấn đề xâm hại tình dục trẻ em (XHTDTE). Đường dây đã kết nối, can thiệp cho 369 trẻ em, trong đó có 89 trường hợp bị XHTD. Hai tháng đầu năm 2017, có 115 cuộc tư vấn liên quan tới XHTDTE (chiếm 2,9%). Trong tổng số 68 ca đường dây can thiệp có 20 ca can thiệp cho trẻ bị XHTD.
Đến nay vừa tròn 10 năm chị Ý gắn bó với phòng trực tổng đài hỗ trợ, giúp đỡ trẻ em. Câu chuyện chị vừa kể trên chỉ một trong hàng trăm, hàng ngàn mảnh đời bất hạnh của tệ nạn xâm hại tình dục trẻ em. Nữ trưởng ca trải lòng công việc không quá khó nhưng đòi hỏi mỗi nhân viên tư vấn phải có tâm, thực sự đồng cảm với người gọi đến.
Cái khó nhất đó phải làm sao tiếp xúc với nạn nhân, giúp họ kể rõ ràng tình huống đang gặp phải để hỗ trợ đúng. Thực tế nhiều người gọi điện nhờ giúp đỡ nhưng lo sợ ảnh hưởng tới gia đình, danh dự bản thân hoặc sợ bị trả thù nên dè chừng. Lúc đó sự tiếp sức từ nhân viên tổng đài rất quan trọng.
Kinh nghiệm của chị Ý mỗi khi nhấc máy trước tiên phải lắng nghe để người nói cảm thấy đang được đồng cảm và tôn trọng. Lắng nghe còn giúp nhân viên tổng đài xác minh thông tin tiếp nhận, xác định trọng tâm nội dung cần tư vấn.
Đặc biệt với những ca tư vấn xâm hại tình dục như lời chị Ý, có đặc thù riêng: Người gọi điện luôn tỏ thái độ bức xúc, hoang mang lo lắng về việc con em mình gặp phải. Họ bức xúc về hành vi của đối tượng xâm hại, bức xúc trước sự chậm trễ của các cơ quan tố tụng trong quá trình điều tra giải quyết vụ việc.
Và có thể xuất phát từ tâm trạng bức xúc đó khiến nhiều phụ huynh quên đi nhiệm vụ quan trọng nhất khi phát hiện con em bị xâm hại: Hỗ trợ tâm lý, chăm sóc sức khỏe cho nạn nhân. Bởi phần lớn bố mẹ, người thân khi gọi điện phản ảnh trẻ em bị xâm hại tình dục chủ yếu tập trung vào câu hỏi làm thế nào đưa đối tượng xâm hại ra trước pháp luật trừng trị.
“Đối với ca xâm hại tình dục, trước tiên cần trấn an tâm lý, hướng dẫn nạn nhân ưu tiên hàng đầu chăm sóc sức khỏe của trẻ. Ngoài ra khi kết nối, chúng tôi lưu ý nhân viên hỗ trợ cũng phải tập trung vào việc thăm khám, chăm sóc nạn nhân”, chị Ý cho hay.