Trao đổi với PV Tri thức và Cuộc sống về "trải nghiệm kinh hoàng" của cháu bé trong khóa tu tại chùa Cự Đà (xã Cự Khê, huyện Thanh Oai, TP Hà Nội), GS.TS Đỗ Quang Hưng, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Tôn giáo Việt Nam (Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam), Chủ nhiệm Hội đồng Tôn giáo Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và PGS.TS Lâm Bá Nam, Chủ tịch Hội Dân tộc học và Nhân học Việt Nam, cho rằng, khóa tu trải nghiệm mang nhiều ý nghĩa, nhưng nếu cơ sở vật chất không đảm bảo, điều kiện sinh hoạt của học sinh không được quan tâm, thì cần phải dừng ngay.
|
Chùa Cự Đà. |
Không phải khóa khổ luyện
Dịp nghỉ hè, nhiều chùa, cơ sở tự viện trong cả nước tổ chức các khóa tu sinh hoạt hè cho học sinh, việc này có ý nghĩa như thế nào?
GS.TS Đỗ Quang Hưng: Các khóa tu mùa hè của nhiều chùa từ Bắc đến Nam dành cho học sinh diễn ra chục năm nay. Nhà chùa muốn tham gia giáo dục, còn cha mẹ đưa con đến khóa tu tại chùa, hay học kỳ quân đội, để các cháu có trải nghiệm. Tôi nghĩ đây là việc rất lành mạnh, tạo ra không gian trị liệu tâm lý, chăm sóc sức khỏe tinh thần cho trẻ em.
Tôi quen nhiều chùa khá lớn có kinh nghiệm mở khóa tu, với những hoạt động phong phú. Ngoài khóa tu ngắn hạn cho học sinh, chùa còn mở lớp dạy võ. Tuy nhiên, tấm huy chương nào cũng có mặt trái.
|
GS.TS Đỗ Quang Hưng |
PGS.TS Lâm Bá Nam: Hè là dịp nghỉ ngơi của học sinh sau một năm học tập. Có nhiều hình thức đáp ứng nhu cầu của các cháu và phụ huynh dịp này, trong đó gồm cả khóa tu tại chùa và học kỳ quân đội. Ở một số nơi, trẻ tham gia câu lạc bộ thôn, khu, xóm, xã, phường.
Phật giáo là tôn giáo gần gũi, phổ biến trong đời sống người Việt. Về cơ bản, chúng ta dễ tiếp thu giá trị của Phật giáo, do gần với tâm thức người dân. Nhiều gia đình gửi con tham gia khóa học mùa hè theo ý nghĩa đó. Dù vậy, vẫn còn tình trạng tự phát mở khóa tu để lợi dụng, thu tiền.
Trải nghiệm kinh hoàng của một học sinh tại khóa tu
Phụ huynh tên N. đăng lên mạng xã hội trường hợp con mình là cháu P. tham gia khóa tu mùa hè tại chùa Cự Đà, có “trải nghiệm kinh hoàng”. Sau 5 ngày con theo khóa tu tại chùa Cự Đà, chị N. sốc vì nhìn P. bẩn thỉu, chân tay bị muỗi đốt chi chít. Phát hiện tay con bị sưng to, phụ huynh gặng hỏi, cháu nói bị bạn dùng ghế gỗ đập mạnh vào đầu và tay. Nhà chùa không thông tin sự việc này đến gia đình.
Trong tâm thư sám hối và xin lỗi, bà Diệu Tịnh Thu, phụng sự phật pháp và trợ duyên khóa tu ở chùa Cự Đà, thừa nhận, trong quá trình tham gia khóa tu, cháu P. có va chạm với một bạn khác rồi hai bên đánh nhau.
Liên quan việc bà Thu đăng tải thông tin trên nhóm Zalo về nhận tu sinh khóa 3, đưa đi trải nghiệm ở khu resort, Đại đức Thích Di Kiên - Trụ trì chùa Cự Đà - cho hay, đã yêu cầu bà Thu tạm dừng tất cả hoạt động của khóa tu.
Sự việc xảy ra với một học sinh khi trải nghiệm khóa tu tại chùa Cự Đà cho thấy thực trạng, mặt trái cần phải chấn chỉnh tại một số khóa tu trên cả nước?
PGS.TS Lâm Bá Nam: Không chỉ riêng chùa Cự Đà, một số chùa tổ chức khóa tu cho học sinh nhưng cơ sở vật chất không đảm bảo điều kiện tối thiểu, chỗ ở chật chội, số lượng các cháu quá đông... Đó là vấn đề cần xem xét.
Đây không phải khóa tu khổ luyện, học sinh tham gia khóa tu vừa học, vừa chơi mang tính chất trải nghiệm. Sự việc liên quan một học sinh tại chùa Cự Đà là đáng tiếc. Chưa bàn đến việc cháu bị bạn đánh, theo phản ánh của phụ huynh, kết thúc khóa tu, cháu vẫn mặc nguyên chiếc áo từ hôm đến, mặt mũi nhem nhuốc, chân tay nhiều vết muỗi đốt, không được tắm, nhà vệ sinh bẩn và phải ngủ dưới nền đất… cho thấy rõ ràng cơ sở vật chất không đảm bảo nhu cầu sinh hoạt tối thiểu.
Tôi chưa rõ khóa tu này thu học phí bao nhiêu, đóng góp của các gia đình như thế nào, nhưng lẽ ra phải tạo một môi trường để trẻ em vui chơi, học tập, trải nghiệm. Để trẻ bị hành hạ về thể xác, tinh thần là không thể chấp nhận được, không đúng với ý nghĩa tu tập. Cần phải chấn chỉnh ngay việc này. Thậm chí, phải hạn chế lập tức một số khóa tu tập tại chùa không đảm bảo về cơ sở vật chất.
|
PGS.TS Lâm Bá Nam |
Đưa học sinh đến khu resort tu tập là không phù hợp
Dư luận phản ứng khi bà Diệu Tịnh Thu, phụng sự phật pháp và trợ duyên khóa tu ở chùa Cự Đà, tiếp tục đăng tải thông tin trên nhóm Zalo về việc nhận tu sinh khóa 3, trải nghiệm ở khu resort. Rõ ràng việc tu tập tại nơi sang chảnh này không đúng ý nghĩa của khóa tu?
PGS.TS Lâm Bá Nam: Mới đây, Đại đức Thích Di Kiên, Trụ trì chùa Cự Đà, thông tin rằng, đã yêu cầu bà Thu tạm dừng tất cả hoạt động của khóa tu. Đồng thời, nhà chùa đang gấp rút hoàn thiện thủ tục để trả lại 86 triệu đồng mà bà Thu nhận từ phụ huynh có con em đăng ký tu khóa 3 tại chùa Cự Đà. Đây là hành động cần thiết, bởi việc đưa học sinh đến khu resort tu tập là không phù hợp. Việc trải nghiệm tu tập phải nằm trong không gian văn hóa Phật giáo mới có ý nghĩa.
Người ta muốn tiếp tục các khóa tu tập, nhà chùa không đáp ứng được nên họ nảy ý định đưa ra khu resort. Điều đó không đúng với không gian của khóa tu tập, thiếu đi tính thiêng liêng, nghiêm túc.
Dừng khóa tu tại khu resort:
Liên quan việc cô Diệu Tịnh Thu đăng tải thông tin trên nhóm Zalo về việc nhận tu sinh khóa 3 và đưa đi trải nghiệm ở khu resort, Đại đức Thích Di Kiên - Trụ trì chùa Cự Đà cho biết ngay khi nắm thông tin đã yêu cầu bà Thu tạm dừng tất cả các hoạt động của khóa tu. Với số tiền 86 triệu đồng mà cô Thu nhận từ các phụ huynh có con em đăng ký tu khóa 3, nhà chùa đã nhận và đang hoàn thiện thủ tục để hoàn trả lại tiền cho các phụ huynh.
Để không còn xảy ra sự việc đáng tiếc như ở chùa Cự Đà, chúng ta cần quan tâm những giải pháp nào?
GS.TS Đỗ Quang Hưng: Các bậc cha mẹ cần nghiên cứu kỹ những khóa tu tại chùa trước khi gửi con theo học, không nên chỉ chạy theo đám đông.
Giáo hội Phật giáo Việt Nam cần để tâm việc này. Các chủ thể cai quản chùa cũng cần quan tâm chỉ đạo thực hiện tốt khóa tu. Thông thường, khi mang tính dân sự, những phức tạp khác sẽ phát sinh so với khóa tu thuần túy trong nội bộ chùa. Đặc biệt, bậc tu hành, người giúp việc tại chùa tham gia lớp phải nắm được luật, quy định của Bộ GD&ĐT, không để xảy ra sự việc như trên.
PGS.TS Lâm Bá Nam: Phụ huynh gửi con đến tham gia khóa tu tập phải xem xét cơ sở có đáp ứng được nhu cầu tối thiểu về vệ sinh, ăn uống, nghỉ ngơi của trẻ hay không. Đồng thời, chính quyền địa phương kiểm soát chặt chẽ khóa tu, kể cả về nội dung lẫn điều kiện tổ chức. Nơi nào đáp ứng được có thể cho tổ chức, nếu không phải bắt dừng.
Nghỉ hè là dịp trẻ tiếp cận trải nghiệm hoạt động bổ ích. Tu tập là học những yếu tố mang tính giá trị trong Phật giáo để thành người tốt, chứ không phải trở thành nhà sư. Tôi cũng cho rằng, Giáo hội Phật giáo Việt Nam cần phải chấn chỉnh các khóa tu tập trong hệ thống chùa đúng theo phương châm tốt đời, đẹp đạo.
Xin cảm ơn các chuyên gia!
Ban Tôn giáo Hà Nội nói gì?
Lãnh đạo Ban Tôn giáo TP Hà Nội khẳng định, Ban đã làm việc với Giáo hội Phật giáo huyện Thanh Oai (Hà Nội) về trường hợp phụ huynh phản ánh con bị đánh tại khóa tu mùa hè ở chùa Cự Đà. Ban Tôn giáo TP Hà Nội đã yêu cầu các quận, huyện tổng hợp toàn bộ danh sách khóa tu tổ chức trong mùa hè 2023. Với những khóa tu đang hoặc sắp tổ chức trên địa bàn thành phố, Ban sẽ đôn đốc, chỉ đạo rà soát kỹ về cơ sở vật chất, năng lực tổ chức. Nhà chùa chưa đủ điều kiện, cần tạm dừng khóa tu.
Đại đức Thích Nguyên Chính, Phó chánh Văn phòng Giáo hội Phật giáo Việt Nam, thông tin, Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam huyện Thanh Oai yêu cầu ban tổ chức các khóa tu tìm cách khắc phục, hòa giải với gia đình cháu bé, đồng thời tạm dừng những khóa tu tiếp theo dự định tổ chức ở chùa Cự Đà…
>>> Mời độc giả xem thêm video Địa Tạng Phi Lai Tự, ngôi chùa xanh mát đẹp như chốn thần tiên