Ngày 1/10, dưới sự chủ trì của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Ban Bí thư đã họp, xem xét thi hành kỷ luật Ban Thường vụ Đảng ủy Cảnh sát biển Việt Nam nhiệm kỳ 2015-2020 và một số cá nhân.
Ban Bí thư quyết định thi hành kỷ luật Ban Thường vụ Đảng ủy Cảnh sát biển nhiệm kỳ 2015-2020 bằng hình thức cảnh cáo. Đồng thời quyết định thi hành kỷ luật bằng hình thức khai trừ ra khỏi Đảng đối với hai thiếu tướng và cách tất cả chức vụ trong Đảng đối với 7 tướng lĩnh Cảnh sát biển Việt Nam.
Những tướng lĩnh trên đã có những vi phạm gây hậu quả rất nghiêm trọng, thiệt hại lớn tiền và tài sản của Nhà nước, ảnh hưởng đến việc thực hiện nhiệm vụ chính trị, tổn hại uy tín của tổ chức đảng và Quân đội, gây bức xúc trong cán bộ, chiến sĩ.
|
Trung tướng Nguyễn Văn Sơn, Phó bí thư Đảng ủy, Tư lệnh Cảnh sát biển. |
Trao đổi với PV Báo Tri thức và Cuộc sống, đại biểu Phạm Văn Hòa - Phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp, Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cho biết, khi biết tin hàng loạt tướng lĩnh Cảnh sát biển bị kỷ luật, bản thân ông rất bất ngờ. Đồng thời cho biết, việc xử lý kỷ luật đối với những cán bộ này là rất kịp thời của Ban Bí thư, cho thấy không có "vùng cấm" trong đấu tranh xử lý vi phạm.
“Vài năm gần đây, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng xảy ra nhiều việc cán bộ có chức có quyền, cấp hàm từ cấp tá, cấp tướng bị thi hành kỷ luật. Đây là vấn đề mà Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Bộ Quốc phòng, lãnh đạo tối cao cũng phải xem lại lực lượng. Một lực lượng chuyên chính vô sản được Đảng và Nhà nước tin cậy lại có những cán bộ tham gia vào những hành vi tiêu cực của xã hội” - đại biểu Phạm Văn Hòa nêu ý kiến.
Theo đại biểu Hòa, kinh phí phục vụ cho lực lượng Quân đội, Công an rất lớn dù không ai biết cấp bao nhiêu tiền, thậm chí Quốc hội cũng chưa rành rõ kinh phí cấp cho hai lực lượng này. Việc giáo dục ý thức trách nhiệm của cán bộ, người đứng đầu các đơn vị của lực lượng chuyên chính vô sản là cực kỳ quan trọng.
“Tôi nghĩ rằng, cần phải nghiên cứu, xem xét để có sự giám sát, kiểm tra chặt chẽ để hoạt động của họ phải đảm bảo. Vừa rồi Quốc hội mới thông qua Luật Cảnh sát biển Việt Nam trao quyền, giao những nhiệm vụ rất mạnh cho lực lượng này. Việc nhiều tướng lĩnh lực lượng cảnh sát biển bị kỷ luật rất đau xót, đau lòng, tất nhiên những ai sai phạm phải bị trừng trị thích đáng theo quy định của pháp luật, thậm chí truy cứu trách nhiệm hình sự” - đại biểu Hòa nêu ý kiến.
Phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp cho biết, khi có Luật Cảnh sát biển cho nên lực lượng cảnh sát biển được quyền thực thi nhiệm vụ theo luật, đặc biệt là vấn đề bảo vệ chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, bảo vệ bờ biển, hải đảo, tuần tra kiểm soát, truy lùng tội phạm trên biển, chống buôn lậu, chống gian lận thương mại trên biển… Nếu chúng ta bố trí những cán bộ cốt cán trong lực lượng cảnh sát biển mà không đủ phẩm chất, họ có những hành vi vi phạm rất nguy hiểm.
“Hoạt động của cảnh sát biển Việt Nam trên biển, các khâu kiểm tra, đôn đốc, giám sát, nhắc nhở thực thi đó là thuộc Bộ Quốc phòng. Do đó, Bộ Quốc phòng phải có trách nhiệm nếu cảnh sát biển có sai phạm. Bởi chỉ Bô Quốc phòng mới có nhiệm vụ kiểm tra, giám sát hoạt động của lực lượng cảnh sát biển chứ không có lực lượng nào giám sát kiểm tra nào cả” - đại biểu Phạm Văn Hòa cho biết.
>>> Mời độc giả xem thêm video 5 năm qua, hơn 2.500 đảng viên bị kỷ luật do tham nhũng: