Ý kiến trên được ông Lưu Văn Bản, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Hải Dương cho biết tại cuộc họp Hội đồng thẩm định các dự án đầu tư công do cấp tỉnh quản lý và nghe các sở, ngành, đơn vị liên quan báo cáo để giải quyết vướng mắc lĩnh vực giao thông, tài nguyên môi trường, đầu tư công trên địa bàn tỉnh được tổ chức mới đây.
|
Công trình vi phạm của Công ty Đại Sơn. |
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Hải Dương đề nghị Sở Tài chính Hải Dương làm thủ tục tiếp nhận tài sản, đồng thời phối hợp với Sở Y tế, UBND TP Hải Dương căn cứ trên nhu cầu, nguyện vọng của Bệnh viện Y học cổ truyền đề xuất phương án tái sử dụng phục vụ hoạt động chuyên khoa và chăm sóc sức khỏe nhân dân của bệnh viện.
Bệnh viện cần lên phương án sử dụng tài sản vào mục đích cụ thể, nếu cần bổ sung quy hoạch sử dụng đất phù hợp với quy hoạch của bệnh viện…
Trước đó, Công ty TNHH một thành viên Đại Sơn đã có đơn xin tặng công trình vi phạm tại Bệnh viện Y học cổ truyền Hải Dương sau nhiều lần được cơ quan chức năng yêu cầu phá dỡ.
Theo lý giải của doanh nghiệp, công ty đã đầu tư hàng chục tỷ đồng để xây dựng các công trình nhà vật lý trị liệu, nhà tổ chức sự kiện, dãy kiốt… Công trình mới đưa vào hoạt động từ tháng 1/2019. Sau đó, dịch Covid-19 bùng phát, việc kinh doanh gặp khó khăn, doanh nghiệp chưa bù đắp được số tiền đầu tư ban đầu.
Tháng 8/2023, UBND TP Hải Dương ban hành quyết định thực hiện khắc phục hậu quả vi phạm trong lĩnh vực đất đai đối với Công ty Đại Sơn. Doanh nghiệp sẽ phải bỏ ra khoản chi phí lớn để phá dỡ các công trình trên. Trong khi đó, các công trình này vẫn có thể sử dụng.
Để tránh lãng phí, Công ty Đại Sơn xin được tặng toàn bộ tài sản là các công trình vi phạm để Bệnh viện Y học cổ truyền tỉnh Hải Dương quản lý, sử dụng vào mục đích khám chữa bệnh.
Do tài sản Công ty Đại Sơn xin tặng đang ở trên phần đất thuộc thẩm quyền quản lý, sử dụng của Bệnh viện Y học cổ truyền Hải Dương, TP Hải Dương đề nghị UBND tỉnh giao Sở Y tế và Bệnh viện Y học cổ truyền tỉnh kiểm tra xem xét đề nghị của doanh nghiệp theo quy định của pháp luật.
Trước đó, Tri thức và Cuộc sống đã nhiều lần đưa tin, 7 năm trước, vào tháng 4/2016, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Hải Dương ban hành kết luận thanh tra số 05 việc chấp hành pháp luật về tài nguyên môi trường đối với Bệnh viện Y học cổ truyền Hải Dương (phường Hải Tân, TP Hải Dương).
Theo kết luận thanh tra, ngày 25/5/2011, Công ty TNHH MTV Đại Sơn và Bệnh viện Y học cổ truyền Hải Dương ký hợp đồng hợp tác kinh doanh số 255/HĐHTKD/YHCT-ĐS, thời hạn 15 năm. Công ty Đại Sơn san lấp 3.400m2 hồ Sen, quản lý, sử dụng khoảng 2400 m2.
Sau đó, UBND tỉnh Hải Dương có thông báo số 03 ngày 3/1/2012 với nội dung nhất trí chủ trương cho phép “xây dựng, bổ sung một số hạng mục… nhằm phục vụ tốt hơn nhu cầu khám chữa bệnh của nhân dân”, yêu cầu “sử dụng đất đúng mục đích..., nếu có dùng nguồn vốn liên doanh, liên kết thì thời gian thực hiện không quá năm 2020”.
Ngày 14/2/2012, Sở Y tế Hải Dương có công văn số 117 chấp thuận cho Bệnh viện xây dựng một hồ điều hòa rộng 570m2 và nhà vật lý trị liệu 1.567m2 phía giáp đường Yết Kiêu (ngã tư Hải Tân). UBND TP Hải Dương đã phê duyệt quy hoạch và cấp giấy phép xây dựng cho Bệnh viện xây nhà vật lý trị liệu.
Tuy nhiên, việc liên doanh liên kết, xây dựng và sử dụng công trình của bệnh viện, Công ty TNHH MTV Đại Sơn có nhiều điểm sai khác so với chủ trương của tỉnh Hải Dương, chấp thuận của Sở Y tế và Giấy phép xây dựng.
Cụ thể, nội dung hợp đồng hợp tác kinh doanh không nêu rõ việc hợp tác để kinh doanh vật lý trị liệu, thời hạn 15 năm (đến năm 2026), nhiều hơn thời hạn UBND tỉnh Hải Dương cho phép; chưa sử dụng nhà vật lý trị liệu đúng mục đích mà để kinh doanh dịch vụ, chưa xây dựng hồ điều hòa mà làm bãi trông giữ ô tô; để Công ty Đại Sơn sử dụng 200m2 xây dựng 12 ki ốt không có trong giấy phép xây dựng, vi phạm hành lang đường.
Sở Tài nguyên và Môi trường Hải Dương cũng nêu rõ trong kết luận thanh tra rằng, Bệnh viện ký hợp đồng hợp tác kinh doanh ngày 25/5/2011 với Công ty TNHH MTV Đại Sơn trước khi được UBND tỉnh Hải Dương nhất trí chủ trương tại Thông báo 03 ngày 3/1/2012. Hợp đồng có những nội dung không đúng quy định, chỉ đạo của UBND tỉnh nhưng đến thời điểm ban hành kết luận thanh tra chưa được điều chỉnh.
Thanh tra Sở Tài nguyên và Môi trường khi đó kiến nghị Bệnh viện chấm dứt các hợp đồng cho thuê mặt bằng với cá nhân, doanh nghiệp. Thực tế, sau khi kết luận được ban hành, Bệnh viện đã thanh lý hầu hết hợp đồng đã ký. Tuy nhiên, một số vi phạm vẫn chưa được xử lý triệt để, việc kinh doanh của Công ty Đại Sơn vẫn chưa đúng quy định của tỉnh Hải Dương.
Đến nay, doanh nghiệp này chưa xây hồ điều hòa, chưa sử dụng nhà vật lý trị liệu đúng mục đích. Thậm chí, doanh nghiệp tự ý thay đổi công năng sử dụng các công trình theo quy hoạch như nhà vật lý trị liệu 2 tầng đưa vào kinh doanh, ki ốt bán hàng…
Ngày 30/6/2023, Bệnh viện Y học cổ truyền tỉnh Hải Dương ra thông báo 41 về việc đơn phương chấm dứt hợp đồng đối với Công ty TNHH MTV Đại Sơn, yêu cầu trong thời hạn 15 ngày, đơn vị này phải bàn giao lại cho Bệnh viện toàn bộ mặt bằng đã và đang sử dụng, thanh toán các khoản tiền là nghĩa vụ tài chính của Công ty TNHH MTV Đại Sơn phải thực hiện theo các hợp đồng đã ký với bệnh viện.
Thời gian qua, để xử lý vi phạm của Công ty Đại Sơn tại Bệnh viện Y học cổ truyền tỉnh Hải Dương, thành phố Hải Dương đã nhiều lần tổ chức đối thoại, vận động doanh nghiệp thực hiện quyết định cưỡng chế, khắc phục hậu quả, tự tháo dỡ công trình. Công ty Đại Sơn cũng có đơn xin tự phá dỡ công trình vi phạm. UBND thành phố Hải Dương đã giao các phòng, ban chức năng và UBND phường Hải Tân thường xuyên đôn đốc, giám sát công ty thực hiện việc tự phá dỡ công trình vi phạm.
Thậm chí, thành phố Hải Dương đã đặt hàng rào cứng xung quanh khu vực công trình vi phạm, đề nghị Công ty CP Kinh doanh nước sạch Hải Dương dừng cung cấp nước cho doanh nghiệp từ ngày 8/3. Công ty Đại Sơn đã phá dỡ dãy ki ốt mặt đường Lê Quý Đôn, tháo mái tôn phần sân, nhà vệ sinh ở phía sau, di chuyển một phần ghế trong khu vực nhà tổ chức sự kiện.
>>> Mời độc giả xem thêm video Thủ tướng kiểm tra các dự án trọng điểm