Học viên tập lái gây TNGT khiến bé 3 tuổi tử vong: Công an vào cuộc...kết cục ra sao?

Google News

Cơ quan công an mời hai nữ học viên, đại diện Trường trung cấp Đại Lâm làm việc vụ nữ học viên tập lái xe gây TNGT khiến bé gái 3 tuổi tử vong.

Thông tin mới nhất vụ cháu bé 3 tuổi tử vong do nữ học viên tập lái gây tai nạn, chiều ngày 13/8, trao đổi với báo chí, một lãnh đạo Công an tỉnh Nam Định xác nhận có vụ việc trên. Đồng thời cho biết, đã mời hai học viên và đại diện Trường trung cấp Đại Lâm lên làm việc. Hai học viên này không trốn tránh, đã phối hợp cùng cơ quan điều tra làm rõ nguyên nhân vụ việc, chấp hành nghiêm quy định của pháp luật nên chưa đến mức phải áp dụng biện pháp tạm giam.
Khoảng 17h chiều 11/8, khi cháu T. (3 tuổi) được chị họ (11 tuổi) chở trên chiếc xe đạp di chuyển trên tuyến đường ở Khu dân cư tập trung Hải Thanh, xã Hải Thanh (huyện Hải Hậu, Nam Định) đã bị một chiếc ô tô 4 chỗ mang BS 18A - 005.40 đi cùng chiều, từ phía sau, đâm vào đuôi xe đạp. Vụ tai nạn khiến bé 3 tuổi bị chấn thương sọ não, được đưa vào Bệnh viện cấp cứu nhưng không qua khỏi.
Hoc vien tap lai gay TNGT khien be 3 tuoi tu vong: Cong an vao cuoc...ket cuc ra sao?
Hiện trường vụ tai nạn. 
Thời điểm đó, xe gây tai nạn được xác định là xe tập lái của Trường trung cấp Đại Lâm, lúc xảy ra tại nạn trên xe có hai học viên nữ. Ông Vũ Thế Mạnh, Chủ tịch UBND xã Hải Thanh cho biết, tại thời điểm vụ tai nạn xảy ra, thầy dạy lái xe lúc đó ra ngoài ngồi uống nước, trong xe chỉ có 2 nữ học viên học lái xe.
Tiến sĩ, luật sư Đặng Văn Cường, Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho rằng, đây là vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng, gây hậu quả chết người và bước đầu xác định có lỗi của học viên và lái xe nên cả hai người sẽ cùng phải chịu trách nhiệm trước pháp luật.
Theo luật sư Cường, pháp luật quy định xe ô tô là nguồn nguy hiểm cao độ, người điều khiển xe ô tô phải có giấy phép lái xe phù hợp. Học viên đang học lái xe ô tô là người chưa đủ điều kiện điều khiển phương tiện giao thông đường bộ là xe ô tô.
Do đó, pháp luật quy định xe tập lái là xe chuyên dụng, có hỗ trợ phanh và điều kiện bắt buộc phải có giáo viên ngồi cùng để bảo trợ tay lái. Tập lái xe phải trên sân, bãi thiết kế cho việc tập lái xe để đảm bảo an toàn trong quá trình tập lái xe.
Theo quy định của pháp luật, việc đào tạo lái xe phải có giấy phép, người đào tạo phải tuân thủ các quy tắc an toàn, phải ngồi cạnh học viên trong quá trình tập lái. Nếu giáo viên để học viên tự lái xe tham gia giao thông và gây tai nạn nghiêm trọng, cơ quan điều tra sẽ khởi tố vụ án hình sự.
Luật giao thông đường bộ quy định cơ sở đào tạo lái xe là loại hình cơ sở dạy nghề, phải có đủ điều kiện về lớp học, sân tập lái, xe tập lái, đội ngũ giáo viên, giáo trình, giáo án và phải được giấy cấp phép theo quy định. Cơ sở đào tạo lái xe phải thực hiện đúng nội dung và chương trình quy định cho từng loại, hạng giấy phép lái xe.
Trong quá trình đào tạo lái xe, giáo viên phải ngồi cạnh để trợ giúp tay lái cho học viên, phải sử dụng xe chuyên dụng để sử dụng cho tập lái. Đoạn đường, chương trình bài học phải theo quy định. Nghiêm cấm việc giáo viên tử vào xe không đúng chủng loại cho học viên, không ngồi cạnh học viên khi thực hành lái xe.
Điều 4 Thông tư 12/2017/TT-BGTVT, được sửa đổi bởi khoản 2 Điều 1 Thông tư 38/2019/TT-BGTVT, việc quản lý hoạt động của cơ sơ đào tạo lái xe được quy định như sau: Cơ sở thực hiện chức năng đào tạo và sát hạch lái xe có thể sử dụng sân sát hạch để đào tạo lái xe; Giáo viên dạy thực hành lái xe ô tô phải qua tập huấn về nghiệp vụ dạy thực hành lái xe theo chương trình do Tổng cục Đường bộ Việt Nam ban hành. Giáo viên phải ngồi cạnh để bảo trợ tay lái cho học viên trong quá trình thực hành.
Nghị định 100/2019/NĐ-CP cũng quy định một số hành vi của giáo viên vậy lái xe có thể bị xử phạt vi phạm hành chính.
Trường hợp giáo viên không tuân thủ quy định pháp luật về đào tạo lái xe gây ra tai nạn có thể sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng, tội vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ hoặc tội giao phương tiện cho người không đủ điều kiện điều khiển, tùy thuộc vào tình huống cụ thể.
Theo Điều 58. Luật giao thông đường bộ quy định về điều kiện của người lái xe tham gia giao thông như sau: “Người lái xe tham gia giao thông phải đủ độ tuổi, sức khoẻ quy định tại Điều 60 của Luật này và có giấy phép lái xe phù hợp với loại xe được phép điều khiển do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp.
Người tập lái xe ô tô khi tham gia giao thông phải thực hành trên xe tập lái và có giáo viên bảo trợ tay lái.
Người lái xe khi điều khiển phương tiện phải mang theo các giấy tờ sau: Đăng ký xe; Giấy phép lái xe đối với người điều khiển xe cơ giới quy định tại Điều 59 của Luật này; Giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường đối với xe cơ giới quy định tại Điều 55 của Luật này; Giấy chứng nhận bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới”.
Bởi vậy, trong tình huống này học viên điều khiển phương tiện khi không có giáo viên bảo trợ là vi phạm quy định tại điều 58 luật giao thông đường bộ. Còn giáo viên giao xe cho học viên không đủ điều kiện điều khiển để tham gia giao thông đường bộ là cũng vi phạm quy định của luật giao thông đường bộ, hành vi gây hậu quả chết người nên người giáo viên này sẽ bị xử lý hình sự theo điều 264 bộ luật hình sự.
Cơ quan chức năng sẽ xem xét làm rõ nguyên nhân sự việc, làm rõ yếu tố lỗi của giáo viên và học viên phải xác định hậu quả của vụ tai nạn để xem xét xử lý theo quy định của pháp luật.
“Hành vi có lỗi của giáo viên khi giao xe cho học viên, người không đủ điều kiện điều khiển để tham gia giao thông đường bộ thì có thể sẽ bị xử lý hình sự theo điều 264 bộ luật hình sự. Còn học viên không đủ điều kiện để điều khiển phương tiện giao thông đường bộ, khi không có giáo viên bảo trợ tay lái mà vẫn điều khiển phương tiện giao thông đường bộ gây tai nạn giao thông đây là hành vi vi phạm giao thông được bộ. Người này sẽ bị xem xét xử lý hình sự về tội vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ theo điều 260 bộ luật hình sự”, luật sư Cường nêu ý kiến.
Thực tế thời gian gần đây xuất hiện nhiều giáo viên đã không tuân thủ quy định về đào tạo sát hạch lái xe, sử dụng các xe không có bảo trợ tay lái, hỗ trợ phanh (phanh phụ), không phải là những xe chuyên dụng để đào tạo lái xe, cho học viên tập lái không phải trong sân tập, giao xe cho học viên điều khiển trên đường giao thông... tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn khi tham gia giao thông được bộ.
Do vậy, cơ quan chức năng cần phải chấn chỉnh kịp thời thái độ trách nhiệm của giáo viên ở các cơ sở đào tạo sát hạch lái xe, đặc biệt là những giáo viên mới ý thức chấp hành luật lệ giao thông chưa tốt để tránh những vụ việc tai nạn giao thông tương tự có thể xảy ra.
Ngoài trách nhiệm hình sự mà học viên và giáo viên phải chịu theo quy định của pháp luật, người vi phạm sẽ liên đới phải bồi thường toàn bộ thiệt hại đã gây ra đối với nạn nhân và gia đình nạn nhân. Thiệt hại bao gồm chi phí cứu chữa, tiền chi phí mai táng theo phong tục địa phương, tiền công người chăm sóc và một khoản tiền bồi thường tổn thất về tinh thần khoảng 100 tháng lương cơ bản theo quy định của pháp luật. Việc bồi thường thiệt hại do hai bên thỏa thuận, nếu không thỏa thuận được thì có thể yêu cầu toà án giải quyết theo quy định pháp luật.
>>> Mời độc giả xem thêm video Có thêm 16 người chết vì tai nạn giao thông:

Nguồn: THĐT

Hải Ninh

>> xem thêm

Bình luận(0)