Đêm 28/5, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dẫn đầu Đoàn đại biểu cấp cao Chính phủ Việt Nam rời Hà Nội, lên đường thăm chính thức Hoa Kỳ từ ngày 29 tới 31/5 theo lời mời của Tổng thống Donald Trump. Một trong những mục tiêu chính của chuyến thăm là nhằm định hình khuôn khổ mới cho hợp tác Việt - Mỹ dưới thời Tổng thống Donald Trump.
|
Cán bộ Đại sứ quán Việt Nam tại Nhật Bản vui mừng chào đón Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc quá cảnh trên đường thăm Mỹ - Ảnh Đại sứ quán Việt Nam tại Nhật Bản.
|
Tham gia đoàn có Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường, Thứ trưởng các Bộ: Quốc phòng, Ngoại giao, Khoa học và Công nghệ, Đại sứ Việt Nam tại Mỹ Phạm Quang Vinh, Đại sứ, Trưởng Phái đoàn Việt Nam tại Liên Hiệp Quốc Nguyễn Phương Nga, đại diện Ủy ban Đối ngoại và Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội.
Tháp tùng Thủ tướng thăm Mỹ còn có phái đoàn doanh nghiệp gồm đại diện gần 100 tập đoàn, công ty lớn của Việt Nam.
Đây là chuyến thăm chính thức tới Mỹ đầu tiên của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trên cương vị Thủ tướng Chính phủ và là tiếp xúc đầu tiên giữa một lãnh đạo cấp cao Việt Nam với Tổng thống Mỹ Donald Trump kể từ khi cả hai nước có Ban Lãnh đạo mới. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc là nhà lãnh đạo đầu tiên ở Đông Nam Á thăm Mỹ từ khi ông Donald Trump trở thành tổng thống.
Trên đường thăm Mỹ, sáng 29/5, Đoàn đại biểu cấp cao Chính phủ Việt Nam do Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dẫn đầu đã quá cảnh Nhật Bản.
Ngày 31/5, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc sẽ là lãnh đạo ASEAN đầu tiên hội đàm với Tổng thống Donald Trump tại Nhà Trắng. Trong khuôn khổ chuyến thăm Mỹ từ ngày 29 đến 31/5, Thủ tướng cũng sẽ gặp gỡ một số nghị sĩ và bộ trưởng Mỹ, dự tọa đàm và gặp gỡ các doanh nghiệp Mỹ, phát biểu tại Quỹ Di sản, gặp gỡ cộng đồng người Việt Nam tại Mỹ. Cũng trong thời gian thăm Mỹ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc sẽ thăm TP New York, gặp Tổng Thư ký Liên Hiệp Quốc Antonio Guterres và dự lễ kỷ niệm 40 năm Việt Nam gia nhập Liên Hiệp Quốc.
Quan hệ Việt Nam - Mỹ thời gian qua đã có những bước tiến triển nhanh chóng và toàn diện theo những định hướng của quan hệ đối tác toàn diện Việt Nam - Mỹ năm 2013, Tuyên bố về tầm nhìn chung nhân chuyến thăm lịch sử tới Mỹ của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng vào tháng 7/2015 và Tuyên bố chung Việt Nam - Mỹ nhân chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Mỹ Barack Obama tháng 5/2016.
Từ năm 2005, Mỹ đã trở thành một trong những đối tác thương mại hàng đầu của Việt Nam. Kim ngạch thương mại hai chiều tăng trưởng liên tục ở mức 20% trong những năm gần đây, ước đạt 53 tỉ USD năm 2016, trong đó Việt Nam tiếp tục xuất siêu 30,9 tỉ USD. Đến tháng 11/2016, Mỹ xếp thứ 8/112 quốc gia và vùng lãnh thổ có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tại Việt Nam với 815 dự án - tổng vốn đăng ký 10,07 tỉ USD; đồng thời xếp thứ 9/68 quốc gia tiếp nhận FDI của Việt Nam với 147 dự án.
|
Cán bộ Đại sứ quán Việt Nam tại Nhật Bản vui mừng chào đón Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc quá cảnh trên đường thăm Mỹ - Ảnh Đại sứ quán Việt Nam tại Nhật Bản.
|
TS Trần Việt Thái, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược, Học viện Ngoại giao, đánh giá chuyến thăm này mang 4 ý nghĩa. Thứ nhất, chuyến thăm khẳng định đường lối đối ngoại độc lập, rộng mở, đa phương hóa, đa dạng hóa và hội nhập quốc tế của Việt Nam. Thứ hai, chuyến thăm sẽ giúp duy trì đà phát triển của quan hệ Việt - Mỹ mà hai bên đã đạt được, nhất là sau chuyến thăm Việt Nam của cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama. Thứ ba, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc sẽ trực tiếp mời ông Donald Trump sang Việt Nam dự Tuần lễ Cấp cao APEC (Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương). Thứ tư, chuyến thăm nhằm xử lý một số vấn đề phát sinh, nhất là sau khi Mỹ có chính quyền mới, và định hình một khuôn khổ hợp tác, xây dựng lòng tin với Mỹ trong nhiệm kỳ của ông Trump, vì lợi ích của hai bên và vì hòa bình, ổn định của khu vực.
Chuyến đi nhằm thúc đẩy toàn diện quan hệ Việt - Mỹ, duy trì đà quan hệ song phương đang rất tốt đẹp chứ không chỉ là vấn đề thương mại. Về chính trị, ý nghĩa quan trọng nhất của chuyến thăm là duy trì tiến trình xây dựng lòng tin giữa hai bên và định hình khuôn khổ hợp tác mới dưới thời Tổng thống Donald Trump. Về kinh tế - thương mại, chuyến thăm có 2 thông điệp quan trọng. Thông điệp thứ nhất là Việt Nam tiếp tục mở cửa, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh để mời gọi các doanh nghiệp Mỹ vào Việt Nam, và định hình một khung hợp tác mới, sau khi Mỹ rút khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), nhằm thúc đẩy hợp tác đầu tư - thương mại giữa hai bên.
Chuyến thăm cũng nhằm thúc đẩy an ninh biển và hợp tác quốc phòng lên mức độ mới, cũng như thúc đẩy giao lưu nhân dân. Việc Mỹ vừa bàn giao một số tàu tuần tra cho Việt Nam truyền đi một thông điệp mạnh mẽ rằng Mỹ sẽ tiếp tục cam kết trợ giúp Việt Nam xây dựng năng lực trên biển như năng lực thực thi pháp luật trên biển, cứu hộ, cứu nạn… Về hợp tác quốc phòng, phía Mỹ muốn thúc đẩy lĩnh vực này, nhưng cụ thể như thế nào thì hai bên cần bàn thêm.