Đây là công trình quan trọng được được xây dựng nhằm gia cố, bảo vệ tuyến đường du lịch ven biển Nhật Lệ.
Tuyến kè Nhật Lệ, TP Đồng Hới, Quảng Bình có chiều dài 860m, tổng giá trị xây lắp là 26 tỷ đồng.
Chủ đầu tư và đơn vị thi công khẳng định làm đúng
Trong đợt mưa lũ vừa qua, 150m kè đã bị sóng đánh sập mặc dù công trình chưa bàn giao.
|
Tuyến kè Nhật Lệ dài 860m. |
|
150m kè bị sóng đánh sập hoàn toàn mặc dù chưa bàn giao.
|
Trao đổi với VietNamNet, ông Nguyễn Văn Sỹ, Giám đốc Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng và phát triển quỹ đất TP Đồng Hới (chủ đầu tư dự án) thông tin, công trình này do Công ty TNHH Tư vấn Đầu tư xây dựng Hà Nội - Quảng Bình thiết kế, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) là đơn vị thẩm định, Công ty TNHH xây dựng và thương mại Hải Thành và Công ty TNHH xây dựng Tiến Thành thi công.
“Vừa rồi chúng tôi đã gọi các đơn vị liên quan đến họp và tìm cách khắc phục chứ biện pháp thi công thì đảm bảo đúng hồ sơ thiết kế. Còn việc thiết kế có vấn đề không thì phải kiểm tra lại chứ trong cuộc họp, đơn vị nào cũng bảo vệ phương án của mình.
Chúng tôi cũng đảm bảo 100% về việc sử dụng thép khi xây dựng, đồng thời đề nghị xem lại vị trí xung yếu của tuyến kè để có thiết kế khác với những đoạn còn lại. Chi phí cho việc này trước mắt nằm trong tổng kinh phí của công trình”, ông Sỹ cho biết.
|
Nhiều đoạn thân kè đứt gãy, sụt lún, gãy đổ nằm chồng lên nhau.
|
Khi được hỏi về việc thiết kế kè chịu được bão cấp 9, 10 nhưng từ khi xây dựng đến nay chưa có cơn bão nào đổ bộ vào tỉnh Quảng Bình nhưng kè vẫn hư hỏng thì ông Sỹ thông tin, sẽ có đơn vị thiết kế và thẩm định trả lời, Ban chỉ làm thủ tục hồ sơ pháp lý.
Trong khi đó, ông Bùi Ngọc Đảm, Giám đốc công ty TNHH xây dựng Tiến Thành (đơn vị thi công đoạn kè bị sập) cũng khẳng định thi công hoàn toàn đúng như thiết kế.
“Việc hỏng kè là chuyện lớn, chúng tôi đã yêu cầu chủ đầu tư mời bảo hiểm và các đơn vị vào cuộc để tìm ra nguyên nhân.
Nếu họ khẳng định thiết kế đúng, chúng tôi chấp nhận bỏ tiền ra làm lại, nhưng làm lại như thế rồi cũng hỏng thôi. Còn việc nhiều chỗ không có thép thì cứ đưa bản vẽ ra đối chiếu là được. Riêng tôi khẳng định một que cũng không thiếu, mác bê tông cũng vậy”, ông Đảm nói.
Đơn vị thẩm định: Nhà thầu thi công sai thiết kế
Dù phía nhà thầu rất chắc chắn, khẳng định làm đúng nhưng đại diện Phòng quản lý xây dựng công trình, Sở NN&PTNT (đơn vị thẩm định) lại cho rằng nhà thầu làm sai thiết kế.
|
Phía đơn vị thi công khẳng định không thiếu một que sắt. |
“Vấn đề ở đây không phải là sắt và xi măng, đây là việc nhà thầu không xử lý nền đất cát phía dưới kè mà đã đổ bê tông lên, kè không có chân thì sập thôi.
Nhiều công trình làm cùng thời điểm, cùng thiết kế như kè Cảnh Dương giai đoạn 2, Quảng Phú, Nhân Trạch đấu vào kè cũ nhưng không bị hư hỏng. Thiết kế chịu được bão cấp 9, 10 mà cấp 7, 8 nó hỏng thì nói thiết kế, chứ đây chưa gió bão gì mà cũng hỏng thì thi công sai rồi, phải làm lại chứ khắc phục chỉ tốn chi phí”, vị này cho hay.
|
Đơn vị thẩm định nguyên nhân sập là do nhà thầu không xử lý nền đất cát phía dưới. |
Khi được hỏi về việc có thiết kế lại như nhà thầu yêu cầu hay không thì ông này thông tin, phải có kết luận chính thức từ cơ quan chức năng về nguyên nhân khiến kè bị sập mới tính đến các phương án.
Còn thông tin năm vào 2020 kè đã bị sập một lần là không chính xác, vì lúc đó mới chỉ làm đường công vụ và bị lún một số ống bi nên không ảnh hưởng gì.
Được biết, vì đang là mùa mưa nên chủ đầu tư và đơn vị thi công đã thống nhất dùng bao cát, rọ đá và vải địa kỹ thuật để chèn vào các điểm giáp ranh giữa đoạn lở và chưa lở, chống moi cát nhưng không ăn thua.
Hiện Công an Quảng Bình cũng đã tới kiểm tra sau khi báo chí phản ánh sự việc.
Kè được thực hiện từ năm 2019, phấn đấu hoàn thành các hạng mục trong năm 2020. Tuy nhiên do dịch bệnh Covid-19 và tình hình mưa lũ phức tạp nên gần đây mới hoàn thành, chưa kịp bàn giao thì tỉnh Quảng Bình lại giãn cách xã hội do dịch bệnh bùng phát, sau đó bị sập do mưa lũ.