Tại điều 19 Dự thảo sửa đổi bổ sung luật Hình sự - khoản 3 – nêu rõ: “Người bào chữa không phải chịu trách nhiệm hình sự theo quy định tại khoản 1 Điều này trong trường hợp không tố giác tội phạm do chính người mà mình bào chữa đã thực hiện hoặc đã tham gia thực hiện mà người bào chữa biết được khi thực hiện nhiệm vụ bào chữa, trừ trường hợp không tố giác các tội xâm phạm an ninh quốc gia hoặc tội đặc biệt nghiêm trọng khác quy định tại Điều 389 của Bộ luật này.”
Quy định này đang có hai luồng quan điểm ý kiến trái chiều nhau.
|
Đại biểu Trương Trọng Nghĩa. Ảnh VGP. |
"Miễn trách nhiệm hình sự đối với luật sư không tố giác tội phạm"
Thảo luận tại hội trường về Dự thảo sửa đổi bổ sung luật Hình sự, Luật sư Nguyễn Văn Chiến (Đoàn ĐB TP Hà Nội) đề nghị loại bỏ chủ thể luật sư ra khỏi điều luật 19 dự thảo luật, Khoản 3 quy định người bào chữa phải chịu trách nhiệm hình sự do không tố giác khách hàng về các tội phạm xâm phạm an ninh quốc gia hoặc các tội phạm đặc biệt nghiêm trọng quy định tại Điều 389 của bộ luật này.
Luật sư Nguyễn Văn Chiến lý giải: "Luật sư bào chữa theo chế định đặc thù do Hiến pháp và Luật Luật sư quy định khác với bào chữa viên là người khác không chịu sự điều chỉnh của Luật luật sư và quy tắc đạo đức luật sư Việt Nam. Không thể đánh đồng luật sư với chủ thể là bố, mẹ, anh, chị, em người phạm tội như dự thảo. Thứ hai, đưa chủ thể luật sư vào xử lý hình sự không có sự khảo sát đánh giá tác động tính nguy hại cho xã hội, cần điều chỉnh bằng chế tài hình sự hành vi này có mức độ nguy hại thế nào, có coi là tội phạm và phải bị trừng trị bằng biện pháp hình sự hay không và trong quá trình thực thi Bộ luật hình sự thì luật sư đã có những vi phạm phải xử lý như thế nào. Thứ ba, quy định này đẩy luật sư không những vi phạm điều cấm đối với luật sư của Bộ luật tố tụng hình sự, vi phạm Luật luật sư mà còn vi phạm quy tắc đạo đức nghề luật sư, như cấm luật sư tiết lộ bí mật của thân chủ, không làm xấu đi tình trạng của khách hàng do mình bào chữa. Thứ tư, quy định này là vi hiến và xung đột với Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015. Cụ thể, Điều 73 quy định người bào chữa không được tiết lộ thông tin về vụ án về người bị buộc tội mà mình bào chữa, nhưng Điều 19, dự thảo sửa đổi Bộ luật hình sự lại quy định người bào chữa phải tố giác tội phạm người do chính mình bào chữa trong khi thực hiện việc bào chữa".
"Điều 19 còn làm đảo lộn giá trị nghề luật sư trong xã hội vì bản chất nghề luật sư là bào chữa, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người dân. Luật sư đi tố giác thân chủ khác nào cha đạo đi tố con chiên vừa xưng tội. Nếu không thực hiện Điều 19 Bộ luật hình sự thì luật sư có thể phạm tội hình sự. Nếu thực hiện Điều 19, tố giác thân chủ, luật sư có thể bị thân chủ tố ngược là vu khống, trớ trêu thay quy định này còn đẩy luật sư từ chỗ đang thực thi nhiệm vụ bào chữa cho thân chủ theo đúng quy định của pháp luật, bỗng dưng lại trở thành người bị tình nghi phạm tội, nhảy sang vị trí cùng với thân chủ khi bị xác minh xem xét trách nhiệm hình sự do không tố giác tội phạm", Đại biểu Chiến cho biết.
Đại biểu Đỗ Ngọc Thịnh (Khánh Hòa) đồng tình với luật sư Nguyễn Chiến khi trình bày các căn cứ về việc không tố giác tội phạm của luật sư tham gia các vụ án hình sự.
"Quan điểm cá nhân tôi đề nghị những tội phạm xâm phạm an ninh quốc gia và tội phạm đặc biệt nghiêm trọng thì vẫn có thể phải chịu trách nhiệm hình sự nhưng chúng tôi đề nghị vì các tội này quá rộng, tới 84 tội thì không có luật sư nào có thể biết hết được và rất dễ dẫn đến việc "tai nạn nghề nghiệp" của luật sư. Việc quy định như vậy không chỉ ảnh hưởng tới các luật sư tham gia bào chữa mà nó ảnh hưởng tới cả đội ngũ luật sư và nghề luật sư. Tôi đề nghị cần khoanh lại những tội phạm nào mà luật sư cần tố giác tội phạm", Đại biểu Đỗ Ngọc Thịnh cho biết.
Đại biểu Trương Trọng Nghĩa (TP Hồ Chí Minh) đồng tình với ý kiến của luật sư Nguyễn Văn Chiến, luật sư Đỗ Ngọc Thịnh đã phát biểu về Điều 19 không tố giác tội phạm.
"Luật chúng ta lại đánh đồng người bào chữa là luật sư và người bào chữa không là luật sư. Người bào chữa là luật sư thì họ chịu chi phối bởi rất nhiều điều. Trong khi những người bào chữa khác thì không phải chịu sự chi phối đó. Do đó, cụm từ "người bào chữa" chịu ảnh hưởng rất nhiều và đối với người luật sư tham gia bào chữa thì trách nhiệm và ràng buộc hết sức nặng nề. Tôi có những băn khoăn như luật sư mà tố giác thân chủ thì có thể vi phạm nguyên tắc suy đoán vô tội. Tố giác không có bằng chứng hay dựa vào lời khai nào đó của họ thì anh lại vi phạm nghĩa vụ công dân của nghề nghiệp. Luật sư tố giác thân chủ có thể vi phạm quyền con người của bị can, bị cáo. Luật sư đi tố giác thân chủ là trái với lương tâm và đạo đức nghề nghiệp vì phản bội lại niềm tin của bị can, bị cáo, trái với thiên chức của luật sư là gỡ tội. Quy định này có thể ảnh hưởng đến môi trường đầu tư, kinh doanh của Việt Nam trong quá trình hội nhập bởi doanh nhân hay công nhân nước ngoài có thể nói với nhau hãy cảnh giác khi sử dụng luật sư Việt Nam vì họ có nghĩa vụ tố giác thân chủ, vì nếu không chính họ sẽ bị khởi tố hình sự. Quy định này mâu thuẫn với Điều 73, Khoản 2, Điểm g của Bộ luật tố tụng hình sự quy định người bào chữa không được tiết lộ thông tin về người bị buộc tội mà mình biết được trong khi thực hiện việc bào chữa...", Đại biểu Trương Trọng Nghĩa cho hay.
Đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) thì thẳng thắn đề nghị bỏ Khoản 3 điều này và miễn trừ trách nhiệm hình sự đối với những người bào chữa.
"Không có bất cứ quy định nào loại trừ cho người bào chữa"
Tranh luận với các đại biểu về việc cần loại trừ hoàn toàn trách nhiệm hình sự của người bào chữa trong trường hợp không tố giác tội phạm, kể cả không tố giác tội phạm là tội xâm phạm an ninh quốc gia và tội đặc biệt nghiêm trọng của thân chủ mình, Đại biểu Nguyễn Thị Thủy (Bắc Kạn) bày tỏ sự không đồng ý với đề xuất của các đại biểu phát biểu nêu trên.
Theo Đại biểu Nguyễn Thị Thủy: "Chúng ta cần xem xét lại suốt chiều dài lịch sử phát triển của đất nước ta, từ thời kỳ phong kiến đến nay, đối với tội trước đây thời kỳ phong kiến trong các bộ luật của nhà nước phong kiến đều nói tội "bất trung", tội "đại nghịch" luôn luôn được xem là tội nặng nhất cần trừng trị. Mà hiện nay, trong bộ luật của chúng ta gọi là các tội xâm phạm an ninh quốc gia. Đối với những tội này, không thể lấy bất kỳ lí do nào, kể cả lí do về hoạt động nghề nghiệp để cho rằng phải bảo vệ việc này. Chúng tôi cho rằng nếu như người bào chữa trong quá trình thực hiện hoạt động bào chữa của mình mà biết thân chủ của mình đã phạm vào các tội xâm phạm an ninh quốc gia, phạm vào các tội khủng bố, tội gián điệp, phạm vào tội phản bội Tổ quốc mà không tố giác vì lý do nghề nghiệp, chúng tôi cũng đặt một vấn đề, một câu hỏi ở đây, nếu như bao che cho những tội phạm này thì liệu có còn quốc gia nữa hay không để chúng ta yên tâm phát triển nghề nghiệp dù đấy là bất kỳ nghề nghiệp nào, không nói đấy là nghề bào chữa".
Đại biểu Nguyễn Thị Thủy cũng cho rằng, cần nhìn lại chính sách hình sự của nhà nước ta đối với vấn đề này hiện nay. Hiện nay, đối với tội không tố giác tội phạm đang được quy định trong Bộ luật hình sự năm 1999 mà chúng ta đang áp dụng và chờ Bộ luật hình sự năm 2015 sửa, đang áp dụng đối với tội không tố giác tội phạm được quy định như sau: "Người nào biết rõ một người đang thực hiện tội phạm, chuẩn bị thực hiện một tội phạm, đã thực hiện một tội phạm mà không tố giác hành vi phạm tội đó thì phải chịu trách nhiệm hình sự". Điều luật chỉ loại trừ là đối với những người ruột thịt của người phạm tội là bố mẹ, vợ chồng, con, ông bà, cháu ruột thì chỉ được loại trừ trách nhiệm hình sự đối với tội không tố giác tội phạm. Trường hợp nếu như tội không tố giác này là tội xâm phạm an ninh quốc gia, là tội đặc biệt nghiêm trọng khác thì cũng không được loại trừ trách nhiệm hình sự. Kể cả những người thân thiết ruột thịt nhất của người phạm tội nếu như anh không tố giác vào nhóm tội xâm phạm an ninh quốc gia, không tố giác vào tội đặc biệt nghiêm trọng thì cũng bị nhà nước xử lý về tội không tố giác tội phạm.
"Đối với người bào chữa thì theo quy định của Bộ luật hình sự năm 1999 mà chúng ta đang áp dụng hiện nay thì không có bất kỳ một sự loại trừ nào đối với người bào chữa. Mặc dù chính sách với người bào chữa chúng ta áp dụng như với những người thông thường như vậy, nhưng môi trường đầu tư của chúng ta ngày càng được cải tiến và tạo niềm tin đối với các nhà đầu tư. Vấn đề thứ ba, chúng ta cũng nhìn lại quá trình sửa Bộ luật hình sự năm 2015. Khi sửa bộ luật năm 2015 thì Chính phủ có trình một phương án quy định người bào chữa được miễn hoàn toàn trách nhiệm hình sự đối với tội không tố giác tội phạm, tức là còn hơn cả người ruột thịt. Người ruột thịt thì còn phải chịu trách nhiệm hình sự đối với tội an ninh quốc gia, đối với các tội đặc biệt nghiêm trọng. Phương án của Chính phủ trình là miễn hoàn toàn trách nhiệm hình sự và phương án này đã được Ủy ban thường vụ quyết định, xin ý kiến nhân dân. Qua kết quả lấy ý kiến nhân dân của 63/63 các tỉnh, thành phố, hầu hết ý kiến của nhân dân các tỉnh, thành phố, cơ quan từ trung ương đến địa phương đều phản đối ý kiến này. Thậm chí các ý kiến còn đề nghị phải quay trở lại với Bộ luật hình sự 1999 là chỉ có loại trừ cho người ruột thịt thôi thì đấy là ý kiến của nhân dân", Đại biểu Thủy nói.
"So với Bộ luật hình sự 2015 mà chúng ta đang thảo luận hiện nay với Bộ luật hình sự năm 1999 là đã có sự thu hẹp một cách rất đáng kể phạm vi chịu trách nhiệm hình sự của người bào chữa. Cụ thể, nếu như theo Bộ luật hình sự 1999, người bào chữa sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự về tội không tố giác tội phạm đối với 317 tội. Thế nhưng với việc thu hẹp phạm vi của Bộ luật 2015, người bào chữa chỉ còn phải chịu trách nhiệm hình sự đối với 83 tội mà không phải như là 317 tội như trước đây", Đại biểu Thủy phát biểu.
"Ý kiến của chúng tôi đại diện cho gần 10 ngàn luật sư"
Tranh luận lại lời Đại biểu Nguyễn Thị Thủy, Đại biểu Trương Trọng Nghĩa cho biết: "Ý kiến của chúng tôi đã được trao đổi rộng rãi trong giới luật sư, những băn khoăn, lo lắng. Những ý kiến này là đại diện cho gần 10 ngàn luật sư hiện đang hành nghề ở Việt Nam. Tôi rất thất vọng và không đồng tình với việc chúng ta so sánh lấy những điều gì đó của thời phong kiến để nói về tội bất trung. Hiến pháp của chúng ta sau mấy lần sửa đổi đã đưa quyền con người như một định chế phổ quát và cam kết của Nhà nước Việt Nam. Hiến pháp cũ không có nhà nước pháp quyền, sau này chúng ta đưa vào nhà nước pháp quyền, chúng ta đưa nguyên tắc suy đoán vô tội. Quyền con người là không khai những điều bất lợi cho mình và quyền có luật sư bào chữa, đồng thời quyền không buộc phải nhận tội. Tất cả những điều này thể hiện những bước tiến rất lớn của cải cách tư pháp để Việt Nam hòa nhập một cách bình đẳng vào cộng đồng quốc tế. Nếu chúng ta làm khác đi hoặc chúng ta thu hẹp quá thì nó sẽ ảnh hưởng đến quan hệ đối ngoại, ảnh hưởng đến quá trình hội nhập, ảnh hưởng đến thu hút đầu tư của chúng ta".
"Chúng tôi không đồng ý nói cho luật sư được hưởng quyền của người thân thích. Người thân thích phải được đối xử như người thân thích và luật sư phải được đối xử như luật sư, không phải cho luật sư được hưởng giống như người thân thích. Chỗ này là một nhận thức sai về vai trò của luật sư trong hệ thống tư pháp. Sở dĩ chúng tôi yêu cầu như vậy vì chúng tôi ý thức được vai trò của luật sư trong quá trình cải cách tư pháp, trong Hiến pháp, trong các bộ luật hiện hành của chúng ta, luật sư không phải là như bố, mẹ, họ có đặc thù của họ, có quyền riêng của họ, quyền đó cũng không bác bỏ nhưng quyền luật sư lại là quyền khác. Luật sư, Luật Luật sư yêu cầu luật sư phải góp phần bảo vệ công lý và luật sư là một bộ phận đặc thù trong hệ thống tư pháp, từ đó mới ra những nguyên tắc như chúng tôi đề xuất", Đại biểu Trương Trọng Nghĩa nói.
"Theo Điều 19 thì những hành vi tội phạm đang diễn ra và sẽ diễn ra, tức là đang được chuẩn bị, luật sư đâu có được miễn, chỉ miễn những hành vi đã xảy ra, những tội phạm đã xảy ra. Ví dụ người đó nói "Tôi đang chuẩn bị phạm tội đây!" hoặc "Tôi sắp chuẩn bị phạm tội đây!" mà có căn cứ nếu luật sư không tố giác thì luật sư không được miễn trừ. Chính vì vậy, tôi đề nghị nên nhìn nhận vấn đề lại, khác đi và tôi đề nghị ý thức lại rằng để đạt được thành tựu ngày nay trong những quy định đối với luật sư, đối với quyền có người bào chữa bị can bị cáo là một thành tựu rất lớn trong cải cách tư pháp của chúng ta, của Đảng và Nhà nước ta trong vòng mười mấy năm qua. Chúng tôi đề xuất những ý kiến này không phải dựa trên quyền lợi của luật sư mà chính là ý thức trách nhiệm đối với nền tư pháp của nước nhà", Đại Biểu Trương Trọng Nghĩa nói.