Quy định "Người bào chữa phải chịu trách nhiệm hình sự về hành vi không tố giác tội phạm" trong dự thảo Luật Hình sự đang có hai luồng quan điểm trái chiều. Do còn ý kiến khác nhau, tại Hội nghị góp ý về dự án sửa đổi bổ sung một số điều Luật của Bộ Luật Hình sự 2015 vào sáng 27/5, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị cơ quan soạn thảo và cơ quan thẩm tra ngồi lại thảo luận thấu tình đạt lý với các luật sư, có thể mời các nhà làm luật tranh luận riêng.
Báo điện tử Kiến Thức vừa nhận được bài viết cũng là góc nhìn của luật sư Nguyễn Thế Truyền – Giám đốc Công ty Luật Hợp danh Thiên Thanh - về quy định tại điều 19 Dự thảo sửa đổi bổ sung luật Hình sự - khoản 3 – nêu rõ: “Người bào chữa không phải chịu trách nhiệm hình sự theo quy định tại khoản 1 Điều này trong trường hợp không tố giác tội phạm do chính người mà mình bào chữa đã thực hiện hoặc đã tham gia thực hiện mà người bào chữa biết được khi thực hiện nhiệm vụ bào chữa, trừ trường hợp không tố giác các tội xâm phạm an ninh quốc gia hoặc tội đặc biệt nghiêm trọng khác quy định tại Điều 389 của Bộ luật này.”
|
Luật sư Nguyễn Thế Truyền. |
Kiến Thức xin đăng tải nguyên văn bài viết trên:
Tôi không có điều kiện và khả năng để được nghiên cứu Luật các nước quy định thế nào về đặc quyền này cụ thể ra sao. Tôi chỉ xin nêu quan điểm của mình theo quy định trong pháp luật thực định tại Việt nam.
Đầu tiên, luật sư chỉ là một trong rất nhiều người trong nhóm người bào chữa, vì còn phải kể đến trợ giúp viên pháp lý, người đại diện của người bị buộc tội, Bào chữa viên nhân dân và thậm chí ngay bị can, bị cáo cũng có thể là người bào chữa cho chính bản thân mình. Điều này được ghi nhận trong Hiến pháp tại khoản 4, điều 31, chương II quy định về Quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân, cụ thể như sau: “Người bị bắt, tạm giữ, tạm giam, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử có quyền tự bào chữa, nhờ luật sư hoặc người khác bào chữa“. Trong Hiến pháp cũng quy định về việc “Người bị buộc tội được coi là không có tội cho đến khi được chứng minh theo trình tự luật định và có bản án kết tội của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật”. Vậy chế định Người bào chữa đã được Hiến pháp ghi nhận và cũng đề cao nguyên tắc suy đoán vô tội đối với người bị buộc tội.
Trên thực tế không phải ai cũng đều có khả năng tự bào chữa cho chính mình và việc nhờ Luật sư, người khác bào chữa cho mình và những Người bào chữa thuộc chế định bổ trợ tư pháp. Lúc này có thể hiểu rằng Luật sư và những Người bào chữa khác chỉ là người thay mặt, đại diện cho bị can, bị cáo thực hiện quyền con người đã được Hiến định như phân tích ở trên.
Khi thực hiện những quyền này “thay” cho bị can, bị cáo, luật sư/người bào chữa có quyền sử dụng các biện pháp hợp pháp để bảo vệ tốt nhất quyền lợi cho bị can, bị cáo. Luật sư/người bào chữa lúc này chỉ đứng ở vai trò chức năng của hoạt động bổ trợ tư pháp bảo đảm, phù hợp với nguyên tắc kiểm soát cân bằng quyền lực trong vị thế đối lập các cơ quan điều tra, công tố đang thực hiện vai trò buộc tội thì phải có người gỡ tội.
Tức là, vai trò của luật sư/người bào chữa lúc này đang thực hiện chức năng bổ trợ tư pháp và hiện thực hóa quyền con người được quy định tại Chương II của Hiến pháp chứ không đơn thuần là hành nghề kiếm tiền, thù lao của thân chủ hay chi phí do cơ quan tiến hành tố tụng chi trả.
Trong khi đó, luật sư/người bào chữa còn phải tuân thủ quy định trong các văn bản pháp luật đặc thù như Luật luật sư, Luật trợ giúp pháp lý, mà trong đó đã cụ thể hóa những điều cấm khi thực hiện việc trợ giúp pháp lý hay bào chữa cho thân chủ của mình, chẳng hạn như: “Tiết lộ thông tin về vụ, việc, về khách hàng/người được trợ giúp mà mình biết được trong khi hành nghề, trừ trường hợp được khách hàng đồng ý bằng văn bản hoặc pháp luật có quy định khác”. Những điều cấm này đối với Luật sư/người bào chữa là sự ràng buộc khi thực hiện “thay” một phần quyền hiến định của người bị buộc tội, giúp đảm bảo Luật sư/người bào chữa luôn phải cẩn trọng và thực hiện đúng thiên chức nghề nghiệp, bảo vệ công lý, bảo đảm nguyên tắc kiểm soát cân bằng quyền lực và hơn hết là bảo vệ pháp chế xã hội chủ nghĩa.
Hơn thế nữa, theo dự thảo sửa đổi Bộ luật tố tụng hình sự có quy định “Bị can, bị cáo không buộc phải đưa ra lời khai chống lại chính mình hoặc buộc phải nhận mình có tội”. Vậy việc quy định: “Người bào chữa phải chịu trách nhiệm hình sự trong trường hợp không tố giác tội phạm do chính người mà mình bào chữa đã thực hiện hoặc đã tham gia thực hiện tội xâm phạm an ninh quốc gia hoặc tội đặc biệt nghiêm trọng khác quy định tại Điều 389 của Bộ luật này mà người bào chữa biết được khi thực hiện nhiệm vụ bào chữa” rõ ràng là vi hiến, xâm phạm nghiêm trọng đến quyền con người, mâu thuẫn với quy định của luật khác.
Đã có sự nhầm lẫn nghiêm trọng về vai trò của luật sư/người bào chữa và công dân, nhầm lẫn giữa chức năng bổ trợ tư pháp, hiện thực hóa quyền con người với trách nhiệm một công dân với Tổ quốc, xã hội. Đi ngược lại hoàn toàn với nguyên tắc suy đoán vô tội trong pháp luật hình sự Việt Nam, một người chỉ bị coi là có tội khi có bản án, quyết định của Tòa án (theo quy trình tố tụng nghiêm ngặt, buộc phải thẩm tra, xét xử công khai tại phiên tòa chứ không phụ thuộc vào bất kỳ ý chí của bên nào: buộc tội hay gỡ tội).
Vậy đặc quyền không tố giác tội phạm đó không phải của tự thân nghề nghiệp Luật sư/người bào chữa mà có, nó chính là quyền phái sinh từ quyền con người được quy định trong hiến pháp, từ quyền không khai báo của người bị buộc tội mà ở đó Luật sư/người bào chữa được hưởng khi nhận thực hiện chức năng nghề nghiệp của mình trong từng vụ án cụ thể, với từng thân chủ, người được trợ giúp pháp lý cụ thể. Việc có thông tin phạm tội trước đó qua việc thực hiện công việc của Luật sư/người bào chữa là một trong những cơ sở khẳng định niềm tin giữa Luật sư/người bào chữa với người bị buộc tội khi đã phó thác quyền con người của mình, phó thác sinh mạng pháp lý của mình không thể bị phản bội bởi bất kỳ lý do nào.
Nghề Luật sư mới phát triển mạnh mẽ khoảng 10 năm trở lại đây chính nhờ những quy định đầy tính nhân đạo, dân chủ trong hệ thống pháp luật Việt Nam, đặc biệt khi Việt Nam gia nhập WTO, chính là những tiền đề để ngày càng hoàn thiện, thể chế hóa những quy định cho nghề luật sư phát triển. Nhưng, những quy định như tại khoản 3 điều 19 dự thảo bộ luật hình sự đang đi ngược lại với những nỗ lực của Đảng, chính phủ trong việc phát triển nghề Luật sư tại Việt Nam nói riêng và chế định người bào chữa nói chung.
“Nếu không là chiếc phao cứu sinh, thì chí ít cũng là cánh bèo tấm”. Đây là lời thầy đã dạy tôi khi được học nghề Luật sư với thầy. Ý là, không giúp được thân chủ thoát chết thì cũng phải là điều hy vọng cuối cùng cho những thân chủ đã vướng vào vòng lao lý, đang phải đối diện với sự trừng phạt nghiêm khắc nhất của pháp luật.
Tôn chỉ này chính là thiên chức của nghề Luật sư, nó là sinh mệnh nghề nghiệp của Luật sư và nó được khái quát hóa lên thành nguyên tắc bảo mật, quyền miễn trừ trong mối quan hệ luật sư thân chủ.