Cháy Công ty Rạng Đông: Rò rỉ hóa chất độc hại có phải bồi thường?

Google News

(Kiến Thức) - Luật sư cho rằng, vụ cháy này mà gây thiệt hại đến tài sản, tính mạng, sức khỏe của bất cứ người dân nào xung quanh khu vực đám cháy thì Công ty Rạng Đông phải có trách nhiệm bồi thường toàn bộ thiệt hại theo quy định của pháp luật.

Vụ cháy Công ty Rạng Đông là ngoài là một sự cố nghiêm trọng về hỏa hoạn, gây thiệt hại đến tài sản của doanh nghiệp còn là một thảm họa về môi trường khi một lượng thủy ngân đã được phát tán khi vụ chảy xảy ra làm ảnh hưởng đến sức khỏe người dân khu vực công ty.
Dư luận đặt ra câu hỏi, đơn vị nào sẽ chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại, sức khỏe người lao động và người dân khu vực?
Trao đổi với PV Kiến Thức, luật sư Đặng Văn Cường, Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho rằng, ngoài việc xác định làm rõ nguyên nhân vụ cháy để xem xét trách nhiệm pháp lý thì trách nhiệm bồi thường thiệt hại cũng sẽ được đặt ra và cần phải được giải quyết để đảm bảo quyền lợi của người lao động, người dân nơi đây.
Luật sư Đặng Văn Cường cho biết, theo quy định của pháp luật thì hóa chất là nguồn nguy hiểm cao độ. Người sử dụng nó phải tuân thủ quy định về bảo quản, quản lý, vận chuyển, sử dụng... sao cho đảm bảo an toàn cho người sử dụng và những người khác xung quanh.
“Việc rò rỉ hóa chất, phát tán hóa chất gây tổn hại đến tính mạng, sức khỏe của người khác thì dù người quản lý, sử dụng hoá chất không có lỗi thì vẫn phải bồi thường thiệt hại cho người bị thiệt hại theo quy định của pháp luật bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra (bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng)”, luật sư Đặng Văn Cường cho biết.
Chay Cong ty Rang Dong: Ro ri hoa chat doc hai co phai boi thuong?
 Hiện trường vụ cháy.
Theo quy định của pháp luật, nguyên tắc bồi thường thiệt hại được Điều 585 Bộ luật dân sự năm 2015 quy định như sau:
1. Thiệt hại thực tế phải được bồi thường toàn bộ và kịp thời. Các bên có thể thỏa thuận về mức bồi thường, hình thức bồi thường bằng tiền, bằng hiện vật hoặc thực hiện một công việc, phương thức bồi thường một lần hoặc nhiều lần, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.
2. Người chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại có thể được giảm mức bồi thường nếu không có lỗi hoặc có lỗi vô ý và thiệt hại quá lớn so với khả năng kinh tế của mình.
3. Khi mức bồi thường không còn phù hợp với thực tế thì bên bị thiệt hại hoặc bên gây thiệt hại có quyền yêu cầu Tòa án hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền khác thay đổi mức bồi thường.
4. Khi bên bị thiệt hại có lỗi trong việc gây thiệt hại thì không được bồi thường phần thiệt hại do lỗi của mình gây ra.
5. Bên có quyền, lợi ích bị xâm phạm không được bồi thường nếu thiệt hại xảy ra do không áp dụng các biện pháp cần thiết, hợp lý để ngăn chặn, hạn chế thiệt hại cho chính mình.
Như vậy, theo luật sư Đặng Văn Cường, hậu quả của vụ cháy này mà gây thiệt hại đến tài sản, tính mạng, sức khỏe của bất cứ người dân nào xung quanh khu vực đám cháy thì công ty Rạng Đông phải có trách nhiệm bồi thường toàn bộ thiệt hại theo quy định của pháp luật. Mức bồi thường sẽ là thiệt hại thực tế đã gây ra đối với người bị hại, trừ trường hợp người bị hại có lỗi.
“Trong vụ việc này, kể từ khi đám cháy xảy ra đến khi công ty Rạng Đông nhận trách nhiệm, xin lỗi là cả một khoảng thời gian. Trước đó công ty này còn cho rằng sau khi hỏa hoạn, công nhân dọn dẹp và làm việc bình thường... không ảnh hưởng gì nghiêm trọng đến môi trường, không đưa ra bất cứ khuyến cáo nào đối với người dân. Bởi vậy, những thiệt hại xảy ra đối với người dân có một phần lỗi của người đứng đầu, người có chức trách nhiệm vụ của công ty này. Trách nhiệm bồi thường thiệt hại là rất rõ ràng, theo pháp luật thì kể cả trong trường hợp công ty này không có lỗi thì vẫn phải bồi thường. Còn trường hợp có lỗi thì trách nhiệm bồi thường sẽ lớn hơn và có thể xem xét về trách nhiệm về hành vi vô ý gây thương tích, tổn hại sức khỏe cho người khác”, luật sư Đặng Văn Cường cho hay.
Ngoài ra, trong trường hợp cơ quan chức năng xác định đơn vị này đã vi phạm quy định về phòng cháy chữa cháy dẫn đến hỏa hoạn thì sẽ xử lý hình sự người có nhiệm vụ đối với việc phòng cháy chữa cháy ở công ty này.
“Đám cháy của công ty này đã gây ra những thiệt hại về tài sản của nhiều tổ chức, cá nhân. Những tài sản bị thiệt hại có thể do cháy, cho khói bụi, kể cả thiệt hại về kinh doanh do phải đóng cửa hàng, giảm doanh số, chi phí để khắc phục, sửa chữa, chi phí phải di chuyển người, tài sản... thì cũng là cơ sở để phát sinh yêu cầu bồi thường thiệt hại. Toàn bộ những thiệt hại về tài sản từ vụ cháy đối với tổ chức, cá nhân thì công ty này có trách nhiệm phải bồi thường”, luật sư Đặng Văn Cường cho hay.
Việc bồi thường này sẽ theo quy định tại điều 589 Bộ luật dân sự năm 2015, cụ thể hiệt hại do tài sản bị xâm phạm bao gồm: 1. Tài sản bị mất, bị hủy hoại hoặc bị hư hỏng; 2. Lợi ích gắn liền với việc sử dụng, khai thác tài sản bị mất, bị giảm sút; 3. Chi phí hợp lý để ngăn chặn, hạn chế và khắc phục thiệt hại; 4. Thiệt hại khác do luật quy định.
Tổng số tài sản phải bồi thường đối với từng hộ gia đình, cá nhân sẽ là tổng số thiệt hại của các khoản, các mục nêu trên.
Thiệt hại được tính trên giá trị thực tế đã xảy ra và sẽ xảy ra trong tương lai. Bởi vậy các hộ gia đình, cá nhân, cơ quan, tổ chức có thiệt hại thì có thể căn cứ vào quy định pháp luật nêu trên để thống kê và yêu cầu công ty này phải bồi thường thiệt hại theo quy định pháp luật. Trong trường hợp công ty này không bồi thường đúng, đầy đủ, kịp thời thì người bị thiệt hại có quyền khởi kiện đến tòa án để được xem xét giải quyết theo thủ tục tố tụng dân sự.
Ngoài việc yêu cầu bồi thường thiệt hại về tài sản thì những người bị thiệt hại về sức khỏe cũng có quyền yêu cầu công ty này phải bồi thường thiệt hại về sức khỏe.
Theo quy định của pháp luật thì thiệt hại về sức khỏe bao gồm như sau: Chi phí hợp lý cho việc cứu chữa, bồi dưỡng, phục hồi sức khỏe và chức năng bị mất, bị giảm sút của người bị thiệt hại; Thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút của người bị thiệt hại; nếu thu nhập thực tế của người bị thiệt hại không ổn định và không thể xác định được thì áp dụng mức thu nhập trung bình của lao động cùng loại; Chi phí hợp lý và phần thu nhập thực tế bị mất của người chăm sóc người bị thiệt hại trong thời gian điều trị; nếu người bị thiệt hại mất khả năng lao động và cần phải có người thường xuyên chăm sóc thì thiệt hại bao gồm cả chi phí hợp lý cho việc chăm sóc người bị thiệt hại; Thiệt hại khác do luật quy định.
Người chịu trách nhiệm bồi thường trong trường hợp sức khỏe của người khác bị xâm phạm phải bồi thường thiệt hại theo quy định nêu trên còn phải bồi thường một khoản tiền khác để bù đắp tổn thất về tinh thần mà người đó gánh chịu. Mức bồi thường bù đắp tổn thất về tinh thần do các bên thỏa thuận; nếu không thỏa thuận được thì mức tối đa cho một người có sức khỏe bị xâm phạm không quá 50 lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định.
Nội dung bồi thường thiệt hại về sức khỏe được quy định chi tiết, cụ thể tại điều 590 bộ luật dân sự năm 2015.
“Những người bị thiệt hại về sức khỏe có thể căn cứ vào quy định pháp luật này để yêu cầu công ty phải bồi thường. Công ty này phải bồi thường toàn bộ chi phí hợp lý cho việc cứu chữa, bồi dưỡng, phục hồi sức khỏe, chi phí về thu nhập bị mất, bị giảm sút trong quá trình cứu chữa, điều trị chi phí tiền công cho người chăm sóc và các khoản thiệt hại khác. Ngoài ra còn phải bồi thường một khoản thiệt hại về tinh thần cho người bị tổn hại sức khỏe, mức bồi thường do hai bên thỏa thuận, không thỏa thuận được thì tòa án sẽ quyết định nhưng không quá 50 tháng lương tối thiểu”, luật sư Đặng Văn Cường cho biết.
“Thủ tục bồi thường có thể thống kê các thiệt hại bằng văn bản, kèm theo tài liệu chứng cứ về việc bồi thường thiệt hại gửi đến công ty để yêu cầu bồi thường, trong trường hợp công ty không đồng ý bồi thường với mức thiệt hại như vậy thì người bị thiệt hại có thể khởi kiện đến tòa án quận Thanh Xuân, Hà Nội để được giải quyết theo thủ tục tố tụng dân sự. Những người dân bị thiệt hại là những người sống xung quanh khu vực, những người đi qua khu vực đám cháy, kể cả cán bộ nhân viên của công ty, lính cứu hỏa và các nhà báo tác nghiệp tại khu vực hiện trường đám cháy... Nếu không rõ về các thủ tục pháp lý, người dân có thể liên hệ với các luật sư, phòng văn phòng luật sư để được hướng dẫn, trợ giúp pháp lý, đảm bảo quyền lợi của mình theo quy định pháp luật”, luật sư Đặng Văn Cường cho biết.
Luật sư Diệp Năng Bình, Trưởng Văn phòng Luật sư Tinh Thông Luật cho rằng, việc bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng là trách nhiệm dân sự do hành vi gây ra thiệt hại phát sinh giữa các chủ thể. Bên có hành vi trái pháp luật phải bồi thường cho bên bị thiệt hại.
“Theo quy định Điều 584 Bộ luật dân sự căn cứ phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại thì người nào có hành vi xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín, tài sản, quyền, lợi ích hợp pháp khác của người khác mà gây thiệt hại thì phải bồi thường, trừ trường hợp Bộ luật này, luật khác có liên quan quy định khác. Người gây thiệt hại không phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong trường hợp thiệt hại phát sinh là do sự kiện bất khả kháng hoặc hoàn toàn do lỗi của bên bị thiệt hại, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc luật có quy định khác”, luật sư Bình cho hay.
Luật sư Diệp Năng Bình cho rằng, nguyên tắc bồi thường thiệt hại thực tế phải được bồi thường toàn bộ và kịp thời. Các bên có thể thỏa thuận về mức bồi thường, hình thức bồi thường bằng tiền, bằng hiện vật hoặc thực hiện một công việc, phương thức bồi thường một lần hoặc nhiều lần, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.
“Căn cứ Điều 602. Bồi thường thiệt hại do làm ô nhiễm môi trường thì chủ thể làm ô nhiễm môi trường mà gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật, kể cả trường hợp chủ thể đó không có lỗi. Do đó trong trường hợp này người dân sống xung quang khu vực nhà máy bị cháy gây ô nhiễm có đầy đủ cơ sở pháp lý để yêu cầu bồi thường. Tuy nhiên, việc chứng minh, xác định thiệt hại là điều không dễ. Do đó trong trường hợp này bà con nên nhờ đến sự hỗ trợ pháp lý của các luật sư”, luật sư Bình nói.
>>> Xem thêm video: Toàn cảnh vụ cháy công ty Rạng Đông
 

Hải Ninh

>> xem thêm

Bình luận(0)