VKSND thành phố Hà Nội vừa hoàn tất cáo trạng truy tố bà Lê Kim Quy (SN 1950, ở Hoàng Mai, Hà Nội) tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
CQĐT làm rõ, bà Quy tự giới thiệu mình là vợ của ông Trịnh Văn Chương (SN 1952), trung tướng Công an, có quan hệ rộng, quen biết với các cán bộ cao cấp trong ngành công an, có khả năng xin việc vào ngành để các bị hại tin tưởng giao tiền.
Với thủ đoạn trên, trong thời gian từ tháng 10/2016, bà Quy đã chiếm đoạt của 15 bị hại với tổng số tiền ngót 3 tỷ đồng. Trước và sau khi khởi tố, bị can đã khắc phục được hơn 1,2 tỷ đồng.
|
Ảnh minh họa. |
Trong số các nạn nhân của bà Quy phải kể đến ông T. (cán bộ công an nghỉ hưu). Ông có con gái vừa tốt nghiệp một trường đại học danh tiếng ở Hà Nội nhưng chưa xin được việc làm.
Khoảng tháng 10/2014, ông T. nhờ một đồng nghiệp cũ là Phó trưởng Công an một thành phố xin cho con gái mình vào ngành công an.
Ông T. có đưa cho bạn bộ hồ sơ xin việc và được bạn giới thiệu đến gặp ông Trịnh Văn Chương và vợ là bị can Quy. Sau cuộc gặp gỡ, bà Quy nói, cứ để hồ sơ lại đó để bà ta xem xét.
Ngày 18/10/2014, bà Quy chủ động điện cho con gái ông T. nói, nếu muốn xin việc phải có tiền, bảo bố mẹ mang tiền đến để bà ta lo việc. Bà Quy hứa hẹn, sau khi nhận tiền, đến quý 1 năm 2015, cô sẽ được đi làm.
Sau khi nghe con gái nói lại nội dung trên, ngày 20/10/2014, vợ chồng ông T. đến gặp bà Quy tại nhà, đưa 300 triệu đồng.
Ngày 23/3/2016, bà Quy gọi điện cho ông T. nói, Bộ Công an đã duyệt hồ sơ của con gái ông và yêu cầu chuyển thêm 100 triệu đồng. Gia đình ông T. đã làm theo đúng yêu cầu của bị can.
Sau đó thấy con gái không được đi làm, ông T. nhiều lần đến đòi tiền nhưng không được nên đã làm đơn tố cáo đến Cơ quan Công an.
Theo lời khai của ông Chương, ông ta không biết đến hành vi lừa đảo của vợ và cũng không biết vợ dùng tiền lừa đảo chiếm đoạt được để làm gì.
Đối với ông Chương, CQĐT cho rằng, ông này không bàn bạc, thỏa thuận, hưởng lợi gì từ hành vi phạm tội của vợ nên không đủ căn cứ xác định ông đồng phạm với bà Quy về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản nên không đề cập xử lý.