Mới đây, thay mặt Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng đã ký thông báo số 20-TB/TW kết luận của Bộ Chính trị về chủ trương bố trí công tác đối với cán bộ thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý sau khi bị kỷ luật.
Đáng chú ý, Bộ Chính trị khuyến khích cán bộ bị kỷ luật cảnh cáo hoặc khiển trách mà năng lực hạn chế, uy tín giảm sút tự nguyện xin từ chức.
|
Bộ Chính trị khuyến khích cán bộ bị kỷ luật mà uy tín giảm sút tự nguyện từ chức. (Ảnh minh họa)
|
Tuy nhiên, thực tế thời gian qua cho thấy, nhiều trường hợp cán bộ bị kỷ luật, năng lực hạn chế, uy tín giảm nhưng tham quyền cố vị không tự nguyện xin từ chức. Dư luận đặt câu hỏi: “Thuốc” nào trị căn bệnh này?
Trong thông báo 20 nêu rõ: “Nếu không tự nguyện xin từ chức thì cấp có thẩm quyền xem xét miễn nhiệm theo quy định”.
Trao đổi với PV Báo Tri thức và Cuộc sống, Đại biểu Phạm Văn Hòa – Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp cho rằng, Bộ Chính trị ban hành kết luận, trong đó khuyến khích cán bộ bị kỷ luật cảnh cáo hoặc khiển trách mà năng lực hạn chế, uy tín giảm sút tự nguyện làm đơn xin từ chức. Đây là một vấn đề mở để cho mỗi một cán bộ có suy nghĩ về bản thân mình.
Nếu cán bộ có lòng tự trọng mà cảm thấy trong thời gian qua, bản thân hoạt động công tác vi phạm kỷ luật, năng lực hạn chế, yếu kém, dư luận có ý kiến mà vẫn giữ chức vụ như vậy thì phải suy nghĩ đến việc nộp đơn xin từ chức.
Dù người dân không nói ra nhưng họ bàn tán xôn xao. Thực tế thời gian qua đã có như vậy. Do đó mỗi cán bộ, đảng viên cần phải có suy nghĩ để thực hiện theo kết luận của Bộ Chính trị về văn hóa từ chức.
Theo ông Hòa, nếu cán bộ mà bị kỷ luật, năng lực hạn chế, uy tín giảm sút, theo kết luận của Bộ Chính trị mà không tự giác từ chức thì cấp thẩm quyền quản lý cán bộ, đảng viên đó phải động viên, khuyến khích để thực hiện nhiệm vụ khác hoặc cho thôi giữ chức vụ.
“Nếu tham quyền cố vị, đeo bám khi đang bị kỷ luật thì cần xem xét bản thân còn xứng đáng để giữ cương vị lãnh đạo, giữ vị trí đó hay không. Nếu còn có lòng tự trọng, thấy mình không xứng đáng thì nên thực hiện văn hóa từ chức là phù hợp. Không nên tham quyền cố vị để làm gì. Hãy để vị trí đó cho người khác, xứng đáng hơn. Đây cũng là vấn đề nêu gương cho các cán bộ khác trong văn hóa từ chức khi bị kỷ luật”, đại biểu Hòa cho biết.
|
Đại biểu Phạm Văn Hòa. |
Theo Bộ Chính trị, việc bố trí cán bộ sau khi từ chức, miễn nhiệm thực hiện theo quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước và theo định hướng: Cụ thể, cán bộ tự nguyện xin nghỉ hưu trước tuổi hoặc xin nghỉ công tác thì cấp có thẩm quyền xem xét theo nguyện vọng.
Trong trường hợp cán bộ có nguyện vọng tiếp tục công tác thì cấp có thẩm quyền xem xét bố trí như sau: Trường hợp thời gian công tác còn dưới 5 năm, với cán bộ là Uỷ viên Trung ương Đảng thì Bộ Chính trị xem xét, bố trí công tác phù hợp với từng trường hợp cụ thể.
Còn cán bộ ở cơ quan Trung ương và địa phương thì cấp có thẩm quyền xem xét, bố trí làm công tác chuyên môn (không làm công tác lãnh đạo, quản lý), được giữ nguyên ngạch công chức đã được bổ nhiệm.
Trường hợp thời gian công tác còn từ 5 năm trở lên thì cấp có thẩm quyền xem xét, bố trí công tác theo nguyên tắc như trên.
Thông báo cũng nêu rõ, cán bộ sau khi bị kỷ luật tự nguyện xin từ chức thì được cấp có thẩm quyền căn cứ tình hình thực tế tại cơ quan, đơn vị, địa phương xem xét từng trường hợp cụ thể để bố trí công tác theo hướng giảm một cấp so với chức vụ khi bị kỷ luật.
Sau 24 tháng công tác ở vị trí mới, nếu khắc phục tốt những sai phạm, khuyết điểm, được đánh giá hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, bảo đảm tiêu chuẩn, điều kiện thì được cấp có thẩm quyền xem xét quy hoạch, bổ nhiệm, giới thiệu ứng cử lại chức danh đã đảm nhiệm hoặc tương đương.
Bộ Chính trị cũng nêu rõ, việc bố trí công tác đối với cán bộ diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý sau khi bị kỷ luật nhằm thực hiện nghiêm kỷ luật, kỷ cương của Đảng và Quy định của Bộ Chính trị về việc miễn nhiệm, từ chức đối với cán bộ.
Đồng thời, kịp thời thay thế những cán bộ bị kỷ luật, năng lực hạn chế, uy tín giảm sút mà không chờ hết nhiệm kỳ, hết thời hạn bổ nhiệm, thực hiện phương châm "có vào, có ra, có lên, có xuống" trong công tác cán bộ, tạo điều kiện cho cán bộ bị kỷ luật có cơ hội sửa chữa, khắc phục khuyết điểm, tiếp tục phấn đấu, tu dưỡng, rèn luyện; góp phần tăng cường công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, củng cố niềm tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân đối với Đảng và chế độ.
>>> Mời độc giả xem thêm video 5 năm qua, hơn 2.500 đảng viên bị kỷ luật do tham nhũng: