Lò chống tham nhũng là cuộc đấu tranh không ngừng nghỉ

Google News

"Thực tế đã chứng minh phòng chống tham nhũng là cuộc đấu tranh không ngừng nghỉ, sắp tới chắc chắn sẽ đẩy mạnh hơn nữa", ông Nguyễn Xuân Thắng - Bí thư Trung ương Đảng nói.

Trước thềm Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, trả lời câu hỏi về công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng (PCTN) trong nhiệm kỳ XIII, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng nhắc lại quan điểm của Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng.
Đó là cuộc đấu tranh PCTN không có vùng cấm, không có ngoại lệ, không có điểm dừng và trên tất cả lĩnh vực, kể cả đấu tranh PCTN trong các cơ quan chống tham nhũng và lĩnh vực chính trị.
Ông Nguyễn Xuân Thắng (Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh) nói thêm việc đấu tranh PCTN đã được khẳng định trong văn kiện. Đó là: Đảng đã lãnh đạo, chỉ đạo toàn diện, đi vào chiều sâu, không có vùng cấm, không có ngoại lệ.
“Thực tế đã chứng minh đây là cuộc đấu tranh không ngừng nghỉ, sắp tới chắc chắn sẽ đẩy mạnh hơn nữa. Song, cần chú trọng phòng ngừa, không để sai phạm mới xử lý mà cần có chế tài cụ thể”, ông Thắng nhấn mạnh.
Không để sai phạm mới xử lý
Theo ông Nguyễn Xuân Thắng, đấu tranh PCTN là sự nghiệp của cả hệ thống chính trị, nhân dân tham gia cùng Đảng. Vì vậy, cần làm tốt công tác tuyên truyền để những người trong hệ thống “không thể, không dám tham nhũng”.
Cùng với PCTN, công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng cần được tiếp tục để mang lại môi trường, huy động các nguồn lực cho phát triển.
Nhìn lại nhiệm kỳ Đại hội XII, cuộc đấu tranh PCTN thực sự quyết liệt từ tháng 6/2016 - khi Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng tái đắc cử chưa đầy 5 tháng. Khi đó, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã yêu cầu Ủy ban Kiểm tra Trung ương vào cuộc, làm rõ vụ việc Trịnh Xuân Thanh (Phó chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang), sử dụng xe tư nhân gắn biển số xanh.
Vụ việc đánh dấu bước khởi đầu cho công tác kiểm tra Đảng và cũng là “phát súng đầu tiên” cho cuộc chiến chống tham nhũng nhiệm kỳ Đại hội XII.
"Phòng chống tham nhũng là cuộc đấu tranh không ngừng nghỉ, sắp tới chắc chắn sẽ đẩy mạnh hơn nữa", ông Nguyễn Xuân Thắng - Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh nói.
Từ đó cho đến hết 5 năm của nhiệm kỳ XII, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng luôn quán triệt công tác PCTN “không có vùng cấm, không có ngoại lệ”.
“Ai bàn lùi thì đứng sang một bên cho người khác làm”, Tổng bí thư nhiều lần chia sẻ quan điểm trong các cuộc tiếp xúc cử tri và cuộc họp của Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN.
Từ quyết tâm này, PCTN trở thành một trong những dấu ấn nổi bật của nhiệm kỳ Đại hội XII.
Nhiều vụ việc, vụ án tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm đã được điều tra, khởi tố, truy tố và xử lý công khai; có tác dụng cảnh tỉnh, răn đe mạnh mẽ đối với cán bộ, đảng viên; đồng thời, khẳng định quyết tâm của lãnh đạo Đảng, Nhà nước.
“Trong nhiệm kỳ Đại hội XII của Đảng, công tác đấu tranh PCTN đã được lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, bài bản, đi vào chiều sâu, có bước tiến mạnh, đạt nhiều kết quả cụ thể rất quan trọng, toàn diện, rõ rệt, để lại dấu ấn tốt, tạo hiệu ứng tích cực, lan toả mạnh mẽ trong toàn xã hội và thực sự đã trở thành phong trào, xu thế", Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh.
Không còn khái niệm "hạ cánh an toàn"
Nhờ tham nhũng từng bước được kiềm chế, niềm tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân đối với Đảng, Nhà nước cũng tăng lên. Từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XII đến nay, hơn 87.000 cán bộ, đảng viên đã bị kỷ luật; trong đó, trên 3.200 đảng viên bị kỷ luật liên quan đến tham nhũng.
Các cơ quan có thẩm quyền đã thi hành kỷ luật 113 cán bộ thuộc diện Trung ương quản lý (27 ủy viên Trung ương Đảng, nguyên ủy viên Trung ương Đảng, 4 ủy viên Bộ Chính trị, nguyên ủy viên Bộ Chính trị, hơn 30 sĩ quan cấp tướng trong lực lượng vũ trang). Đây là bước đột phá trong công tác kiểm tra, kỷ luật của Đảng.
Lo chong tham nhung la cuoc dau tranh khong ngung nghi
Thống kê số lượng cán bộ, đảng viên bị kỷ luật từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XII. Đồ họa: Hà My - Hoài Thu. 
Từ năm 2013 đến nay, qua công tác thanh tra, kiểm toán, các cơ quan đã kiến nghị thu hồi, xử lý tài chính hơn 700.000 tỷ đồng, hơn 20.000 ha đất; kiến nghị xử lý trách nhiệm hơn 14.000 tập thể, nhiều cá nhân; chuyển cơ quan điều tra xử lý gần 700 vụ việc có dấu hiệu tội phạm.
Theo báo cáo, từ năm 2013 đến nay, các cơ quan tố tụng trên cả nước đã khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử sơ thẩm hơn 11.700 vụ án tham nhũng, chức vụ, kinh tế, trong đó có 1.900 vụ án tham nhũng, với gần 4.400 bị cáo.
Bên cạnh việc tập trung chỉ đạo xử lý nghiêm các sai phạm, công tác thu hồi tài sản tham nhũng cũng có nhiều chuyển biến tích cực. Việc kê biên, thu giữ tài sản trong nhiều vụ án tham nhũng, kinh tế nghiêm trọng đạt khá cao.
Tỷ lệ thu hồi tài sản tham nhũng trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế được nâng lên rõ rệt. Nếu như năm 2013, tỷ lệ thu hồi tài sản tham nhũng trong giai đoạn thi hành án chỉ đạt dưới 10%, thì bình quân giai đoạn 2013-2020 đạt 32,04%.
Lo chong tham nhung la cuoc dau tranh khong ngung nghi-Hinh-2
Tại cuộc họp của Ban Bí thư Trung ương Đảng ngày 10/4/2018, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định thực tế cho thấy không phải như một số dư luận lo ngại, chỉ có lo xây dựng Đảng, lo chống tham nhũng sẽ làm nhụt chí, mà ngược lại, chính làm tốt công tác xây dựng Đảng, phát huy ưu điểm, chống thoái hóa biến chất đã thúc đẩy các nhiệm vụ kinh tế - xã hội, quốc phòng an ninh, đối ngoại. Đồ họa: Phượng Nguyễn. 
Theo đại biểu Quốc hội Lê Thanh Vân, từ khóa XII, dưới sự lãnh đạo của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư và đứng đầu là Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, công cuộc chỉnh đốn Đảng, từ chỉnh đốn cán bộ đến chống tham nhũng và các hành vi vi phạm pháp luật là dấu ấn nổi trội nhất, thể hiện qua số cán bộ cấp cao bị kỷ luật lớn kỷ lục.
"Đó chính là điểm nhấn trong công tác phòng chống tham nhũng, xây dựng và chỉnh đốn Đảng trong khóa XII được toàn Đảng, toàn dân thừa nhận", ông Vân nói.
"Từ nay sẽ không còn khái niệm "hạ cánh an toàn" đối với bất kỳ ai", Nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương Vũ Quốc Hùng nói.
Theo nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương Vũ Quốc Hùng, trước đây người ta thường dùng cụm từ "hạ cánh an toàn" để nói về việc một số quan chức sau khi về hưu là hết trách nhiệm, kể cả lúc đương chức họ có sai phạm. Do không bị xử lý nghiêm khắc đã tạo nên tâm lý coi nhẹ pháp luật, chỉ lo vun vén cá nhân.
Song, ở nhiệm kỳ Đại hội XII, việc này đã thay đổi căn bản. Cán bộ dù đương chức hay về hưu nếu có sai phạm đều bị xử lý, kỷ luật nghiêm minh. Việc này không chỉ thể hiện sự nghiêm minh của kỷ luật Đảng, sự thượng tôn của pháp luật, mà giúp củng cố niềm tin trong nhân dân, là tiếng chuông cảnh tỉnh những người đã và đang có dấu hiệu sai phạm.
"Sự quyết liệt trong đấu tranh với tham nhũng nhiệm kỳ qua cho thấy từ nay sẽ không còn khái niệm 'hạ cánh an toàn' đối với bất kỳ ai. Chúng tôi kỳ vọng quyết tâm này sẽ được duy trì trong nhiệm kỳ Đại hội XIII với tinh thần vừa xây vừa chống", ông Hùng kỳ vọng.
Vị cán bộ lão thành cũng mong muốn lò chống tham nhũng đã được đốt lên trong nhiệm kỳ Đại hội XII sẽ tiếp tục lan tỏa sức nóng trong giai đoạn mới, để xây dựng được đội ngũ cán bộ trong sạch, luôn đặt lợi ích của đất nước và nhân dân lên trên hết.
Theo Hoài Thu/Zing

>> xem thêm

Bình luận(0)