Lừa đảo chiếm đoạt hàng tỷ đồng, người phụ nữ phải trả giá đắt

Google News

Vừa qua, TAND tỉnh Nghệ An đã mở phiên tòa hình sự xét xử sơ thẩm bị cáo Trần Thị Oanh (SN 1970, trú xã Thanh Mỹ, huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An) về tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản".

Tham dự phiên tòa, có rất đông các nạn nhân đã bị Trần Thị Oanh lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Chỉ vì cần tiền để chữa trị bệnh cho chồng, cho con và chi tiêu cá nhân mà Trần Thị Oanh đã bất chấp mọi thủ đoạn để lừa những người dân nghèo mang tiền đến “cống nạp” cho mình. Sau khi lừa được 84 người dân sập bẫy với số tiền lên đến hơn 3,8 tỷ đồng, Trần Thị Oanh đã tuyên bố vỡ nợ.
Theo cáo trạng của Viện KSND tỉnh Nghệ An, vào năm 2016, lúc thời điểm phường, hụi ở Nghệ An đang lên ngôi, Trần Thị Oanh đã nghĩ ra một loại phường do mình làm chủ để lừa đảo đó là hình thức "phường trồng".
Với lời quảng cáo càng tham gia nhiều suất phường sẽ được tính lãi càng cao, Trần Thị Oanh đã lần lượt dụ dỗ nhiều người dân tham gia đóng tiền phường. Để tham gia "phường trồng" người tham gia sẽ phải gắn liền với 1 phường có lãi cụ thể để làm căn cứ. Số tiền "trồng" được tính bằng số suất tham gia phường có lãi nhân với số tiền đóng mỗi suất/tháng của phường có lãi.
Lua dao chiem doat hang ty dong, nguoi phu nu phai tra gia dat
 Bị cáo Trần Thị Oanh tại phiên tòa xét xử.
Nhằm tạo lòng tin và đánh vào tâm lý hám lời của người chơi, Oanh đã “nổ” là khi cần có thể bán lại suất “phường trồng” của mình cho Oanh với giá cao. Ngoài ra, số lãi người chơi "phường trồng" được hưởng gần như cao gấp đôi so với phường có lãi, gồm lãi suất ban đầu và lãi suất hàng tháng. Sau khi phường có lãi đi hết, vào thời điểm phường có lãi đi đến suất cuối cùng thì người đi "phường trồng" sẽ được Oanh trả lại số tiền ban đầu đã nộp, gọi là "thổ ống".
Thấy lãi suất cao lại tin tưởng Oanh, không chỉ rất nhiều người dân ở xã Thanh Mỹ mà các vùng phụ cận, mọi người đều đua nhau tham gia làm phường viên và dốc hết tiền để đóng cho Oanh. Để lôi kéo người chơi, lúc đầu, Oanh trả lãi cao và rất sòng phẳng nên mọi người đều rất tin tưởng.
Không chỉ lừa đảo những người khỏe mạnh, kinh tế khấm khá mà ngay cá những người có hoàn cảnh éo le, gia cảnh khó khăn, bản thân ốm đau, bệnh tật, Oanh cũng tìm cách dụ dỗ để chiếm đoạt. Có những người cả đời chắt bóp, tằn tiện, đến cuối đời góp được số vốn ít ỏi cũng mang đến nộp cho Oanh với hi vọng kiếm được đồng lãi sống qua ngày đoạn tháng.
Bên cạnh đó, còn có rất nhiều người đến lượt bốc phường nhưng không nhận tiền về mà tiếp tục để lại cho chủ phường, chỉ nhận về tiền lãi. Thế rồi, khi số tiền "phường trồng" lên đến hàng tỷ đồng thì Trần Thị Oanh tuyên bố vỡ nợ khiến nhiều người tham gia mất trắng cả hàng trăm triệu đồng, nhiều gia đình đã bị đẩy vào con đường cùng cực, bế tắc.
Sau quá trình điều tra, tìm hiểu, cơ quan chức năng kết luận, từ ngày 3/2/2016 đến tháng 7/2017, Trần Thị Oanh đã lừa đảo 84 nạn nhân và chiếm đoạt hơn 3,8 tỷ đồng. Trong đó người tham gia ít nhất là 3 triệu đồng, người nhiều nhất gần 300 triệu đồng.
Tại phiên tòa diễn ra vào 2 ngày mồng 9 và 10/4/2019, Trần Thị Oanh đã thừa nhận toàn bộ hành vi phạm tội của mình. Oanh cho biết, số tiền chiếm đoạt được của các nạn nhân đã được bị cáo sử dụng để chữa bệnh hiểm nghèo cho chồng, chữa bệnh tâm thần cho con trai và chi tiêu cá nhân.
Cũng tại phiên tòa, Oanh đã gửi lời xin lỗi tới các bị hại, hứa sẽ cố gắng cải tạo tốt để được trở về lao động trả lại tiền cho các bị hại. Đồng thời, bị cáo cũng mong muốn nhận được sự khoan hồng của pháp luật để sớm có cơ hội trở về chăm sóc đứa con tật nguyền. Sau khi xem xét toàn bộ vụ án, HĐXX tuyên phạt Trần Thị Oanh 16 năm tù, buộc bị cáo phải bồi thường toàn bộ số tiền đã chiếm đoạt cho các bị hại.
Đây là bài học đắt giá dành cho những kẻ muốn kiếm tiền nhanh chóng bằng con đường phi pháp, bất chấp “luân thường đạo lý” sớm muộn cũng sẽ bị pháp luật trừng trị và phải trả giá đắt cho lỗi lầm mình đã gây ra.
Theo Hoàng Minh/Công Lý

>> xem thêm

Bình luận(0)