Bằng thủ thuật phun sơn, dán cao su non, “chạm”, “khắc”, cắt lại gai mới… các lò “độ” lốp cũ biến những chiếc lốp xe quá đát thành những chiếc lốp như mới sử dụng. Bất chấp lời cảnh báo, các lò “độ” sẵn sàng thu mua, lên đời lốp cũ, khiến “tử thần” luôn rình rập, lơ lửng theo mỗi vòng quay bánh xe.
Nỗi ám ảnh khi chứng kiến sự thật
Ông Nguyễn Thanh Hùng (ngụ Q.Bình Tân, TP.HCM) – chủ gara ô tô Auto T.H. tiết lộ: “Đa số cánh lái xe tải đường dài tìm đến gara trước tiên là để làm lại lốp. Cánh này chạy nhiều, chở nặng, chuyên đi những cung đường xấu nên lốp mau mòn, hỏng gai. Tuy nhiên, thay một chiếc lốp mới “bèo” nhất cũng hết cả triệu bạc.
|
Lốp cũ sau khi "lên đời" đẹp long lanh, không khác gì lốp mới. |
Ngược lại, “độ” lốp cũ lại rất rẻ, rất nhanh. Tùy theo lốp, chủ xe chỉ tốn trên dưới trăm ngàn đồng. Do đó, nhiều tài xế lựa chọn cách này hơn”. Ông cho biết, gara của mình chỉ nhận “độ” cho những chiếc lốp còn đủ các thông số an toàn. Ông cũng cam đoan, công đoạn “độ” lại lốp cũ không khiến lái xe gặp nguy hiểm khi di chuyển.
“Bên mình không bán, thay lốp cũ, chỉ làm mới lại lốp “còn xài được” để các tay tài xế đường dài né mấy trạm đăng kiểm. Mình chỉ cắt, khắc lại gai mới, phun sơn... làm mới vỏ cũ khi lớp cao su dưới gai lốp dày đủ để cho phép tái tạo gai mà không ảnh hưởng đến sức mạnh, độ dẻo dai của lốp. Mấy chỗ khác, họ làm tất, nhận tất, bất kể lốp đã mòn nhẵn, các gai hầu như biến mất, lốp bằng phẳng luôn. Làm lại gai cho loại lốp này rất nguy hiểm vì lốp mất sự an toàn”, ông Hùng cho biết.
Theo sự giới thiệu của ông Hùng, chúng tôi thâm nhập lò chuyên “độ” lốp cũ cho xe tải Tuấn Dũng (Q.12, TP.HCM). Lò “độ” này ẩn sau gara sửa xe ô tô chuyên nghiệp. Tại đây, hàng trăm chiếc lốp xe cũ đủ mọi kích cỡ được nhân viên xếp thành từng chồng cao chạm mái che.
Công nghệ lên đời lốp xe cũ được gara Tuấn Dũng phân chia thành nhiều công đoạn với những mức giá khác nhau. Theo bảng giá, tại đây có dịch vụ cắt, chạm gai vỏ cũ, đắp lốp, thậm chí mài thông số cũ, ép lại thông số mới trên lốp xe quá hạn.
Bằng những cử chỉ của người trong nghề, ông Hùng hỏi giá công đoạn cắt gai cho chiếc lốp xe tải hiệu DRC đã mòn gai của mình. Nhân viên tại đây cho biết, loại lốp này thường có kiểu gai ngang nên hơi tốn công. Ở đây, cắt gai ngang 60.000 đồng/lốp, gai dọc lấy 50.000 đồng/lốp. Công đánh dầu bóng, quét keo trám nứt, rạn chân chim... tính riêng.
Khi được hỏi, liệu vỏ đã mòn trơn có khắc, cắt gai được không, nhân viên ở đây khẳng định có thể làm tất vì vừa chế được máy cắt. Để tạo các gai dọc cho chiếc lốp cũ, nhóm thợ sử dụng một loại dao tự chế xỉa vào vỏ ngoài lốp tạo thành đường, rãnh gai.
Sau đó, nhóm thợ lôi máy cắt cầm tay có lưỡi dao nhiệt ra để tạo gai ngang. Máy tới đâu, lớp vỏ cao su bong ra tới đó, tạo thành những đường rãnh nhỏ thẳng tắp hoặc lượn hình zích zắc. Để qua mặt cơ quan đăng kiểm, sau mỗi nhát xỉa, người xem có thể thấy phần kim loại của lốp lộ rõ ra ngoài.
Sau hơn 30 phút, chiếc lốp cũ vốn đã mòn, nhẵn thín, chi chít vết nứt, rạn chân chim được cánh thợ “độ” lốp lột xác hoàn toàn. Không còn vẻ ố vàng, bụi bẩn, chiếc lốp cũ được phun dầu bóng đen nhánh, bóng loáng.
Gai được cắt lại sâu, đều đặn như mới. Những vết nứt, rạn chân chim được trám keo nhẵn mịn, vết cắt gai lộ phần bố, kim loại được cánh thợ ngụy trang bằng lớp sơn đen như cao su. Tất cả công đoạn “cải tử hoàn sinh” chiếc lốp cũ chỉ có giá trên dưới 100.000 đồng.
Giỡn mặt thần chết
Theo tìm hiểu, tất cả các lò “độ” lốp xe ô tô cũ ngoài khâu cắt gai mới còn thực hiện công tác cà thông số kỹ thuật cũ, ép thành các số mới. “Chiêu” này được cánh tài xế cho là “bí kíp” qua mặt cơ quan đăng kiểm, thoải mái sử dụng các loại lốp cũ, không phù hợp.
Để chở được nhiều, nặng mà vẫn qua được mấy trạm đăng kiểm, các tài xế thường độ lốp bằng cách cà số cũ, ép lại số mới. Nhân viên tại đây cho biết, công đoạn cà số, ép số chỉ mất vài phút.
Theo cánh thợ “độ” lốp, việc ép số rất đơn giản, sau khi nhận lốp cần độ, các nhân viên dùng máy mài, bào mòn dòng thông số kỹ thuật trên lốp cần độ. Tiếp đến, dùng một chiếc khuôn ép nóng vào chỗ vừa mài.
Khuôn ép là một đồng hồ đo nhiệt, một tấm sắt có gắn điện trở và được khắc sẵn số, tùy yêu cầu của khách mà dùng các loại khuôn số khác nhau. Sau khoảng 20 phút, một dòng thông số kỹ thuật mới phù hợp, trùng khớp trong sổ đăng kiểm hình thành, tinh vi như chưa từng được sửa chữa(?!).
Thực tế cho thấy, ngoài ép số, hiện nay, các gara ô tô còn thực hiện khâu đắp, dán lốp. Ông Hưng, chủ gara ô tô Auto... công khai: “Với các gara không đủ máy móc, dụng cụ kỹ thuật, họ chỉ bào nhẵn vỏ cũ, dán keo chuyên dụng rồi đắp lên chiếc lốp cũ đó một lớp cao su mới. Cái này cũng giúp tiết kiệm chi phí nhưng nếu không làm đúng kỹ thuật vẫn gây nổ lốp, lật xe như thường”.
Các chuyên gia, kỹ sư ngành kỹ thuật ô tô cũng khẳng định, những “công nghệ” lên đời lốp cũ hết sức nguy hiểm. Bởi, lốp xe cũ, mòn hết gai khiến độ bám đường kém, lực ma sát không cao, bánh xe chịu lực thấp.
Lốp cũ vốn đã mòn do sử dụng lâu nay bị khắc, cắt sâu tạo gai mới khiến lốp càng mỏng hơn. Khi sử dụng, lốp này chạy trên mặt đường gồ ghề, nóng thì rất nguy hiểm. Vì quá mỏng, lốp xe dễ bị nổ gây mất an toàn, thậm chí có thể xảy ra tai nạn đáng tiếc.
Ông Nguyễn Thanh Đàm, Giám đốc trung tâm Huấn luyện kỹ thuật ô tô VATC cho biết: “Mỗi loại vỏ ô tô khi sản xuất đã được kỹ sư thiết kế với một thông số kỹ thuật phù hợp. Lớp bố trong vỏ ô tô giúp vỏ chịu được các lực nén, lực ma sát đảm bảo vỏ không bị nổ, bị phù. Phần rãnh, gai cao su có tác dụng tạo độ bám đường cho lốp. Khi phần rãnh, gai này mòn đi và được đem đi cắt, đắp lại sẽ không đảm bảo các thông số an toàn. Vì lốp đã mòn, khi khắc lại gai, rãnh sẽ làm phần bố có trong lốp đứt. Việc này khiến cho độ chịu lực, độ bám, hệ số ma sát của lốp không đúng chuẩn”.
Theo ông Đàm, một khi các hệ số trên không đạt chuẩn, đương nhiên lốp không an toàn dễ phù, méo, thậm chí nổ bánh xe khi lưu thông trên các đoạn đường cao tốc, đường xấu, lưu thông với tốc độ cao.
Cục Đăng kiểm chỉ đạo quản lý chặt
Ông Bùi Văn Hòa, PGĐ trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới 5007V – TP.HCM cho biết: “Hiện nay, đúng là có hiện tượng nhiều tài xế, chủ xe sử dụng lốp đắp, lốp cắt gai…, tuy nhiên, trung tâm chưa phát hiện trường hợp nào.
Vấn đề này cũng được cục Đăng kiểm Việt Nam lưu ý. Vừa qua, Cục đã có công văn chỉ đạo các trung tâm đăng kiểm phải triệt để quản lý chặt hiện tượng trên. Qua đây, các tài xế, chủ xe cũng cần phải lưu ý, việc sử dụng các loại lốp nói trên là hết sức nguy hiểm, không đảm bảo an toàn giao thông”.