ĐBSCL có mạng lưới sông ngòi, kênh rạch dày đặc. Đây được xem là điều kiện thuận lợi để phát triển giao thương, trao đổi hàng hóa bằng đường thủy. Tuy nhiên, chính đặc điểm này đã đặt trẻ em đối diện với nguy cơ đuối nước và thực tế không ít vụ việc đau lòng đã xảy ra, đặc biệt là trong những ngày đầu tiên trẻ được nghỉ hè.
Lực lượng chức năng vớt thi thể một trẻ ở Đồng Tháp bị đuối nước. Ảnh: VĨNH KỲ
Những cái chết thương tâm
Bà Nguyễn Thu Tư, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH) tỉnh Cà Mau, cho biết từ đầu năm đến nay, trên địa bàn xảy ra 7 vụ trẻ bị đuối nước. Mới đây nhất là vụ bé B.V (5 tuổi; ngụ huyện Cái Nước) xin gia đình cùng bé K. đi chơi. Đến tối không thấy các bé trở về, gia đình tức tốc tìm kiếm và trình báo cơ quan chức năng. Sau nhiều giờ tìm kiếm, ngành chức năng đã phát hiện 2 bé tử vong dưới kênh.
Tại Bạc Liêu, do gia cảnh khó khăn nên bé N.T.K.N (10 tuổi) và bé L.T.T (9 tuổi; ngụ huyện Đông Hải) được cha mẹ gửi lại cho bà nội chăm sóc để đi làm thuê kiếm tiền trang trải cuộc sống. Một ngày cuối tháng 5, các em đã trốn bà nội ra ao phía sau nhà tắm và tử vong tại đây.
Từ đầu năm 2023 đến nay, trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp đã xảy ra 9 vụ trẻ đuối nước, khiến 12 em tử vong. Trong đó có một vụ đuối nước nghiêm trọng, xảy ra tại xã Mỹ Hiệp (huyện Cao Lãnh) khiến 3 chị em ruột tử vong. Đau đớn hơn, chính người mẹ đã nhảy xuống sông tìm vớt được thi thể của 2 đứa con, rồi sau đó kêu khóc nhờ mọi người tìm vớt thi thể đứa còn lại.
Tai nạn đuối nước không chỉ xảy ra với các em nhỏ chưa biết bơi, mà ngay cả những em biết bơi cũng gặp nguy hiểm khi không cẩn thận. Như sự việc xảy ra vào ngày 1-6, các em nhỏ rủ nhau đi tắm tại khu vực cầu Tân Hội (phường An Thạnh, TP Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp). Tắm được 15 phút, cả nhóm rủ nhau bơi qua lại giữa 2 trụ cầu. Khi đang bơi, em H.N.H (14 tuổi) có dấu hiệu đuối sức nên đã nắm vào người bạn đang bơi cùng khiến cả 2 bị chìm. Rất may, em bơi cùng đã thoát ra được. Thấy H. bị đuối nước, cả nhóm tri hô, kêu cứu nhưng không ai phát hiện để hỗ trợ. Sau đó, cả nhóm đi về mà không báo với người lớn vì lo sợ. Đến sáng 2-6, người nhà em H. đi tìm và hỏi thì các em mới kể lại sự việc xảy ra lúc tắm sông. Đến trưa cùng ngày, các lực lượng tại địa phương mới vớt được thi thể em H., đưa về gia đình lo hậu sự.
Trẻ em vùng nông thôn Cà Mau đang được người lớn dạy tập bơi trong những ngày hè. Ảnh: VÂN DU
Đồng loạt hành động để ngăn chặn
Trước tình trạng xảy ra liên tiếp các vụ đuối nước trên địa bàn, UBND tỉnh Đồng Tháp yêu cầu các sở, ngành, UBND huyện, thành phố thực hiện nghiêm chỉ đạo của trung ương và của tỉnh về bảo đảm quyền trẻ em và bảo vệ trẻ em, đặc biệt chú trọng công tác phòng, chống đuối nước cho trẻ em, giai đoạn 2021 - 2025. Cùng với đó, các ngành chức năng của tỉnh phối hợp với các đoàn thể tăng cường công tác tuyên truyền kiến thức, kỹ năng về phòng, chống đuối nước trẻ em cho cha mẹ, trẻ em, học sinh và cộng đồng dân cư, hộ gia đình có trẻ em dưới 6 tuổi; đề cao trách nhiệm của gia đình trong việc trông giữ, giám sát trẻ em trong thời gian trẻ không đến trường, nhất là dịp nghỉ hè. "Năm nay, tai nạn đuối nước xảy ra bất thường hơn các năm, nhiều vụ rất thương tâm. Do đó, UBND tỉnh đã chỉ đạo các đơn vị liên quan phải tăng cường và quyết liệt hơn nữa trong công tác bảo vệ trẻ em" - ông Đoàn Tấn Bửu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp, cho biết.
Theo ông Nguyễn Văn Ngợi, Trưởng Phòng Chính trị tư tưởng, Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) tỉnh Đồng Tháp, ngành giáo dục của tỉnh đã tổ chức rất nhiều hoạt động nhằm nâng cao kỹ năng cho học sinh trong phòng, chống đuối nước, như: Dạy bơi, tổ chức các cuộc thi bơi nhưng những vụ tai nạn đuối nước vẫn xảy ra. Điều đó cho thấy còn nhiều nguyên nhân chủ quan khác. "Việc chủ quan, lơ là của gia đình là nguyên nhân chính. Vì ngoài thời gian đến trường, tham gia các buổi sinh hoạt đoàn thể, thì thời gian còn lại của các em thuộc về gia đình quản lý. Nhất là dịp hè, gia đình phải quan tâm, trông nom và giám sát con em mình thật kỹ. Những vụ đuối nước vừa qua cho thấy gia đình chủ quan con biết bơi hoặc lơ là ít phút là các em gặp nạn. Những tai nạn như thế rất đau lòng" - ông Ngợi nói.
Theo Sở LĐ-TB-XH tỉnh Cà Mau, song song với việc thực hiện các nội dung theo kế hoạch của "Tháng hành động vì trẻ em và hoạt động hè", để phòng chống đuối nước, địa phương còn giao nhiệm vụ cho mỗi cơ sở đoàn phải mở được ít nhất một lớp dạy bơi cho trẻ em.
Ông Trần Thanh Bình, Giám đốc Sở GD-ĐT TP Cần Thơ, cho biết ngành và các cơ sở giáo dục tuyên truyền, phối hợp với cha mẹ học sinh, chính quyền và các tổ chức đoàn thể tại địa phương trong quản lý, giáo dục học sinh về phòng, chống đuối nước, nhất là tại các địa điểm tiềm ẩn nguy cơ đuối nước. Ngoài ra, sở cũng xây dựng kế hoạch liên tịch đối với tổ chức đoàn, đội và gia đình trong việc tổ chức, quản lý, giám sát hướng dẫn học sinh bảo đảm an toàn phòng, chống tai nạn thương tích, đuối nước trong dịp nghỉ hè. "Ngành còn phối hợp với chính quyền tại địa phương tổ chức công tác bàn giao trẻ em, học sinh trước khi nghỉ hè và tổ chức các lớp học bơi, lớp học kỹ năng an toàn phòng, chống đuối nước. Sở đã lập kế hoạch tập huấn kỹ năng phòng, chống tai nạn thương tích trẻ em cho các cơ sở giáo dục nhằm trang bị kiến thức về các kỹ năng phòng, chống tai nạn thương tích cho trẻ em, trong đó có sơ cấp cứu tại chỗ trong các trường hợp đuối nước" - ông Bình nói.
Để nâng cao ý thức người dân quan tâm đến môn bơi lội, ngày 1-6 vừa qua, tại 9 quận, huyện trên địa bàn TP Cần Thơ đã đồng loạt diễn ra lễ phát động toàn dân tập luyện môn bơi, phòng chống đuối nước năm 2023. Việc phát động này nhằm tuyên truyền lợi ích, tác dụng của tập luyện môn bơi, các kỹ năng an toàn trong môi trường nước, đồng thời vận động toàn dân tích cực tập bơi, nâng cao sức khỏe, tầm vóc, thể lực, phòng chống bệnh tật cho trẻ em và cộng đồng.
Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch (VH-TT-DL) tỉnh Trà Vinh cũng vừa tổ chức lễ phát động phong trào toàn dân tập luyện môn bơi phòng, chống đuối nước và khai mạc giải bơi các nhóm tuổi cấp tỉnh năm 2023. Theo ông Cao Quốc Dũng, Phó Giám đốc Sở VH-TT-DL, tình trạng đuối nước đang trở thành vấn đề được nhiều người quan tâm. Nhất là vào dịp hè, học sinh được nghỉ học thường xảy ra những tai nạn đáng tiếc liên quan đến đuối nước. Qua đó, lãnh đạo sở VH-TT-DL cũng kêu gọi các cấp, các ngành, gia đình, nhà trường và toàn xã hội tích cực tuyên truyền và quan tâm phát triển môn bơi để phát triển thể lực, tầm vóc và phòng, chống đuối nước cho trẻ em.
Cấp tốc cho con học bơi
Trước những vụ đuối nước xảy ra gần đây, nhiều gia đình rất lo lắng cho con em mình. Chị Nguyễn Thị Tuyết Minh (ngụ phường An Thạnh, TP Hồng Ngự) cho biết: "Con tôi 8 tuổi, chưa biết bơi, hè này gia đình dành thời gian để tập bơi cho con. Ngoài ra, gia đình còn luôn thay phiên một người theo giữ con, lúc nào con chơi cũng phải trong tầm nhìn, như vậy tôi mới yên tâm. Những vụ tai nạn đuối nước vừa qua ở Đồng Tháp thật sự quá đau lòng và là lời cảnh báo cho tất cả gia đình đang có con nhỏ".
Chị Nguyễn Hồng Đang (ngụ tỉnh Cà Mau), chia sẻ: "Miền Tây mình là vùng sông nước nên nguy cơ trẻ gặp sự cố về đuối nước là rất cao. Hằng ngày, tôi chịu khó chở con di chuyển khoảng 10 km để học bơi. Sau mấy ngày học, cháu đã trang bị những kỹ năng cơ bản và bơi cũng được tạm tạm nên tôi cũng yên tâm hơn".
Vừa nghỉ hè, chị Huỳnh Thị Trúc Mai (ngụ phường An Khánh, quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ) đã đăng ký lớp học bơi cho con trai 9 tuổi. Chị Trúc nói: "Đi họp phụ huynh cuối năm, cô giáo bảo hồi đầu năm khi báo cáo việc học bơi của học sinh thì lớp con tôi có nhiều cháu không biết bơi. Khi các phụ huynh ngồi lại với nhau đã bàn hè này sẽ cho các cháu đi học bơi. Chúng tôi đã tìm được một thầy dạy và sẽ cho con học 1 tuần 3 buổi. Đến bây giờ tôi mới nhận ra rằng khi con biết bơi thì cha mẹ sẽ yên tâm hơn khi cho con đi biển hoặc đi tham quan ở những nơi có sông, suối".