Mánh khóe lừa đảo bạc tỷ của nữ đội trưởng truy nã tội phạm CA Pleiku

Google News

(Kiến Thức) - Nữ trung tá công an ở TP Pleiku (Gia Lai) nhận có mối quan hệ và và khẳng định mình sẽ giúp đỡ vào biên chế, các ngành công an cho nhiều người để chiếm đoạt tiền tỷ.

Mới đây, TAND tỉnh Gia Lai đã tuyên phạt bị cáo Nguyễn Thị Phước (SN 1965, nguyên là trung tá, Đội trưởng Đội Kỹ thuật Hình sự và Truy nã tội phạm Công an TP Pleiku, nghỉ hưu theo chế độ năm 2017) 14 năm tù giam và Trần Văn Nhâm (SN 1974, nguyên cán bộ Đảng uỷ Khối doanh nghiệp tỉnh Gia Lai, thôi việc năm 2017) 13 năm tù giam về tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản". Cả hai phải liên đới bồi thường số tiền đã chiếm đoạt của các bị hại.
Theo bản cáo trạng, từ năm 2015 đến 2017, 2 người này tự giới thiệu mình có mối quan hệ với những người có chức vụ, quyền hạn ở Bộ Công an, Công an tỉnh Gia Lai, Sở Nội vụ, Sở Y tế, Sở Tài nguyên và Môi trường, Quân đoàn 3 (Bộ Quốc phòng)… và có khả năng lo xét tuyển biên chế công chức, viên chức vào cơ quan nhà nước; tuyển sinh, tuyển dụng vào ngành công an, quân đội, xin giảm tiền thuế sử dụng đất… Từ đó, 2 đối tượng này đã nhận 2,76 tỉ đồng của nhiều người.
Tháng 5/2016, ông Tống Nguyên Sâm (trú tỉnh Hà Tĩnh) có con trai là T.N.M đang là chiến sĩ nghĩa vụ có thời hạn trong Công an tỉnh Gia Lai nên đã chủ động giới thiệu với ông Sâm mình có khả năng xin 1 suất đi học cử tuyển tại các trường Công an nhân dân với chi phí là 500 triệu đồng, nếu không xin được sẽ hoàn lại tiền.
Manh khoe lua dao bac ty cua nu doi truong truy na toi pham CA Pleiku
Hai bị cáo Nguyễn Thị Phước và Trần Văn Nhâm. 
Ông Sâm tin thật nên đã 3 lần chuyển tiền vào tài khoản ngân hàng cho trung tá Phước tổng cộng 500 triệu đồng. Nhận tiền, trung tá Phước cam kết đến ngày 20/6/2016, T.N.M sẽ có quyết định cử đi học. Quá thời hạn cam kết nhưng con ông Sâm không được cử đi học, ông Sâm đã nhiều lần thúc giục trung tá Phước trả lại tiền. Đối tượng này đã làm giả các quyết định giấy báo nhập học hệ cử tuyển Trung cấp Cảnh sát nhân dân đề ngày 3/8/2016 của Học viện Cảnh sát nhân dân và nhiều giấy tờ khác liên quan rồi chụp hình gửi qua zalo cho ông Sâm tạm thời không đòi lại tiền.
Để có nhiều "con mồi", sau khi bàn bạc với đối tượng Nhâm, trung tá Phước gặp và giới thiệu với bà Phan Thị Bích Ly rằng mình có quen biết rộng với nhiều người, có khả năng xét tuyển biên chế công chức, viên chức, luân chuyển công tác tại nhiều sở, ngành. Nếu ai có nhu cầu thì bà Ly giới thiệu, Phước sẽ giúp với giá từ 160-200 triệu đồng. Mỗi trường hợp tiền đặt cọc thường là 50%, nếu bà Ly thỏa thuận được cao hơn thì sẽ được hưởng số tiền chênh lệch.
Do biết Phước đang giữ chức vụ Đội trưởng tại Công an TP Pleiku nên bà Ly tin tưởng. Từ tháng 9/2016 đến tháng 7/2017, bà Ly đã giao cho bà Phước 600 triệu đồng để nhờ người này lo xét tuyển biên chế giáo viên, luân chuyển công tác giáo viên cho 8 trường hợp. Số tiền này Nhâm và Phước chia nhau tiêu xài mà không sử dụng để xin việc cho 8 người như đã hứa.
Cơ quan điều tra xác định, tổng cộng bà Phước và Nhâm đã chiếm đoạt 9 vụ của 8 người. Trong các vụ này, bà Phước nhận tiền rồi đưa một phần để ông Nhâm liên hệ với những người có chức vụ quyền hạn.
Hai người này đã thống nhất sử dụng những ký hiệu riêng khi liên lạc với nhau như “Cà phê lớn” là xin tuyển sinh, tuyển dụng vào ngành công an; “Cà phê nhỏ” là xin việc ngoài ngành công an; “Ngày xuất hàng” tức là ngày có quyết định tuyển sinh, tuyển dụng…
Cơ quan điều tra còn xác định từ năm 2014-2017, bà Phước đã nhận tiền của 27 người. Tuy nhiên, cơ quan điều tra mới làm việc được với 19 người và xác định 19 người này đã đưa cho Phước tổng số tiền là 4,86 tỷ đồng để nhờ Phước “chạy trường”, “chạy việc”. Một số trường hợp sau khi không xin được việc Phước đã trả lại tiền nên những người này đã không tố cáo Phước.
>>> Xem thêm video: Giả danh Lãnh đạo Bộ Công an đi lừa đảo

Nguồn: VTC 1.

Trung Vương

>> xem thêm

Bình luận(0)