|
Đêm 28/5, cuộc tầm soát COVID-19 thần tốc cho 50.000 người dân phường 15, quận Gò Vấp, được thực hiện xuyên đêm. Đây là đợt lấy mẫu quy mô lớn nhất lúc bấy giờ. Ảnh: Duy Hiệu. |
Từ 0h ngày 31/5, quận Gò Vấp và phường Thạnh Lộc (quận 12) áp dụng Chỉ thị 16, trong khi cả TP.HCM thực hiện Chỉ thị 15. Ngay những ngày đầu, các chốt cửa ngõ Gò Vấp ùn ứ hàng km do kiểm soát người ra vào. Chính quyền phải liên tục thay đổi phương án hạn chế người ra vào quận.
Sau 2 tuần giãn cách, tình hình Gò Vấp khởi sắc, nhiều khu vực được gỡ phong tỏa. “Ổ dịch” nhóm truyền giáo được kiểm soát.
|
Đúng 0h đêm 31/5, tất cả cửa gõ quận Gò Vấp được dựng rào chắn, kiểm soát người ra vào. Liên tục những ngày sau đó là tình trạng ừn ứ do lượng phương tiện quá đông. Ảnh: Phạm Ngôn - Quỳnh Danh - Chí Hùng. |
Tuy nhiên, TP.HCM liên tục phát hiện hàng loạt chuỗi lây nhiễm mới, ổ dịch chồng ổ dịch, ngành y tế dần mất dấu nguồn lây. Số ca nhiễm không giảm buộc thành phố phải tiếp tục giãn cách xã hội thêm 2 tuần tiếp theo từ 14/6.
Giai đoạn ấy, mối quan tâm của cả người dân và hệ thống chống dịch đổ dồn về công tác truy vết, xét nghiệm để phát hiện và kiểm soát chuỗi lây nhiễm. Mọi F0 được phát hiện đều lập tức được khoanh vùng, cách ly.
|
Những ngày đầu tháng 6, TP.HCM chạy đua bóc tách F0 cách ly đi cách ly, nhưng những ổ dịch nhỏ liên tục xuất hiện. Ảnh: Duy Hiệu. |
Ngày 12/6, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM phát hiện những ca mắc COVID-19 đầu tiên. Dù các nhân viên tại đây đều đã tiêm vaccine, số ca mắc vẫn lên tới 60 trường hợp. Đây là đòn giáng mạnh vào ngành y tế khi dịch xâm nhập vào chính bệnh viện tuyến cuối của thành phố, cho thấy sự nguy hiểm của biến chủng Delta.
|
Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM được coi là thành trì cuối cùng chống COVID-19 nhưng đã có tới 60 trường hợp mắc COVID-19. Cả bệnh viện được khử khuẩn và phong tỏa 14 ngày. Ảnh: Duy Hiệu - Chí Hùng. |
Nhận thấy vaccine là lối ra duy nhất, ngày 20/6, TP.HCM chính thức bước vào chiến dịch tiêm chủng thần tốc (đợt 4) với mục tiêu tiêm 786.000 mũi vaccine trong 7 ngày cho các nhóm ưu tiên theo Nghị quyết 21 của Thủ tướng.
Sau giai đoạn đầu chuệch choạc, TP.HCM đạt mục tiêu đề ra với tốc độ tiêm nhanh gấp 10 lần so với trước đây.
|
Nhà thi đấu Phú Thọ (quận 11) là điểm tiêm lớn nhất của TP.HCM trong chiến dịch tiêm chủng vaccine COVID-19 cuối tháng 6. Ảnh: Quỳnh Danh. |
Cuối tháng 6, Thủ tướng Phạm Minh Chính vào kiểm tra công tác phòng, chống dịch tại TP.HCM. Nhận thấy điều bất ổn trong công tác xét nghiệm của thành phố, ông yêu cầu đẩy mạnh hơn việc sử dụng test nhanh thay vì test PCR và tận dụng tốt hơn công nghệ trong phòng, chống dịch.
|
Thủ tướng Phạm Minh Chính trong chuyến thị sát Bệnh viện dã chiến điều trị COVID-19 số 6 tại TP.HCM. Ảnh: Duy Hiệu. |
Chống chọi
Ngay sau chiến dịch tiêm chủng lịch sử, từ ngày 26/6, TP.HCM tiếp tục bước vào chiến dịch xét nghiệm COVID-19 cho 5 triệu dân trong 10 ngày. Thành phố tập trung lấy mẫu toàn bộ người dân trên địa bàn đang có nhiều ca dương tính gồm quận 8, quận Bình Tân, quận Tân Phú, huyện Bình Chánh và huyện Hóc Môn. Sau đó, TP lấy mẫu tại TP Thủ Đức và các quận, huyện còn lại tùy theo diễn biến của dịch bệnh.
|
Từ ngày 26/6, TP.HCM lên kế hoạch lấy mẫu cho 5 triệu người, dự kiến 500.000 mẫu/ngày. Ảnh: Duy Hiệu. |
“Không bỏ sót” F0 là mục tiêu mà thành phố theo đuổi khi đó. Tuy nhiên, thực tế cho thấy mục tiêu này là quá sức với TP.HCM khi không thể đạt được mục tiêu đề ra.
Ngay sau đó, ngành y tế lại phải đối mặt với tình trạng tập trung người dân đổ xô tới các điểm xét nghiệm dịch vụ do cần giấy xét nghiệm âm tính đến các tỉnh, thành khác.
Cùng lúc đó, từ 6/7 đến 8/7, học sinh tại TP.HCM bước vào kỳ thi THPT trong bối cảnh dịch bệnh vẫn đang lây lan trong cộng đồng. Nhiều thí sinh được phát hiện là F0 trong ngày thi khiến nhiều học sinh phải cách ly ngay tại điểm thi.
|
Điểm thi trường THPT Lê Quý Đôn (quận 3) ghi nhận thí sinh dương tính với SARS-CoV-2. Các em học sinh được cách ly tại tại điểm thi cho đến khi kết thúc kỳ thi. Ảnh: Chí Hùng. |
Số F0 liên tục tăng ngoài cộng đồng đặt gánh nặng lớn lên vai khối điều trị. Hàng loạt bệnh viện dã chiến được thiết lập thần tốc và đi vào hoạt động chỉ sau 24 giờ. Lần đầu tiên, các khu nhà tái định cư được tận dụng làm nơi thu dung, điều trị cho hàng chục nghìn F0.
|
Cụm bệnh viện dã chiến số 6, 7, 8, 9,12 tại khu tái định cư Thủ Thiêm (phường An Khánh, TP Thủ Đức) có quy mô hơn 18.000 giường. Ảnh: Duy Hiệu. |
Nhiều bệnh viện dã chiến được thiết lập từ con số 0, ngay trên những khu đất trống ở khu vực ngoại thành. Bệnh viện Ung bướu cơ sở 2 được trưng dụng làm Bệnh viện Hồi sức COVID-19 lớn nhất Việt Nam với quy mô 1.000 giường. Mục tiêu cao nhất của TP.HCM lúc này là hạn chế số ca tử vong.
Sau 4 lần kéo dài các biện pháp giãn cách xã hội để phòng, chống dịch COVID-19, TP.HCM chính thức quyết định áp dụng Chỉ thị 16 từ 0h ngày 9/7.
Khi thời gian giãn cách xã hội ngày càng kéo dài, nhiều người lao động ngoại tỉnh dần “đuối sức” khi không thể đi làm, mất đi nguồn thu nhập. Hàng nghìn người đổ về quê bất chấp quy định về cách ly xã hội.
|
Sáng 15/8, hàng trăm người chạy xe máy đổ xô về quê qua cửa ngõ phía đông sau khi TP.HCM công bố giãn cách xã hội thêm 1 tháng. Ảnh: Chí Hùng. |
Để hỗ trợ người dân, TP.HCM phối hợp với các địa phương để tổ chức người ngoại tỉnh về quê tránh dịch. Tính đến 8/9, hơn 28.000 người đã được đưa về quê an toàn trên những chuyến xe, chuyến bay miễn phí. Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên nhiều lần gửi đi thông điệp “mời bà con ở lại TP.HCM tiêm vaccine” và hứa sẽ đảm bảo chăm lo cho người dân.
|
Chính quyền quận Bình Thạnh (TP.HCM) tổ chức di dời 546 người dân từ trong quận đến sống tạm ở Khách sạn Công đoàn Thanh Đa để tránh dịch. Ảnh: Phạm Ngôn. |
Bất chấp hàng loạt nỗ lực trong suốt hơn 2 tháng chống dịch, tình hình dịch bệnh vẫn không có dấu hiệu giảm nhiệt. Ngày 26/7, khi số ca nhiễm ghi nhận trong ngày gần tới 6.000, TP.HCM ban hành một quy định chưa từng có tiền lệ. Người dân được yêu cầu hạn chế ra đường, các cửa hàng, cơ sở kinh doanh phải đóng cửa từ 18h đến 6h sáng hôm sau.
|
Các vòng xoay, đại lộ vắng bóng người sau 18h tại trung tâm TP.HCM. Ảnh: Quỳnh Danh - Thuận Thắng. |
Trước tình hình dịch bệnh ngày càng căng thẳng ở khu vực phía Nam, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã vào TP.HCM ngay sau khi kết thúc kỳ họp Quốc hội để kiểm tra công tác phòng, chống dịch. Trong chuyến thăm của mình, ông cho rằng TP.HCM phải tiếp tục giãn cách xã hội thêm một thời gian nữa.
Ngày 31/7, Thủ tướng ban hành công điện yêu cầu TP.HCM và các tỉnh phía Nam tiếp tục giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 thêm 14 ngày.
Sống chung
TP.HCM bước vào tháng chống dịch thứ 3 với số ca nhiễm gần chạm mốc 100.000. Số ca tử vong đã hơn 1.300 và mục tiêu giảm tỷ lệ F0 tử vong vẫn còn đầy thách thức.
TP.HCM nhiều lần điều chỉnh, rút ngắn một số quy trình để mở rộng không gian điều trị. Giữa tháng 8, TP.HCM công bố chiến lược điều trị giảm tử vong trên 2 trụ cột: Điều trị F0 tại nhà và cộng đồng nhằm giảm ca diễn tiến nặng và điều trị F0 tại bệnh viện với hệ thống 3 tầng điều trị.
|
TP.HCM đang có 5 trung tâm hồi sức COVID-19 của: Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM, Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện hữu nghị Việt - Đức, Bệnh viện Trung ương Huế. Ảnh: Duy Hiệu. |
Người dân liên tục phản ánh tình trạng khó liên hệ với y tế, dẫn đến chuyển nặng nhanh, thậm chí tử vong. Thứ trưởng Bộ Y tế phải thừa nhận thực tế TP.HCM quá tải trong điều trị F0.
Áp lực này buộc ngành y tế phải liên tục nâng cao công suất trên mọi tầng điều trị. Nhiều bệnh viện dã chiến, trung tâm hồi sức được thành lập chỉ trong vài giờ. Các kế hoạch điều trị, cấp cứu F0 tại nhà được TP.HCM tổ chức lại nhằm đảm bảo tiếp cận hệ thống y tế của người dân.
|
Trung tâm cấp cứu 115 TP.HCM thường xuyên phải cấp cứu cho F0 trở nặng và nguy kịch tại nhà do số ca nhiễm trong cộng đồng tăng cao. Ảnh: Duy Hiệu - Ngọc Tân. |
Từ 0h ngày 16/8, TP.HCM công bố tiếp tục giãn cách xã hội thêm 1 tháng với nguyên tắc “ai ở đâu ở đó”. Chỉ một vài ngày sau, tình trạng đông đúc xuất hiện trở lại, trong khi đó, số ca mắc COVID-19 trong đợt dịch thứ tư đã vượt quá 150.000 ca và hơn 2.500 bệnh nhân tử vong.
|
Đội thiện nguyện giúp đỡ mai táng những người tử vong do COVID-19 tại TP.HCM. Ảnh: Duy Hiệu. |
Trước tình hình căng thẳng của TP.HCM và các tỉnh phía Nam, Thủ tướng ban hành công điện yêu cầu người dân “ai ở đâu ở yên đó” ít nhất 2 tuần từ 23/8. Toàn bộ người dân không ra khỏi nhà và lực lượng chức năng sẽ tiến hành “đi chợ hộ”.
Hàng nghìn chiến sĩ quân đội và cán bộ y tế từ khắp các tỉnh thành được chi viện vào TP.HCM, sẵn sàng cho một trận đánh quyết định.
|
Hai chuyến bay chở 300 cán bộ, chiến sĩ Học viện Quân y hạ cánh sân bay Tân Sơn Nhất chiều 21/8. Họ nằm trong số 1.400 quân của Học viện được điều động vào TP.HCM. Ảnh: Chí Hùng. |
Sáng 23/8, hình ảnh những chiến sĩ bộ đồi bồng súng, ra hiệu kiểm tra giấy tờ của người đi đường trở thành một trong những khoảnh khắc lịch sử của TP.HCM. Các chiến sĩ bộ đội tuần tra trên đường, loay hoay chọn hàng trong siêu thị, len lỏi tới từng nhà dân để trao túi an sinh, hỗ trợ người dân đi chợ hộ...
Tại các bệnh viện điều trị COVID-19, trạm y tế phường, xã, chiến sĩ quân y cùng các y bác sĩ đồng lòng khoác lên mình bộ đồ bảo hộ, nỗ lực cứu sống tối đa bệnh nhân.
|
Từ 23/8, TP.HCM bước vào 14 ngày siết chặt giãn cách với thông điệp “ai ở đâu ở yên đó”. Bộ đội đi chợ hộ, mang thực phẩm trao tận nhà dân. Ảnh: Quỳnh Danh - Phương Lâm - Ngọc Tân. |
Trong hơn 2 tuần vừa qua, TP.HCM tập trung vào hai chiến dịch lớn. Một lần nữa, TP.HCM quay lại với chiến dịch xét nghiệm diện rộng theo chỉ đạo của Thủ tướng với mục tiêu bóc tách tất cả F0 ra khỏi cộng đồng, vẽ lại bản đồ nguy cơ tại TP.HCM.
Song song với đó là chiến dịch tiêm vaccine nhằm đạt độ phủ mũi 1 cho 100% người dân trên 18 tuổi trước 15/9 và đẩy nhanh tiến độ tiêm mũi 2 cho người đến thời hạn tiêm.
|
Trong thời gian giãn cách xã hội, TP.HCM đến tận nhà dân tiêm vaccine. Thành lập tổ phản ứng nhanh tại các phường để F0 chuyển nặng tại nhà có thể tiếp cận y tế sớm nhất. Ảnh: Duy Hiệu - Phạm Ngôn. |
TP.HCM đang lên kịch bản cho “bình thường mới” sau 15/9, và độ phủ vaccine là điều kiện quan trọng để TP.HCM có thể tiến tới kịch bản tốt nhất - mở cửa từng phần.
Ngày 9/9, người dân TP.HCM được “thả lỏng” hơn so với suốt một tháng trước khi các cửa hàng đồ ăn được bán mang về. Đây là bước đệm để TP.HCM chuẩn bị cho việc từng bước mở cửa lại nền kinh tế sau 15/9. Tuy nhiên, mục tiêu này đòi hỏi người dân phải chuẩn bị tâm thế cho một chặng đường mới - sống chung với dịch.