Bộ Chính trị đã ban hành Quy định số 96 về việc lấy phiếu tín nhiệm đối với chức danh, chức vụ lãnh đạo, quản lý trong hệ thống chính trị thay thế Quy định số 262. Để làm rõ những điểm mới trong Quy định 96, phóng viên VOV phỏng vấn PGS.TS Lê Văn Cường, Phó Viện trưởng Viện Xây dựng Đảng, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh.
PV: Ông đánh giá thế nào về những điểm mới của Quy định 96 so với Quy định 262, đặc biệt là quy định việc lấy phiếu tín nhiệm sẽ được tiến hành định kỳ?
Ông Lê Văn Cường: Quy định 96 là sự kế thừa, bổ sung và phát triển Quy định 262. Những gì quy định đang tốt thì tiếp tục kế thừa để làm cho tốt hơn; những gì còn thiếu, yếu thì quy định mới bổ sung.
Về thời hạn lấy phiếu tín nhiệm, trước kia Quy định 262 quy định lấy giữa nhiệm kỳ, thường là năm thứ 3. Còn ở Quy định 96 nói đây là hoạt động thường xuyên và được lấy định kỳ, có nghĩa là 6 tháng hoặc 1 năm, thậm chí lấy phiếu hàng năm chứ không nhất thiết là “xuân thu nhị kỳ” chỉ lấy một lần vào giữa nhiệm kỳ. Có những sai phạm diễn ra kéo dài, nhưng cũng có sai phạm diễn ra mang tính chất nhất thời, nếu cứ đợi giữa nhiệm kỳ mới lấy phiếu thì sẽ không sát, không đúng.
Vì vậy, một trong những điểm mới đáng lưu ý thì coi việc lấy phiếu là thường xuyên, như Bác Hồ từng nói là phải tiến hành phê bình và tự phê như rửa mặt hàng ngày.
Nếu việc này được tiến hành thường xuyên thì sẽ góp phần cảnh tỉnh những vi phạm, khuyết điểm của cán bộ, đảng viên mới xảy ra từ đầu, nếu được nhắc nhở, được cảnh báo thì có thể không dẫn đến hậu quả lớn, không dẫn đến những cái vi phạm trầm trọng.
Nói cách khác, chúng ta ngăn chặn, cảnh báo, phòng ngừa từ đầu thì sẽ không dẫn đến hậu quả mất việc, mất người và mất cán bộ, cũng như ảnh hưởng đến uy tín, thanh danh của Đảng.
PV: Quy định 96 nêu rõ, những trường hợp có trên 50% nhưng dưới 2/3 số phiếu tín nhiệm thấp thì cấp có thẩm quyền quản lý cán bộ đưa ra khỏi quy hoạch các chức vụ cao hơn; xem xét cho thôi giữ chức vụ đang đảm nhiệm, bố trí công tác khác hoặc cho từ chức hoặc tiến hành bỏ phiếu tín nhiệm theo quy định. Những trường hợp có từ 2/3 số phiếu tín nhiệm thấp trở lên thì cấp có thẩm quyền quản lý cán bộ thực hiện miễn nhiệm chức vụ đang đảm nhiệm và bố trí công tác khác (thấp hơn) mà không chờ đến hết nhiệm kỳ, hết thời hạn bổ nhiệm. Điều này sẽ tác động trực tiếp như thế nào trong việc nâng cao chất lượng công tác của cán bộ, đảng viên hiện nay, thưa ông?
Ông Lê Văn Cường: Quy định mới có tính đồng bộ, liên thông với Quy định 41 về vấn đề từ chức, miễn nhiệm của cán bộ và thông báo kết luận số 20 về bố trí công tác đối với cán bộ sau khi bị kỷ luật.
Qua việc lấy phiếu, nếu người nào tín nhiệm thấp thì ngay lập tức cơ quan có thẩm quyền xem xét việc cho từ chức hoặc miễn nhiệm chứ không đợi đến giữa nhiệm kỳ hay đến hết nhiệm kỳ.
Quy định như vậy có tác động rất lớn, bởi vì nhìn lại quy định cũ thấy có kẽ hở là số phiếu tín nhiệm thấp là 50 % thì sẽ xem xét việc từ chức, miễn nhiệm, nhưng cả một thời kỳ thực hiện lấy phiếu ở Quốc hội, kể cả bên Đảng không thấy ai có mức đó cả. Có nghĩa việc lấy phiếu cũng chỉ là một kênh chỉ để tham khảo.
Quy định 96 đã lấp hỗ hổng đó, tức là kết quả của việc lấy phiếu tín nhiệm là căn cứ để có những biện pháp xử lý tiếp theo. Có như vậy thì quy định mới đi vào cuộc sống, có tác dụng răn đe, cảnh tỉnh những người có biểu hiện suy thoái, có biểu hiện vi phạm các quy định.
PV: Cũng trong Quy định 96, tiêu chí lấy phiếu tín nhiệm được thể hiện bằng kết quả lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện chủ trương của Đảng về đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, thực hiện những điều đảng viên không được làm và trách nhiệm nêu gương, sự gương mẫu của bản thân và vợ, chồng, con trong việc chấp hành chính sách, pháp luật của Nhà nước. Ông đánh giá thế nào về điểm đặc biệt của Quy định 96?
Ông Lê Văn Cường: Điểm mới so với quy định trước đó là tiêu chí lấy phiếu thể hiện bằng kết quả lãnh đạo, chỉ đạo đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực; giữ mối liên hệ với cấp ủy và nhân dân nơi cư trú. Tôi rất đồng tình với việc bổ sung điểm mới này, bởi sự giám sát của nhân dân rất sâu sắc, chính xác, rất nhiều vụ dư luận râm ran mãi, đến khi sự việc lộ ra thì mới thấy dư luận đúng.
Bên cạnh đó, người được giao trách nhiệm lãnh đạo quản lý mà để cơ quan, cấp dưới xảy ra tham nhũng, tiêu cực thì cũng thấy trách nhiệm của người đứng đầu, trách nhiệm quản lý chưa tốt. Do đó, phải đưa yếu tố này vào tiêu chí đánh giá.
Còn việc nêu gương, gương mẫu là tất yếu. Quy định 37 về những điều đảng viên không được làm đã nói rõ, nếu con cái vi phạm thì đó là trách nhiệm của gia đình, bố mẹ liên đới chịu trách nhiệm. Trong cuốn sách của Tổng Bí thư về phòng chống tham nhũng, tiêu cực được xuất bản mới đây, có bài viết cách đây 50 năm của Tổng Bí thư nói rằng, người lãnh đạo phải có trách nhiệm, nếu không có trách nhiệm thì không phải là người lãnh đạo.
Một điều lưu ý khác là lấy phiếu tín nhiệm mà chỉ lấy của "cánh hẩu" của mình thì rất gay go. Bên cạnh đó là tính công khai của thông tin. Như Trịnh Xuân Thanh làm thua lỗ mấy nghìn tỷ của Nhà nước, thông tin đó mà công khai để dân biết, tổ chức cán bộ biết thì chắc chắn người này sẽ không được đưa vào diện cán bộ được quy hoạch, luân chuyển về địa phương để tiếp tục bổ nhiệm nhiệm vụ cao hơn.
Do đó, khi thực hiện Quy định 96 cần phải có sự công khai, minh bạch và thông tin phải đúng, phải sát, còn thông tin chung chung, mơ hồ thì nhiều khi đánh giá, nhận xét đó chỉ mang tính chất cảm tính.
Tổ chức thực hiện tốt để quy định sớm đi vào cuộc sống
PV: Quy định 96 mở rộng phạm vi lấy phiếu tín nhiệm so với quy định trước đây. Cụ thể là quy mô được mở rộng trong toàn hệ thống chính trị, các cơ quan Đảng, Nhà nước và Mặt trận, đoàn thể từ Trung ương đến cấp có đơn vị trực thuộc. Ông có bình luận gì về việc mở rộng phạm vi cán bộ đảng viên được lấy phiếu tín nhiệm?
Ông Lê Văn Cường: Tôi rất đồng tình với việc mở rộng phạm vi này. Quy định lần này có tính đồng bộ, liên thông. Đại hội XIII của Đảng mở rộng nội hàm xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị. Hệ thống chính trị dưới sự cầm quyền lãnh đạo của Đảng có 3 thành tố chủ chốt gồm: Đảng, Nhà nước, Mặt trận và các đoàn thể. Do đó, không thể có chuyện Đảng mạnh còn Nhà nước, Mặt trận và các đoàn thể yếu được. Cho nên phải xây dựng đồng bộ cả 3 thành tố này. Bởi vì suy cho cùng những người giữ chức danh lãnh đạo chủ chốt ở Nhà nước, Mặt trận, các đoàn thể đều là đảng viên của Đảng.
Trước kia, ở Quy định 262 chỉ chia theo 3 nhóm là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Thường vụ cấp ủy các cấp và các chức danh khác. Lần này, quy định rộng và đúng hơn, gồm các chức danh cấp ủy và chức danh lãnh đạo quản lý trong hệ thống chính trị; các chức danh cán bộ do Quốc hội và HĐND bầu hoặc phê chuẩn.
Hơn nữa, dù ở cương vị nào, nếu cán bộ có tâm trong sáng, trong sạch, vì nước, vì dân thì cũng đủ điều kiện, cơ hội đóng góp cho sự nghiệp cách mạng; nhưng nếu cán bộ dao động, suy thoái, sa ngã thì họ sẽ tìm mọi cách để trục lợi, vơ vét. Cho nên, ngoài Quy định 96, Trung ương có Kết luận 14 khuyến khích cán bộ dám nói, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung và đó cũng là tình tiết giảm nhẹ trong Quy định 96.
Nếu chứng minh được cán bộ không có động cơ vụ lợi, vì lợi ích chung thì có thể xem xét giảm nhẹ, thậm chí là miễn kỷ luật. Cho nên lần này Quy định 96 mở rộng phạm vi đối tượng như vậy là rất xác đáng và cũng tạo ra một sân chơi bình đẳng, người nào làm tốt thì sẽ được ghi nhận, làm chưa tốt thì phải biết mà sửa.
PV: Ông kỳ vọng như thế nào về sự chuyển biến trong nhận thức và hành động của mỗi cán bộ đảng viên khi được đánh giá bằng phiếu tín nhiệm?
Ông Lê Văn Cường: Như Bác Hồ đã dạy chúng ta: Một Đảng giấu diếm khuyết điểm là một Đảng hỏng, một Đảng có gan thừa nhận khuyết điểm của mình, tìm rõ nguyên nhân, biện pháp chạy chữa với liều thuốc tốt nhất là tự phê bình và phê bình thì chắc chắn sẽ mang lại hiệu quả cao.
Quy định 96 là liều thuốc tốt để đội ngũ cán bộ, đảng viên tự soi, tự sửa, tự rèn, nhìn lại bản thân mình thấy sự đánh giá của đồng chí, đồng đội, của nhân dân đối với cá nhân để từ đó thấy những gì chưa tốt, chưa hay thì kịp thời khắc phục, sửa chữa.
Hiện nay quy chế, quy định khá đầy đủ, quan trọng nhất là khâu tổ chức thực hiện làm sao cho tốt, vì còn rất nhiều quy chế, quy định nghe rất hay nhưng "loay hoay cuối cùng vẫn nằm trên giấy".
Bây giờ quy định về lấy phiếu tín nhiệm có rồi nhưng tổ chức thực hiện làm sao cho thực chất, hiệu quả, nếu không quy định sẽ chỉ là hình thức và không đi vào cuộc sống.
PV: Xin cảm ơn ông./.