Luật sư Nguyễn Văn Đức:
Tước vĩnh viễn giấy phép lái xe đối với tài xế sử dụng ma túy
Tôi hoàn toàn đồng tình với đề xuất của Thủ tướng chính phủ về việc tăng nặng mức xử lý vi phạm giao thông. Theo tôi, nên quy định tước vĩnh viễn giấy phép lái xe đối với người điều khiển phương tiện giao thông đường bộ sử dụng chất ma túy. Bởi lẽ, cần phải khẳng định việc sử dụng ma túy không chỉ là hành vi vi phạm pháp luật mà còn tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông, xâm phạm đến tính mạng, sức khỏe của người khác và chính bản thân người vi phạm.
Thời gian qua, trên cả nước đã xảy ra nhiều vụ tai nạn giao thông gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, nhiều người chết, bị thương tật, mất hoàn toàn khả năng lao động là sự tổn thất rất lớn cho xã hội và gia đình các nạn nhân. Do vậy, cần phải xử lý nghiêm đối với những hành vi này.
Khoản 7 và 8, điều 8 Luật Giao thông đường bộ quy định các hành vi bị nghiêm cấm khi tham gia giao thông: Điều khiển phương tiện giao thông đường bộ mà trong cơ thể có chất ma túy.
Đối với việc sử dụng ma túy khi tham gia giao thông, đây là hành vi bị nghiêm cấm theo Luật Giao thông đường bộ và khoản 11 điều 5, khoản 11 điều 6 và khoản 8 điều 7 Nghị định 46/2016/NĐ-CP ngày 26-5-2016 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, người tham gia giao thông bị tước giấy phép lái xe từ 22 đến 24 tháng hoặc bị phạt tiền từ 3 triệu đồng đến 18 triệu đồng đối với trường hợp không có giấy phép lái xe hoặc có nhưng đang bị tước có thời hạn.
Dù đã có chế tài nhưng tình trạng người sử dụng ma túy khi điều khiển phương tiện giao thông vẫn không giảm. Qua các cao điểm kiểm tra tài xế sử dụng ma túy, lực lượng chức năng đã phát hiện rất nhiều trường hợp - nhất là tài xế ô tô đường dài, xe container - sử dụng ma túy.
Theo tôi, đối với người sử dụng ma túy thì tuyệt đối không cho điều khiển giao thông, nếu bị phát hiện thì phải áp dụng chế tài thật nặng, ngoài việc phạt tiền là hình thức xử phạt chính thì hình thức phạt bổ sung là tước vĩnh viễn giấy phép lái xe.
Ngoài ra, để hạn chế tai nạn giao thông như vừa qua, các cơ quan có thẩm quyền cần siết chặt khâu đào tạo, sát hạch lái xe. Hiện nay, việc đào tạo và sát hạch lái xe còn nhiều kẻ hở và là một trong những nguyên nhân dẫn đến tai nạn giao thông.
Ông Nguyễn Văn Thanh, nguyên chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô:
Truy cứu trách nhiệm chủ doanh nghiệp liên quan
Hiện pháp luật có các quy định xử phạt hành chính chủ doanh nghiệp khi tài xế để xảy ra tai nạn nghiêm trọng. Vì vậy, vấn đề chưa được giải quyết tận gốc. Không thể để cá nhân, tổ chức thành lập doanh nghiệp xong tùy ý tuyển dụng tài xế rồi "khoán trắng" cho họ.
Do đó, cơ quan chức năng cần truy trách nhiệm hình sự chủ doanh nghiệp thuê người điều khiển phương tiện gây tai nạn giao thông.
|
Nữ tài xế xe BMW gây tai nạn liên hoàn ở ngã tư Hàng Xanh vào tối 21-10-2018 phải ra tòa. |
Mời quý vị xem video: 10 vụ tai nạn xe tải kinh hoàng nhất
Luật sư Trần Minh Tuấn, Đoàn Luật sư TP HCM:
Biết tài xế nghiện ma túy nhưng vẫn sử dụng?
Bộ Luật Hình sự 2015, điều 263 có quy định về hành vi điều động người không đủ điều kiện điều khiển các phương tiện tham gia giao thông đường bộ. Cụ thể, người có thẩm quyền mà biết rõ người không có giấy phép lái xe, không đủ sức khỏe, độ tuổi để điều khiển phương tiện, người đang trong tình trạng có sử dụng rượu, bia hoặc có sử dụng chất ma túy, hay chất kích thích…mà vẫn điều động người đó điều khiển các phương tiện tham gia giao thông đường bộ thì bị phạt tiền từ 20-100 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 1-3 năm.
Tuy nhiên, việc xử lý chủ phương tiện về tội danh này không đơn giản. Bởi luật quy định chủ phương tiện phải biết rõ lái xe sử dụng chất ma túy nhưng vẫn điều động lái xe thì mới phạm tội. Trong khi đó, việc xác định họ có "biết rõ" hay không thì không hề dễ.