"Lão Hạc" thời @: Tần tảo nuôi "đàn con" hơn chục chú chó

Google News

Ở tuổi xế chiều, không vợ, không con, không chốn đi về, người đàn ông rong ruổi trên khắp các nẻo đường, lấy nền đất làm giường, mảnh bao nilon làm chăn, nhìn “đàn con” hơn chục đứa đùa giỡn mỗi ngày làm niềm vui sống.

Bên lề hoa lệ
Sinh ra ở mảnh đất Sông Bé (nay được tách thành 2 tỉnh Bình Dương và Bình Phước), ông Võ Văn Thành (52 tuổi) lớn lên với một tuổi thơ không trọn vẹn vì cảnh nghèo. Chưa một lần ông được đến trường học chữ, chưa một lần biết đánh vần tên. Cái nghèo đeo đẳng và ám ảnh 8 anh chị em của gia đình ông từ thuở nhỏ tận cho đến lúc về già.
Năm 20 tuổi, ông bỏ nhà lên Sài Gòn lập nghiệp với ước mơ đổi đời. Ước mơ không thành lại vô tình làm mất liên lạc của ông với gia đình. Không biết đọc, biết viết, lại không có bất cứ thông tin nào của người nhà, hơn 30 năm, ông chưa một lần về lại quê.
“Nghe bà con ở dưới nói giờ anh chị em tôi lưu lạc khắp xứ, đứa em trai út bị động kinh bặt vô âm tính mấy chục năm trời, chả ai rõ còn hay đã mất. Người ta nói cây có cội, sông có nguồn nhưng cả nguồn cội của tôi giờ cũng đã không còn nữa. Có quê nhưng chưa một lần về quê, cô nhìn đi, tiền đâu mà về, mà về rồi thì cũng còn ai đâu”, rít điếu thuốc, đưa mắt nhìn xa xăm, bất chợt ông Thành buông lời than thở. Câu nói được bật ra từ tiếng lòng của một mảnh đời bất hạnh, đau và chua xót thấu tận tâm can.
Chiếc xe tự chế - ngôi nhà của hơn chục chú chó mà ông cưu mang. 
Nhịp sống Sài Gòn xô đẩy, ông Thành quen một cô gái nghèo trong một lần đi làm thuê. Dường như nỗi đau và gánh nặng từ cái nghèo mà họ đang mang là sợi dây nối vô tình đưa những mảnh đời tội nghiệp xích lại gần hơn trong đêm đông giá lạnh.
Ít lâu sau, hai người nên nghĩa vợ chồng. Hai đứa con trai ra đời trong căn nhà thuê xập xệ khiến gánh nặng mà ông Thành mang trên lưng ngày càng chùn xuống. “Hồi đó tôi đi làm mỗi ngày được 25 nghìn nhưng vợ tôi bắt phải đưa cho bà ấy 50 nghìn đồng. Số tiền đó, tôi đào đâu ra? Nhà nghèo, tôi phải gắng làm thêm cho đến tận khuya, cố mang tiền về để vợ nuôi con nên cũng không có nhiều thời gian chăm sóc, bảo ban 2 đứa nhỏ. Đến lúc phát hiện tụi nó cờ bạc, nghiện ngập thì cũng đã không kịp để rầy la”, lấy 2 tay xoa xoa rồi rẽ đường tóc trên đỉnh đầu, ông Thành chỉ vào vết sẹo dài - hậu quả sau một lần ông bị con trai dùng cây đánh khi không có tiền cho con mua thuốc.
Hôn nhân tan vỡ vì vợ theo người khác, thậm chí 2 đứa con mà ông từng đổ mồ hôi, chảy cả máu để kiếm tiền nuôi lớn cũng đành lòng đuổi đánh cha. Không chịu nổi cảnh khổ, ông bỏ nhà đi ở bụi. Ít lâu sau, ông Thành xin được vào một công trình xây dựng cạnh một lò mổ chó. Mỗi buổi tối nằm văng võng trên giàn giáo ở chỗ làm, tiếng “bịch, bịch” mà người ta dùng cây đập vào đầu những con chó tội nghiệp cứ vang lên đều đặn, sau đó là những tiếng kêu yếu ớt rồi tắt hẳn trong màn đêm tạo thành thanh âm ghê rợn khiến ông Thành không khỏi rùng mình.
“Thấy thương tụi nó quá, tôi dùng tháng lương đầu tiên của mình mua một con chó về nuôi rồi hằng ngày chăm sóc. Tôi đặt tên cho nó là Bích La”, ông Thành kể về con chó đầu tiên của mình.
Nghỉ công việc phụ hồ, ông Thành chuyển sang nghề nhặt ve chai. Từ đó, dù mưa hay nắng, chú chó nhỏ vẫn dãi dầu cùng chủ trên mọi nẻo đường ở Sài Gòn. Ông đi đằng trước, Bích La theo sau, tối về nó gối đầu lên đùi ông rồi cùng nhau đi vào giấc ngủ.
“Một hôm ngủ ở vòng xoay Cây Gõ (quận 6 - PV), sáng ngủ dậy, tôi đã không thấy nó ở đâu. Tôi chạy hỏi khắp nơi mà rưng rưng nước mắt, người ta chỉ ra đường Lê Hồng Phong - nơi bán chó, mà xin chuộc nó về. Nhưng ra đó vẫn không thấy Bích La, tôi cứ nghĩ vậy là mất nó rồi. 2 hôm sau, cũng tại vỉa hè đó, tôi đang ngủ thì cảm giác có ai đó khều chân, tỉnh giấc dậy thấy nó gầy nhom, đứng đó vẫy đuôi. Ôm con chó vào lòng, tôi bật khóc”, ông Thành kể lại.
Thế nhưng duyên phận giữa chú chó trung thành với chủ nghèo không kéo dài thêm được bao lâu. Nửa năm sau, cũng tại vòng xoay định mệnh ấy, Bích La bị người ta bắt đi khi mới sinh con được 4 ngày. Từ đó, ông Thành chờ mãi nhưng vẫn không thấy chú chó về. Thương bầy chó con mới 4 ngày tuổi đã thiếu hơi mẹ, ông lấy tên Bích La đặt cho một trong số chúng. Mấy chú chó con dường như thấu hiểu được số phận bất hạnh của mình nên rất chăm ăn, ngoan ngoãn và nghe lời “Ba Thành”. Ngoài chúng, ông đi đâu gặp chó bị bỏ rơi, bệnh tật thì đều cưu mang, chăm sóc. "Gia tài" của người đàn ông nghèo khổ là hơn chục chú chó quấn quýt kề bên.
 Ông Thành đi nhặt ve chai để có tiền lo cho mấy chú chó.
Người ta bảo Sài Gòn không bao giờ ngủ vì những con người ở đó luôn mải miết bên những nụ cười chóng vánh ồn ào bất kể ngày hay đêm. Ấy mà trong một góc vỉa hè, đều đặn hơn 20 năm qua, có một người đàn ông với thân hình gầy nhom, khắc khổ vẫn dang rộng đôi tay ủ ấm cho bầy chó nhỏ những đêm gió lạnh kéo về. Nói bên lề nhịp sống hoa lệ mà một cuộc đời bị bỏ quên cũng đúng, mà ông tự tách biệt mình cũng không sai. Nơi ấy, ông lấy “lũ trẻ” làm niềm vui, bầy chó nhỏ nhờ ông cưu mang mà lớn khỏe. Họ sống bên nhau và mặc kệ cuộc đời.
“Xin đừng bắt con”
Vài năm nhặt ve chai tích cóp, ông Thành mua được một chiếc xe ba gác nhỏ. Lót vài miếng gỗ, phủ thêm ít quần áo bên trên, tụi nhỏ nhà ông “lên đời” khi có một ngôi nhà khang trang hơn trước. Thế nhưng vài lần, chỉ cần quay lưng đi một xíu, là 1-2 chú chó lại bị bắt đi. Nhiều lần như thế, bất lực, ông Thành bưng mặt khóc. “Tôi biết sau khi rời khỏi tôi, tụi nhỏ lại bị bán vào lò mổ chó, rồi lên bàn nhậu cho người khác nhâm nhi. Đối với tôi nó chúng là niềm vui, là lẽ sống, nhưng với nhiều người, tụi nó chỉ là một bữa ăn. Chó là bạn, đâu phải là thức ăn”, khẽ vuốt ve chú chó tên Đen, ông Thành lại bật khóc.
Mỗi ngày đi nhặt ve chai được 20-30 nghìn đồng, ông nhịn ăn để dành tiền mua từng miếng lưới sắt nhỏ, ráp lại thành chuồng hoàn chỉnh rồi phủ bạt bên ngoài. Để chắc chắn, ông trang bị thêm ổ khóa rồi khóa lại cẩn thận để phòng người ta bắt trộm chó đi. “Hai năm trước, khi Bích La con mới sinh, nó bỏ ăn tận 1 tuần lễ rồi chảy máu ròng ròng, không cầm lại được. Nhờ một tổ chức từ thiện đi ngang qua, họ thấy và mang nó đến phòng thú y để cứu. Sau đó họ in cho tôi mấy cái bảng tên đeo vào cổ chó, nghe đâu là in dòng chữ Xin đừng bắt con, gọi ba Thành chuộc con về rồi kèm số điện thoại, để lỡ có đi lạc thì may ra có người gọi giúp”, ông Thành kể về lịch sử của chiếc bảng tên đeo dưới cổ mấy chú chó.
Ông nhờ người ta in dòng chữ này để dán trên xe. 
Công việc của ông Thành đều đặn mỗi ngày là đi nhặt ve chai khắp các nẻo đường Sài Gòn từ lúc 7-8 giờ sáng. Đều đặn mỗi trưa, ông hay ghé tạt qua đoạn ngã 4 Nguyễn Chí Thanh - Ngô Quyền (quận 5) để nghỉ chân và cho bầy chó ăn uống. Tối tới, vỉa hè nhỏ đoạn gần Chợ Lớn là chỗ dừng chân cho “mấy ba con”. Thu nhập mỗi ngày, người đàn ông với gương mặt khắc khổ ấy dành hết ra để mua cơm hộp và nước cho lũ chó, về phần mình, ông xin cơm từ thiện rồi ăn dần qua bữa. “Mua cơm, tôi vẫn hay xé thịt trộn cho tụi nó, còn mình thì ăn cơm trắng chan canh. Thôi kệ, chứ mình ăn ngon mà để tụi nó ăn tạm bợ, tôi không chịu được”, quay sang đấm thuỳnh thụp lên vai, ông Thành cho biết vai ông đau nhức cách đây vài ngày nhưng ông không dám mua thuốc uống vì sợ tụi nhỏ phải nhịn đói khi hết tiền.
Chiếc xe nhỏ nhưng là nơi che mưa nắng của cha và “bầy con” gần chục đứa. Ông Thành kể mỗi khi mưa xuống, không nằm trên chiếc ghế xếp được, ông vẫn hay chui lên tầng trên cùng của chiếc xe, phủ bạt rồi mấy ba con cùng nhau đi vào giấc ngủ. Quần áo cũ mà người ta cho, ông vẫn hay dùng để lót chỗ cho lũ chó, còn phần mình thì trùm bao bố làm chăn. 
Hình ảnh người đàn ông tội nghiệp vô tư đùa giỡn với lũ chó bên góc vỉa hè một buổi chiều gió lặng khiến nhiều người không khỏi xót xa. Nhìn ông Thành, nhiều người buột miệng gọi ông bằng “Lão Hạc”. Không biết chữ, chưa một lần đánh vần trọn vẹn tên mình, dĩ nhiên, ông cũng không biết nhân vật tên Hạc ấy là ai. Thế nhưng với “ông Hạc thời @” ấy: “Đời tôi bây giờ chỉ còn tụi nó làm lẽ sống, chỉ sợ mai mốt lỡ tôi chết thì tụi nhỏ bơ vơ. Chứ còn sống ngày nào, tôi sẽ hết lòng hết dạ lo cho tụi nó ngày đó”. Nói tới đây, ông Thành mỉm cười - nụ cười hiền từ và trong veo.
Theo Yến Nhi/Khám Phá

>> xem thêm

Bình luận(0)