Lãnh đạo Rạng Đông “gian dối” thuỷ ngân trong bóng đèn: nên “luận tội” theo luật?

Google News

(Kiến Thức) - Lãnh đạo và các cá nhân Rạng Đông nếu có hành vi bưng bít thông tin, cung cấp thông tin sai sự thật, không thực hiện trách nhiệm ứng phó với sự cố môi trường... thì phải xem xét trách nhiệm pháp lý.

Dư luận yêu cầu xử lý lãnh đạo Công ty Rạng Đông lấp liếm thông tin
Mới đây lãnh đạo Công ty Rạng Đông đã có thư xin lỗi người dân sau gần 10 ngày xảy ra vụ cháy kho xưởng chứa hóa chất độc hại, trong đó có đến 27,2 kg thủy ngân độc hại đã phát tán ra môi trường.
Tuy nhiên, lời xin lỗi của lãnh đạo Công ty Rạng Đông không được người dân đón nhận bởi dư luận đang bức xúc, thậm chí phẫn nộ với việc lãnh đạo Công ty Rạng Đông giấu giếm thông tin về việc hóa chất độc hại đã phát tán ra môi trường và không có khuyến cáo để người dân, công nhân viên công ty phòng tránh.
Cụ thể, báo cáo ngày 30/8, lãnh đạo công ty này không đề cập đến lượng thủy ngân phát tán, còn lấp liếm cho rằng, nguyên vật liệu chính được sử dụng để sản xuất bóng đèn huỳnh quang đảm bảo an toàn cho sức khỏe con người kể cả khi cháy và khẳng định các khí thải không ảnh hưởng đến sức khỏe con người. Báo cáo của công ty cũng cho biết, từ năm 2016, công ty chỉ sử dụng viên Amalgam (hỗn hống của Hg – Zn và Bismut) để sản xuất bóng đèn và khối lượng viên Amalgam trong kho chứa hóa chất tầng 1 bị cháy chỉ còn vài kg.
Lanh dao Rang Dong “gian doi” thuy ngan trong bong den: nen “luan toi” theo luat?
 Vụ cháy kho xưởng Công ty Rạng Đông là một thảm họa về môi trường, gây ảnh hưởng đến sức khỏe của nhiều người dân sống tại đây và những người thực hiện nhiệm vụ phòng cháy chữa cháy.
Tuy nhiên, qua kiểm tra thực tế của Tổng cục Môi trường ngày 31/8/2019 cùng với quá trình đấu tranh với Lãnh đạo Công ty, Công ty mới thừa nhận toàn bộ 480.000 bóng đèn huỳnh quang bị cháy sử dụng thủy ngân lỏng.
Bộ TN&MT mới đây cho biết, lượng thủy ngân đã phát tán ra ngoài môi trường do sự cố cháy nổ là 15,1 kg đến 27,2 kg.
Dư luận đặt ra câu hỏi, với sự gian dối, lấp liếm, giấu giếm thông tin, dẫn đến sức khỏe người dân bị ảnh hưởng do lượng thủy ngân và các hóa chất độc hại phát tán ra môi trường, lãnh đạo Công ty Rạng Đông liệu có bị xử lý theo quy định pháp luật hay không?
Hậu quả của sự giấu giếm thông tin là sức khỏe hàng nghìn hộ dân có nguy cơ bị ảnh hưởng
Trao đổi với PV Kiến Thức, Luật sư Đặng Văn Cường, Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho biết, vấn đề bảo vệ môi trường là vấn đề toàn cầu. Việt Nam đã tham gia, gia nhập rất nhiều điều ước quốc tế, ký kết các hiệp định đa phương, song phương về bảo vệ môi trường.
Ngay trong hệ thống pháp luật Việt Nam cũng có nhiều quy định về bảo vệ môi trường, khắc phục sự cố môi trường. Cụ thể, Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 có một phần riêng về tội phạm về môi trường trong, đó hành vi vi phạm quy định về phòng ngừa, ứng phó, khắc phục sự cố môi trường gây hậu quả nghiêm trọng sẽ bị xử lý hình sự theo quy định tại điều 237 bộ luật hình sự.
Vụ cháy kho xưởng Công ty Rạng Đông là một thảm họa về môi trường, gây ảnh hưởng đến sức khỏe của nhiều người dân sống tại đây và những người thực hiện nhiệm vụ phòng cháy chữa cháy.
Dù đến nay chưa thống kê được thiệt hại về tài sản và sức khỏe của con người tuy nhiên có rất nhiều người đã phải thăm khám, điều trị, nhiều người phải sơ tán, nhiều cơ sở sản xuất, kinh doanh quanh khu vực đám cháy phải ngừng hoạt động.
Đáng chú ý, thông tin về mức độ nguy hiểm của sự cố này là không chính xác, không kịp thời làm gia tăng những thiệt hại, mối nguy hiểm cho người dân.
Bởi ngay từ đầu Công ty Rạng Đông đã đưa ra thông tin không trung thực về số lượng thủy ngân phát tán trong không khí, không thực hiện trách nhiệm cảnh báo nguy hiểm mà còn cho rằng đã sử dụng công nghệ mới không gây ô nhiễm môi trường, cán bộ công nhân vẫn hoạt động bình thường...
Những thông tin này khiến nhiều người dân đã không kịp thời sơ tán, không thực hiện các biện pháp để bảo vệ sức khỏe bản thân, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh và sức khỏe của rất nhiều người, làm giảm lòng tin của người dân trước các cơ quan tổ chức nhà nước.
Lanh dao Rang Dong “gian doi” thuy ngan trong bong den: nen “luan toi” theo luat?-Hinh-2
 Luật sư Đặng Văn Cường.
Cần làm rõ sai phạm có yếu tố cá nhân, nghiêm trị theo quy định
Luật sư Đặng Văn Cường cho rằng, với hành vi trên của lãnh đạo công ty Rạng Đông, các cơ quan chức năng cần phải làm rõ sai phạm có yêu tố cá nhân và làm rõ mối quan hệ nhân quả giữa sai phạm này đối với hậu quả gây ra thiệt hại đến sức khỏe, tài sản của người dân để có hình thức xử lý cho phù hợp.
Những cá nhân có trách nhiệm nhưng đã bưng bít thông tin, cung cấp thông tin sai sự thật, không thực hiện trách nhiệm ứng phó với sự cố môi trường gây hậu quả thiệt hại đến sức khỏe, tài sản của người dân đến mức nghiêm trọng thì cần phải xem xét trách nhiệm pháp lý nghiêm minh theo quy định pháp luật. Nếu hành vi thỏa mãn các dấu hiệu cấu thành tội phạm thì cũng cần truy cứu trách nhiệm hình sự.
Nếu kết quả điều tra, xác minh cho thấy có người đã thực hiện một trong các hành vi sau đây thì đủ căn cứ để truy cứu trách nhiệm hình sự theo điều 237 bộ luật hình sự:
Vi phạm quy định về phòng ngừa sự cố môi trường để xảy ra sự cố môi trường;
Vi phạm quy định về ứng phó, khắc phục sự cố môi trường làm môi trường bị ô nhiễm nghiêm trọng hoặc gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên hoặc gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121% hoặc gây thiệt hại từ 1.000.000.000 đồng đến dưới 3.000.000.000 đồng.
Như vậy, cơ quan chức năng sẽ làm rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân trong việc phòng ngừa sự cố môi trường đồng thời làm rõ trách nhiệm thực hiện nhiệm vụ về ứng phó, khắc phục sự cố môi trường. Trong trường hợp phát hiện tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm và gây tổn hại sức khỏe cho người khác từ 61 % trở lên hoặc gây thiệt hại từ 1.000.000.000 đồng trở lên thì sẽ truy cứu trách nhiệm hình sự.
Để xem xét trách nhiệm thì cần làm rõ mối quan hệ giữa hành vi vi phạm và hậu quả vi phạm, làm rõ mức độ thiệt hại đối với tài sản và sức khỏe của người dân làm cơ sở để giải quyết vụ việc theo quy định pháp luật.
Ngoài ra, nguyên nhân vụ cháy cũng cần được làm rõ để xem xét trách nhiệm trong công tác phòng cháy, chữa cháy của tổ chức này, nếu vi phạm về phòng cháy chưa trái thì sẽ bị xử lý theo quy định pháp luật. Nếu vi phạm quy định về phòng cháy chữa cháy gây hậu quả nghiêm trọng thì sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Vụ việc này là một bài học đắt giá trong công tác bảo vệ môi trường, trong việc ứng phó, khắc phục sự cố môi trường. Kết quả giải quyết vụ việc này thế nào sẽ phụ thuộc vào kết quả điều tra, xác minh của cơ quan chức năng. Tuy nhiên việc này đã để lại một bài học lớn cho các công ty có sử dụng hóa chất, chất cháy, chất nổ, chất độc hại.. trong khu dân cư. Nếu để sự cố xảy ra thì các cơ quan, đơn vị, cá nhân sử dụng vũ khí, chất nổ, chất cháy, chất độc hại, chất phóng xạ...(những nguồn nguy hiểm cao độ) phải bồi thường thiệt hại, nếu có lỗi thì có thể còn bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Đồng thời cũng là cảnh báo đối với chính quyền địa phương trong việc khẩn trương thực hiện kế hoạch di dời các nhà máy, các đơn vị sử dụng hóa chất độc hại ra ngoài khu vực dân cư để đảm bảo an toàn cho cộng đồng dân cư và tránh những sự cố môi trường đáng tiếc như vụ việc này.
Hải Ninh

>> xem thêm

Bình luận(0)