Huyện phó tỉnh Tây Ninh nhận nhà tình nghĩa: Làm quan... được ưu ái?

Google News

(Kiến Thức) - Ông Lê Văn Tuấn đang đương chức Phó Chủ tịch HĐND huyện Châu Thành, tỉnh Tây Ninh nhận nhà nghĩa tình, trong khi gia đình ông có hoàn cảnh kinh tế khá giả, có đến 2 xe con khiến dư luận vô cùng…ngạc nhiên.

Vụ việc ông Lê Văn Tuấn đang đương chức Phó Chủ tịch HĐND, Ủy viên thường vụ Huyện ủy huyện Châu Thành tỉnh Tây Ninh, nhà có hoàn cảnh kinh tế khá giả, có đến 2 xe hơi nhưng vẫn được nhận “nhà nghĩa tình” khiến dư luận bức xúc.
Bất bình hơn nữa, khi "Nhà nghĩa tình cựu chiến binh" mà ông Lê Văn Tuấn được nhận lại trị giá gấp 5 lần so với bình thường.
Theo đó, ngày 6/9/2019, Hội cựu chiến binh Việt Nam và các mạnh thường quân đã trao tặng căn nhà nghĩa tình cho ông Lê Văn Tuấn trị giá đến 250 triệu đồng và một sổ tiết kiệm trị giá 30 triệu đồng. Trong số tiền này, có 60 triệu từ nguồn vốn từ Trung ương, 150 triệu của các mạnh thường quân.
Đáng chú ý, theo Chủ tịch Hội cựu chiến binh xã Thanh Điền, năm 2002, ông Tuấn đã được cấp đất và xây nhà tình nghĩa. Do vậy lần này đổi tên thành “nhà nghĩa tình cựu chiến binh” vì không được nhận nhà tình nghĩa 2 lần.
Việc này khiến ngay cả những người dân địa phương cũng bức xúc bởi nhà nghĩa tình cựu chiến binh là để hỗ trợ cho các cựu chiến binh có hoàn cảnh khó khăn, trong khi gia đình ông Tuấn khá giả, con cái đều thành đạt.
Huyen pho tinh Tay Ninh nhan nha tinh nghia: Lam quan... duoc uu ai?
"Nhà nghĩa tình" ông Lê Văn Tuấn được nhận (ảnh nhỏ. Nguồn: Dân trí) và "nhà tình nghĩa" những gia đình khó khăn được nhận ở Tây Ninh. 
Trao đổi với PV Kiến Thức, luật sư Hoàng Tùng, Trưởng Văn phòng Luật sư Trung Hòa cho rằng, “nhà nghĩa tình” hay “nhà tình nghĩa” đều được hiểu là những căn nhà ở được xây dựng từ nguồn của các hoạt động từ thiện của cộng đồng hay quyên góp của chính quyền hoặc các tổ chức đoàn thể, cá nhân để giúp đỡ những hộ dân có hoàn cảnh kinh tế khó khăn.
Do đó, thực tế pháp luật không có quy định về điều kiện trao nhà tình nghĩa mà chỉ có những quy định điều chỉnh liên quan đến việc xây dựng, giao đất cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở, quyền sử dụng đất…Việc điều kiện xét duyệt ra sao, nguồn kinh phí như thế nào sẽ phụ thuộc và kế hoạch của từng đoàn đội, từng hội, từng địa phương.
Luật sư Tùng cho rằng, việc giao “nhà nghĩa tình” cho ông Lê Văn Tuấn đúng hay sai thì cần phải xem tại các quyết định, văn bản chỉ đạo có nêu rõ các tiêu chí xét duyệt để trao tặng nhà tình nghĩa của HCCB Việt Nam và tỉnh Tây Ninh hay không? Tại thời điểm tiến hành khảo sát thì hoàn cảnh gia đình ông Tuấn có phù hợp với các tiêu chí, điều kiện xét duyệt hay không? Việc giao nhà có đúng với trình tự quy định không?
“Trường hợp phát hiện trong công tác xét duyệt, khảo sát, thẩm định thẩm tra mà có sai phạm hoặc có các hành vi thiếu trách nhiệm dẫn đến những sai lầm thì sai phạm đến đâu, tiến hành xử lý đến đó" - luật sư Hoàng Tùng cho hay.
Đồng thời, theo luật sư Tùng, ông Tuấn là người được nhận “nhà tình nghĩa” hay “nhà nghĩa tình” cũng cần phải tự xem xét lại vấn đề này.
“Dù việc ông Tuấn nhận căn nhà này không phải do ông có quyền quyết định. Nhưng ông là Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân, Ủy viên thường vụ Huyện ủy huyện Châu Thành tỉnh Tây Ninh và là một Đảng viên thì ông hoàn toàn có thể nhận thức và hiểu rõ về hoàn cảnh gia đình của mình đến đâu và hoàn cảnh của nhiều đồng đội cùng là cựu chiến binh, hay những gia đình khó khăn hơn mình rất nhiều. Việc ông nhận căn nhà như vậy có phù hợp không? Hay ông hoàn toàn có thể từ chối để trao lại cho người có hoàn cảnh khó khăn hơn mình?” - luật sư Tùng cho hay.
Trao đổi về vụ việc trên, luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng Văn phòng Luật sư Chính Pháp (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) dẫn quy định tại Điều 1, Quyết định số 22/2013/QĐ-TTg khi áp dụng chính sách hỗ trợ hộ gia đình người có công với cách mạng về nhà ở.
Theo đó, cần đảm bảo các nguyên tắc: Hỗ trợ cho hộ gia đình mà người có công với cách mạng, thân nhân liệt sỹ hiện đang ở và có hộ khẩu thường trú tại nhà ở đó trước ngày 15/6/2013.
Cần huy động từ nhiều nguồn vốn để thực hiện: Nhà nước hỗ trợ, cộng đồng giúp đỡ, hộ gia đình tham gia đóng góp và tự tổ chức xây dựng nhà ở. – Sau khi được hỗ trợ, các hộ xây dựng được nhà ở mới hoặc sửa chữa, nâng cấp nhà ở đã có, đảm bảo diện tích sử dụng tối thiểu 30 m2 (đối với những hộ độc thân thì có thể xây dựng nhà ở có diện tích sử dụng nhỏ hơn nhưng không thấp hơn 24 m2); đảm bảo “3 cứng” (nền cứng, khung – tường cứng, mái cứng).
Về đối tượng áp dụng, luật sư Cường cho biết, chính sách hỗ trợ này được áp dụng đối với những hộ gia đình có một hoặc nhiều người có công với cách mạng.
Trong đó, người có công với cách mạng được liệt kê tại Khoản 1, Điều 1 Pháp lệnh 04/2012/UBTVQH13 sửa đổi bổ sung một số điều của Pháp lệnh 26/2005/PL-UBTVQH11 về ưu đãi người có công với cách mạng của Uỷ ban thường vụ Quốc hội bao gồm:
– Người hoạt động cách mạng trước ngày 1/1/1945; Người hoạt động cách mạng từ ngày 1/1/1945 đến ngày khởi nghĩa tháng Tám năm 1945; Liệt sĩ; Bà mẹ Việt Nam anh hung; Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân; Anh hùng Lao động trong thời kỳ kháng chiến; Thương binh, người hưởng chính sách như thương binh; Bệnh binh; Người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học; Người hoạt động cách mạng, hoạt động kháng chiến bị địch bắt tù, đày; Người hoạt động kháng chiến giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc và làm nghĩa vụ quốc tế; Người có công giúp đỡ cách mạng.
Về điều kiện áp dụng Căn cứ Điều 2 của Quyết định này hộ gia đình được hỗ trợ khi có đủ các điều kiện sau: Là hộ gia đình có người có công với cách mạng đã được cơ quan có thẩm quyền công nhận nêu ở trên; Nhà đang ở là nhà tạm hoặc nhà ở bị hư hỏng nặng (kể cả các hộ đã được hỗ trợ theo các chính sách khác trước đây) với mức độ như sau: Phải phá dỡ để xây mới nhà ở. Phải sửa chữa khung, tường và thay mới mái nhà ở.
Mời độc giả xem thêm video Vụ nhà 3 tầng vẫn nghèo: Lựa chọn vì...tình cảm:
  Nguồn VTC1.
Tâm Đức

>> xem thêm

Bình luận(0)