Sáng 20/4, tại Hà Nội, Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức Lễ kỷ niệm 130 năm Ngày sinh nhà văn Ngô Tất Tố (20-4-1893/20-4-2023).
Phát biểu tại Lễ kỷ niệm, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam khẳng định: Ngô Tất Tố là một tên tuổi lớn, một ngôi sao sáng với những đóng góp to lớn, đặt nền móng cho tiến trình văn học Việt Nam hiện đại. Đồng thời ông cũng là hiện thân cao đẹp cho văn nghệ sĩ đi theo cách mạng và kháng chiến. Các tác phẩm như: “Tắt đèn”, “Việc làng”, “Tập án cái đình” đã truyền tải đến người đọc những thực tế nhức nhối trong sinh hoạt của người nông dân và nông thôn Việt Nam trước năm 1945.
|
Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều phát biểu.
|
Với ngòi bút chân thực, Ngô Tất Tố luôn làm người đọc kinh ngạc vì cách đặt vấn đề xã hội từ các tầng tiềm ẩn sâu xa của sự sống và của cả nền văn hóa. Cũng vì sự nhạy cảm, cập nhật thời sự của hiện tại, những tác phẩm của ông mang tầm vóc lớn khi thấu hiểu sâu xa về cuộc sống và con người, về xã hội và thời cuộc.
Tại buổi lễ, GS Hà Minh Đức, nguyên Viện trưởng Viện Văn học nhận định: Ngô Tất Tố là bậc lão làng đã từng cắp lều chõng dự kỳ thi chữ Hán cuối cùng. Tác phẩm của Ngô Tất Tố là ranh giới giữa văn hóa cổ và hiện đại. Ông đã từng dịch và giới thiệu Nho giáo, Lão Tử, Mao Tử, Kinh dịch, thơ Đường, đã dịch nhiều tác phẩm như Hoàng Lê nhất thống chí...
Tuy nhiên, nhà nho lão thành cũng lại vô cùng sắc sảo quan tâm sâu sắc đến nhiều vấn đề xã hội. Một Ngô Tất Tố hiện đại qua hàng loạt bài báo với tinh thần đấu tranh bảo vệ chân lý, quyền sống cho người nông dân bị áp bức khổ cực. Một Ngô Tất Tố hiện đại với những tiểu thuyết phóng sự phản ánh sâu sắc chân thực những bức tranh quê, những sự đổi đời của văn hóa phong kiến suy tàn sang thời kỳ bút lông chuyển sang bút sắt.
|
GS Hà Minh Đức phát biểu.
|
Theo nguyên Viện trưởng Viện Văn học, Ngô Tất Tố cũng là một nhà báo kiệt xuất. Ông được ghi nhận như một nhà báo tâm huyết và sắc sảo với nghề, bất bình với chế độ thuộc địa. Trận địa chính là làng quê với nỗi khổ cực của dân nghèo và sự đè nén áp bức của bọn cường hào ác bá. Ngô Tất Tố viết cho nhiều tờ báo với nhiều bút danh khác nhau. Với văn chương thì chỉ có một Ngô Tất Tố. Nhưng với báo chí có biệt hiệu bút danh: Thôn dân, Lộc Hà, Phó Chi, Lục Đình, Thục Diền, Tuệ Nhỡn. Đạm Hiên, Thuyết Hải, Hồng Huy Từ, Xuân Trào.
Ngô Tất Tố nhà văn, Ngô Tất Tố nhà báo sự kết hợp hài hòa hai thiên chức ở một con người, hai phẩm chất văn chương và báo chí đã góp phần tạo nên những tác phẩm xuất sắc của Ngô Tất Tố.
|
Quang cảnh Lễ kỷ niệm 130 năm Ngày sinh nhà văn Ngô Tất Tố.
|
Theo đánh giá của các đại biểu, sự nghiệp văn hóa, văn nghệ của Ngô Tất Tố còn trường tồn với thời gian, là tấm gương để các trí thức, văn nghệ sĩ phấn đấu phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân.
>>> Mời độc giả xem thêm video Cảm xúc thăng hoa tại lễ kỷ niệm 30 năm Trường Nguyễn Siêu: