Liên quan đến vụ việc một người đàn ông bị đâm trọng thương sau khi cứu cô gái gặp tai nạn giao thông ở Bắc Ninh, Công an huyện Thuận Thành đã triệu tập nghi phạm Nguyễn Hữu Khá (trú tại huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh) - Người bị tình nghi đã dùng dao đâm anh Nguyễn Hải Sơn (35 tuổi, trú tại phố Trẹm, xã Trạm Lộ, huyện Thuận Thành) - lên cơ quan công an vào khoảng 20h ngày 14/2/2017. Dư luận băn khoăn nếu đối tượng Khá là kẻ có hành vi đâm trọng thương anh Nguyễn Hải Sơn thì sẽ phạm tội gì và bị xử lý ra sao?
Luật sư Nguyễn Anh Thơm, Trưởng Văn phòng Luật sư Nguyễn Anh (Đoàn Luật sư Hà Nội) nhìn nhận, nếu cơ quan công an xác định nghi phạm Nguyễn Hữu Khá là người thực hiện hành vi đâm thấu phổi anh Nguyễn Hải Sơn thì nghi phạm này có dấu hiệu phạm tội giết người.
|
Anh Nguyễn Hải Sơn đang điều trị tại bệnh viện. |
“Điều 19 Hiến pháp 2013 qui định: “Mọi người có quyền sống. Tính mạng con người được pháp luật bảo hộ. Không ai bị tước đoạt tính mạng trái luật”. Bởi vậy, hành vi của nam thanh niên đã dùng dao đâm vào vùng trọng yếu trên cơ thể (vùng phổi) của người đưa nạn nhân bị tai nạn giao thông đi cấp cứu đã gây nguy hiểm đến tính mạng người khác. Hậu quả không chết người là nằm ngoài ý muốn chủ quan, do đó đối tượng phải chịu trách nhiệm về tội giết người theo điểm n, khoản 1 điều 93 Bộ luật hình sự 1999 với hậu quả chưa đạt theo Điều 18 Bộ luật hình sự “Phạm tội chưa đạt là cố ý thực hiện tội phạm nhưng không thực hiện được đến cùng vì những nguyên nhân ngoài ý muốn của người phạm tội. Người phạm tội chưa đạt phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm chưa đạt””, Luật sư Nguyễn Anh Thơm cho biết.
Luật sư Nguyễn Anh Thơm phân tích, về mặt chủ quan, lỗi của đối tượng là lỗi cố ý trực tiếp. Pháp luật buộc công dân phải nhận thức được dao là loại hung khí nguy hiểm. Nếu khi tác động vào vùng trọng yếu trên cơ thể sẽ dẫn tới nguy hiểm đến tính mạng. Việc anh Sơn không bị chết là do được cấp cứu kịp thời và nằm ngoài ý chí chủ quan của đối tượng. Mặt khác, cho dù anh Nguyễn Hải Sơn có là người gây tai nạn và đã có ý thức đưa người bị nạn vào bệnh viện cấp cứu thì việc nhóm bạn của người bị tai nạn hành xử theo kiểu sử dụng vũ lực là không thể chấp nhận được. Kết quả điều tra của Công an huyện Thuận Thành (Bắc Ninh) đã xác định, anh Nguyễn Hải Sơn chỉ là người dân thấy người bị tai nạn giao thông nên đưa người gặp nạn vào bệnh viện để cấp cứu.
"Đây là một hành động rất đáng khen ngợi, tuy nhiên việc làm tốt đẹp này lại bị “trả ơn” bằng nhát đâm thấu phổi của nhóm bạn người bị tai nạn giao thông khiến nhiều người cảm thấy bức xúc và gây hoang mang lo lắng cho dư luận xã hội", Luật sư Thơm cho hay.
Điều 93. Tội giết người
1. Người nào giết người thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ mười hai năm đến hai mươi năm, tù chung thân hoặc tử hình:
a) Giết nhiều người;
b) Giết phụ nữ mà biết là có thai;
c) Giết trẻ em;
d) Giết người đang thi hành công vụ hoặc vì lý do công vụ của nạn nhân;
đ) Giết ông, bà, cha, mẹ, người nuôi dưỡng, thầy giáo, cô giáo của mình;
e) Giết người mà liền trước đó hoặc ngay sau đó lại phạm một tội rất nghiêm trọng hoặc tội đặc biệt nghiêm trọng;
g) Để thực hiện hoặc che giấu tội phạm khác;
h) Để lấy bộ phận cơ thể của nạn nhân;
i) Thực hiện tội phạm một cách man rợ;
k) Bằng cách lợi dụng nghề nghiệp;
l) Bằng phương pháp có khả năng làm chết nhiều người;
m) Thuê giết người hoặc giết người thuê;
n) Có tính chất côn đồ;
o) Có tổ chức
2. Phạm tội không thuộc các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này, thì bị phạt tù từ bảy năm đến mười lăm năm.
3. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm, phạt quản chế hoặc cấm cư trú từ một năm đến năm năm.