Liên quan đến "
Nghi vấn chùa Ba Vàng truyền bá vong báo oán, thu lợi hàng trăm tỷ đồng mỗi năm", mới đây ô
ng Nguyễn Mạnh Hà - Chủ tịch UBND TP Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh - cho biết bà Phạm Thị Yến (SN 1970, Phật tử pháp danh Tâm Chiếu Hoàn Quán, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Cúc Vàng) lực lượng chức năng đã ra quyết định xử phạt hành chính về hành vi lợi dụng hoạt động thỉnh vong, gọi hồn để hành nghề mê tín dị đoan với mức phạt là 5 triệu đồng.
|
"Cô Yến" có những phát ngôn gây bức xúc trong dư luận về vụ việc nữ sinh Điện Biên. |
Theo ông Nguyễn Mạnh Hà, công an đang tập trung xác minh, thu thập tài liệu về việc bắt ma, thỉnh oan gia trái chủ và các hành vi trục lợi, vi phạm về sinh hoạt tôn giáo tại chùa Ba Vàng của bà Yến. Tuy nhiên, công an hiện vẫn chưa triệu tập bà này.
Ông Hà khẳng định các hoạt động sai trái xảy ra ở chùa nên trụ trì Thích Trúc Thái Minh cũng phải chịu trách nhiệm. UBND TP Uông Bí đã đề nghị cơ quan công an tiếp tục thu thập chứng cứ, thông tin rộng rãi đối với những ai thuộc đối tượng bị hại thì trình báo với cơ quan công an.
Chủ tịch TP Uông Bí nói thêm: "Đây là xử lý ban đầu và với khung hình phạt này thì đã xử lý hết khung. Các hành vi tiếp theo, chúng tôi đang xử lý và xin ý kiến cấp trên. Nếu có dấu hiệu vi phạm hình sự thì cơ quan công an củng cố chứng cứ để xử lý".
Với những hành vi như thuyết giảng truyền bá mê tín dị đoan, mượn việc gọi vong để nói với Phật tử phải "nộp tiền cho vong" của bà Yến khiến dư luận đặt câu hỏi: Liệu những hành vi này có dấu hiệu của tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản; hay Cưỡng đoạt tài sản hoặc tội danh nào khác không?
Trao đổi với PV Kiến Thức, luật sư Diệp Năng Bình (VP luật sư Tinh Thông Luật) cho biết: "Việc bà Yến sử dụng tên một vụ án hình sự man rợ để làm ví dụ nhằm mục đích trục lợi tạo dựng tên tuổi cho mình là một hành vi tàn ác, gây nguy hiểm cho xã hội và vi phạm pháp luật.
Việc này trái đạo lý làm người, gây hoang mang, bất ổn cho xã hội. Mỗi cá nhân có quyền tự do về tôn giáo, về tín ngưỡng, về quan niệm thế giới tâm linh nhưng chúng ta không được quyền lấy quan điểm của cá nhân mình áp đặt lên người khác, đặc biệt với người đã khuất và người yếu thế.
Việc phát biểu như vậy của bà Yến về nữ sinh giao gà bị hiếp - giết ở Điện Biên là gây đau lòng cho gia đình cô gái. Đặc biệt, một số phát ngôn đụng chạm đến cộng đồng người đồng tính vốn là những người yếu thế luôn cố gắng trong cuộc sống và rất cần sự cảm thông của xã hội."
|
Luật sư Diệp Năng Bình cho rằng việc hành nghề mê tín dị đoan có thể bị xử lý hình sự. |
Phân tích về việc bà Yến có dấu hiệu của tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản hay không? luật sư Bình cho rằng: "Bà Yến có dấu hiệu của tội Hành nghề mê tín dị đoan để thu lợi bất chính hơn là dấu hiệu của tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Bởi lẽ, ở đây các chủ thể tham gia vào việc giải oan này đều là những người có năng lực hành vi dân sự. Họ có quyền nhờ bà Yến giải oan hoặc không giải oan. Họ cũng có có niềm tin hoặc không tin vào việc này, muốn đưa tiền hoặc không đưa tiền cũng là việc của họ.
Chúng ta đứng ngoài cho rằng đó là lừa đảo, nhưng những người trong cuộc họ không nhận thấy như vậy. Họ không thấy tài sản của mình bị xâm phạm (bị hại) thì không thể nói là lừa đảo được."
Luật sư Bình cho biết thêm, trong trường hợp "người bị hại" không đứng ra tố cáo, thì những clip mà PV báo Lao Động ghi lại được trong quá trình thâm nhập, điều tra hoạt động cúng oan gia trái chủ, thu tiền Phật tử của chùa Ba Vàng không thể xử lý tội Lừa đảo được.
"Như tôi đã phân tích ở trên, đối với tội phạm thì ai cũng có quyền phát hiện và tố cáo. Nhưng mọi thứ phải tuân theo một thủ tục tố tụng hình sự, và người đó phải phạm một tội do Bộ luật hình sự thông qua bản án có hiệu lực pháp luật. Cá nhân tôi cho rằng không thể xử lý bà Yến tội lừa đảo được bởi lẽ còn tùy theo nhận thức của mỗi người về thế giới tâm linh" - luật sư Bình nói.