Qua độ tuổi nghỉ hưu nhưng ông Đỗ Văn Yên (SN 1944 - Trưởng ban bảo vệ dân phố phường Kim Liên, Đống Đa, Hà Nội) vẫn miệt mài với công việc giữ an ninh, trật tự cho người dân.
Nhìn người đàn ông có vóc dáng nhỏ bé, da ngăm ngăm, ít ai nghĩ được một thời tên ông từng khiến nhiều đối tượng trộm cắp, cướp giật liều lĩnh ở khu vực chợ Kim Liên (Hà Nội) phải e ngại.
|
Ông Đỗ Văn Yên - Trưởng ban bảo vệ dân phố phường Kim Liên, Đống Đa, Hà Nội). |
Hơn 20 năm tham gia đội săn bắt cướp của địa phương, ông đã bắt được hàng trăm vụ cướp táo tợn, lấy được đồ về cho người bị hại. Tất cả đều được ông ghi ghép tỉ mỉ vào cuốn nhật ký của mình.
Ở tuổi thanh niên, ông tham gia nhập ngũ theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, vào chiến trường với vai trò lính trinh sát.
Chuyển ngành ông Yên làm qua nhiều vị trí, đến năm 1994 khi nghỉ hưu, ông bắt đầu gắn bó với vai trò “hiệp sĩ đường phố”.
|
Ông Yên (dấu tròn đỏ) trong lần hỗ trợ cơ quan công an vây bắt đối tượng cướp giật. |
Trong dòng hồi ức, ông nhớ lại, những năm 90 của thế kỷ trước, nền kinh tế vừa mới mở cửa, nhà nhà đua nhau buôn bán, làm giàu. Phường Kim Liên mọc lên khu chợ sida (bán quần áo cũ) lớn của thủ đô.
“Ngày ấy, mới bước ra từ khó khăn, thiếu thốn nên những bộ quần áo cũ nhưng kiểu dáng lạ mắt, hợp thời trang, có xuất xứ nước ngoài rất thu hút người mua.
Nhiều người trở nên giàu có từ việc buôn bán quần áo, đồ điện tử cũ. Ở nước ngoài là đồ thải nhưng về Việt Nam lại trở thành đồ được ưa chuộng”, ông Yên kể.
Bên cạnh sự sầm uất, phát triển của đô thị, khu chợ này cũng bắt đầu nảy sinh ra các vấn đề phức tạp. Các đối tượng trộm cắp tài sản, cướp giật tập trung về đây “kiếm ăn”, gây xáo trộn cuộc sống người dân.
Nhiều vụ trộm cắp liên tiếp xảy ra. Người dân nơm nớp lo sợ, bất an. Tiểu thương dù biết kẻ ăn trộm là ai nhưng không dám lên tiếng vì sợ chúng trả thù.
Để hỗ trợ cơ quan chức năng giữ an ninh trật tự địa phương, đội săn bắt cướp được thành lập với 14 “hiệp sĩ” và ông Yên đảm nhiệm vị trí phó trưởng ban.
Trong số các đối tượng đang hoành hoành trên địa bàn, ông Yên nhận thấy nổi lên một nữ quái tên H.B có ngoại hình to béo, đẫy đà, chuyên dùng chiêu trò “vừa ăn cướp, vừa la làng”.
Theo ông, nữ quái này chuyên hoạt động móc túi trên địa bàn từ ga Hàng Cỏ (ga Hà Nội) về đến chợ đồ cũ.
Bằng chiêu thức tinh vi, ban đầu người phụ nữ này tiếp cận, ra vẻ tử tế nhắc nhở khách vào chợ mua hàng đề phòng trộm cắp. Nhân lúc người đó sơ hở, chị ta cho tay vào móc túi và nhanh chóng giấu đồ vào chiếc quần 2 lớp đang mặc.
Trường hợp bị phát hiện, nữ quái sẵn sàng cởi đồ, ăn vạ, hô hoán mình bị sàm sỡ. Khi thấy chị ta khỏa thân, mọi người không ai dám lại gần, nhân cơ hội đó, nữ quái nhảy lên xe đồng bọn chờ sẵn, tẩu thoát.
Sự việc tái diễn nhiều lần, người này hoạt động ngày càng liều lĩnh hơn. Bị hại đến trình báo ngày một đông, số tiền họ bị mất từ vài trăm nghìn đến cả chục triệu đồng.
Nhiều người có thâm niên buôn bán ở đây vẫn hãi hùng, ám ảnh khi nhắc đến nữ quái tên B: "Ngày B còn tác oai, tác quái ở đây, chúng tôi không dám động đến. Rõ ràng mình nhìn thấy B móc túi khách hàng nhưng sợ nó đưa đồng bọn đến đánh nên phải im lặng".
Họ vẫn nhớ như in lần B trả thù một tiểu thương. Lần đó, chủ sạp quần áo thấy B rạch túi một khách hàng mua hàng của mình, đã hô hoán, cảnh báo.
Vài giờ sau, sạp hàng quần áo của người đó bị hắt dầu luyn, chất phế thải. Hàng hóa thiệt hại khá nhiều.
|
Cuốn sổ nhật ký ghi lại các vụ bắt cướp của ông Yên. |
Trước tình hình nghiêm trọng, ông Yên phối hợp với lực lượng công an phường thực hiện bắt quả tang, xử lý đối tượng.
Hôm đó, trời lạnh, ông mặc áo khoác dày, trùm kín mặt, đóng vai dân chợ, tay xách chiếc túi nhựa đi lại quanh khu chợ.
Đến giữa chợ, khi thấy người phụ nữ đó đang móc tiền từ túi người phụ nữ đi xe máy màu đỏ, nam bảo vệ dân phố nhanh như chớp, lao đến giữ tay đối tượng.
Người này định giở chiêu trò như mọi lần nhưng bằng kinh nghiệm riêng, ông đã khống chế, bắt quả tang đối tượng. Đúng lúc đó lực lượng chức năng theo sau yểm trợ, xuất hiện đưa chị ta về đồn.
Tuy nhiên, gia đình nữ quái đã mang giấy chứng nhận tâm thần đến cơ quan công an để giúp người thân mình thoát tội.
Những lần sau đó, người này tiếp tục ra đây “hành nghề” nhưng ông Yên luôn theo sát. Hễ nữ quái có dấu hiệu trộm cắp, ông kịp thời ra tay ngăn chặn.
Vì vậy, nữ quái này gặp ông ở đâu là lảng đi chỗ khác. Lâu dần, không làm ăn gì được, chị ta phải dạt sang nơi khác, không còn thấy xuất hiện trên địa bàn Kim Liên.
Một lần khác, vào năm 1996, ông Yên bắt được đối tượng đang trộm xe đạp. Thời điểm này, xe đạp là tài sản quý đối với nhiều gia đình.
Trong lúc dẫn giải về phường, đối tượng bất ngờ quay ra đâm khiến ông Yên thủng dạ dày. Mặc dù bị thương nặng nhưng ông vẫn kiên trì đuổi theo tội phạm.
Do mất máu quá nhiều, ông Yên ngất đi. Khi tỉnh lại, ông mới biết mình vừa trải qua cơn thập tử nhất sinh.
Vợ khóc cạn nước mắt, khuyên chồng ở nhà nhưng với "máu" săn bắt cướp, vừa ra viện, ông lại tiếp tục quay trở lại công việc.
(Còn nữa)